Masan và chiến lược của kẻ dẫn đầu

Đức Trí Thứ năm, ngày 16/06/2016 07:05 AM (GMT+7)
Theo báo cáo minh bạch lần đầu tiên lên sàn chứng khoán, cuối năm 2015, doanh thu của Masan Group đạt 30,6 ngàn tỷ đồng (tương đương 1,4 tỷ USD). Đóng góp phần lớn vào tổng doanh thu đó chính là quyết định táo bạo đầu tư vào nông nghiệp.
Bình luận 0

Cũng như nhiều tập đoàn khác, Masan Group, thành công trên đất Nga trước khi quay về Việt Nam. Về nước vào năm 2001, ông Nguyễn Đăng Quang, nhà sáng lập Masan đã phải trả “học phí” lên đến 20 tỷ đồng khi thất bại trong việc đầu tư chuỗi siêu thị Masan Mart.  

Nói về thất bại cay đắng này, ông Quang chia sẻ “chúng tôi đã không lường được vào thời điểm 2001, người dân chưa sẵn sàng trả tiền cho sự tiện ích”. Do vậy, Masan đã chuyển hướng kinh doanh sang ngành hàng tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đăng Quang, nhà sáng lập nên “đế chế” Masan Group.

Quay lại cốt lõi

Sau thất bại đầy cay đắng đó, Masan điều chỉnh và trở thành người dẫn đầu sau 15 năm.

Nhìn lại lịch sử Masan, thành công đầu tiên chính là mì gói với thương hiệu Mivimex trên đất Nga. Sau thành công này, Masan lấn sân sang lĩnh vực tương ớt và thu được thành công vang dội.

Sau cú thất bại mang tên Masan Mart, Masan lập tức quay lại ngành kinh doanh cốt lõi: kinh doanh mì gói và thực phẩm. Năm 2002, một thương hiệu có tên Chinsu ra đời. Thật may mắn, khi người dân đang hoang mang về vụ khủng hoảng có tên 3-MCPD (một hoạt chất có khả năng gây ung thu), các nhà lãnh đạo Masan đã biến cơn khủng hoảng này thành cơ hội marketing với chiến dịch rầm rộ vì đã kiểm soát được 3-MCPD. Sau đó, Masan trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực nước tương tại Việt Nam.

Nhắc đến Masan Group, người ta lập tức nhớ đến các thương hiệu: Omachi, Kokomi… Để làm nên thành công này, Masan lần lượt thâu tóm các thương hiệu lớn trong ngành như: Mua lại Cholimex (32,8% cổ phần, tương đương 239,4 tỷ đồng);  mua Saigon Nutri Food (100% cổ phần);  nước khoáng Vĩnh Hảo (63,9% cổ phần) và chi ra gần 300 tỷ đồng vào tháng 2.2016 để tăng tỷ lệ sở hữu tại Vina Café Biên Hòa lên đến 53.2% cổ phần.

Hiện tại, trong cơ cấu doanh thu của Masan Group, mảng kinh doanh hàng tiêu dùng với các thương hiệu: Chinsu, Vina Café, Omachi, Kokomi… chiếm đến 43% có giá trị lên đến 13.212 tỷ đồng.

Tuy nhiên, “mùa vàng” của Masan Group lại được biết đến với một quyết định quan trọng khác: M&A trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Bò sữa” Proconco và AnCo

Các nhà lãnh đạo của Masan ý thức rằng, muốn trở thành người dẫn đầu thì việc quan trọng nhất, là mua lại các công ty dẫn đầu. Đó là chiến lược M&A xuyên suốt mà Masan đã áp dụng qua các thương vụ: Vĩnh Hảo, Vina Café Biên Hòa và Cholimex…

Nhà máy thức ăn gia súc Proconco, một con “bò sữa” mà Masan vừa thâu tóm.

Giới phân tích đặt ra vấn đề, tại sao Masan muốn thâu tóm Proconco và AnCo? Việc đầu tư vào nông nghiệp có mang lại kì vọng tăng trưởng hay không?

Lý giải cho câu hỏi trên, ông Madhur Maini, CEO của Masan Group (thời năm 2014) trong thư gửi cổ đông khẳng định công ty có ý định thiết lập một chuỗi: “giống sạch-thức ăn sạch-nuôi sạch-chế biến sạch-phân phối, bảo quản sạch”.

Do vậy, việc sở hữu hai doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm (Proconco, thành lập từ 1991 và Anco thành lập 2003) có doanh thu luôn dẫn đầu, rõ ràng, toan tính của Masan có khả năng trở thành hiện thực.

Theo đó, trước thời điểm Masan sở hữu Anco, công ty chiếm 4% thị phần thức ăn chăn nuôi của Việt Nam với công suất sản xuất lên đến 750.000 tấn/năm. Với Proconco sản lượng sản xuất lên đến 1,4 triệu tấn/năm với khoảng 8% thị phần. Doanh thu hằng năm của Proconco đạt đến 12.400 tỷ đồng.

Sau khi thâu tóm Proconco và Ancon, Masan lập tức trở thành ông lớn thứ hai trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, chỉ sau công ty CP của Thái Lan. Theo đó, sản lượng thức ăn chăn nuôi mà Masan cung cấp cho thị trường đạt trên 2 triệu tấn/năm, cùng 2.000 đại lý, 13 nhà máy, chiếm đến 12% thị phần thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.

Masan nhắm đến một mục tiêu lớn hơn, đó là thị trường sản xuất thức ăn chăn nuôi có trị giá là 6 tỷ USD. Trong khi ngành protein động vật có giá trị ở mức 18 tỷ USD. Đây chính là “mùa vàng” mà Masan muốn gặt.

Và chỉ một năm sau khi đầu tư vào Anco và Proconco, hai con “bò sữa” này đóng góp đến 14.054 tỷ đồng, chiếm 46% tổng doanh thu của Masan Group. Rõ ràng, các ông chủ của Masan đã có một “mùa vàng” bội thu khi đầu tư vào ngành nông nghiệp.

Tập đoàn Masan Group đã đổi tên Công ty Masan Agri (sau khi M&A Proconco và Anco) thành Masan Nutri-Science và mời ông Phạm Phú Ngọc Trai, nguyên Chủ tịch PepsiCo Đông Dương làm chủ tịch. Bên cạnh đó, Masan cũng giao cho ông Phạm Trung Lâm làm giám đốc chiến lược. Ông Lâm là người đóng vai trò trọng yếu trong việc xây dựng Masan trước đây. Masan Nutri-Science đặt mục tiêu 2020 sẽ đạt được 50% thị phần thức ăn chăn nuôi của Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem