Mất căn cước công dân, làm lại có cần xác nhận của địa phương?

Quang Minh Thứ ba, ngày 28/02/2023 19:14 PM (GMT+7)
Cán bộ công an có thẩm quyền sẽ thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu, kiểm tra, đối chiếu thông tin từ Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần cấp thẻ Căn cước công dân.
Bình luận 0

Câu hỏi:

Trên đường đi làm tôi bị đánh rơi giấy tờ, trong đó có căn cước công dân. Vậy xin hỏi luật sư, theo quy định, làm lại chứng minh nhân dân có khó không. Có cần phải xin giấy xác nhận của địa phương?

Trả lời:

Luật sư Trần Thị Thanh Lam - Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội):

Trình tự, thủ tục thực hiện việc cấp lại thẻ Căn cước công dân được quy định tại khoản 1, Điều 24 Luật Căn cước công dân và Điều 4 đến Điều 10 Thông tư 60/2021/TT-BCA. Các bước thực hiện cũng tương tư như thủ tục cấp mới, cụ thể:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Người dân có nhu cầu cấp lại thẻ Căn cước công dân cần điền mẫu Tờ khai căn cước công dân, sau đó nộp tại Cơ quan Công an có thẩm quyền. Căn cứ tại Điều 10, Điều 13 Thông tư 59/2021/TT-BCA thì người dân có thể gửi đề nghị cấp lại Căn cước công dân tại: Cơ quan Công an cấp huyện, cấp tỉnh tại nơi thường trú; Cơ quan Công an cấp huyện, cấp tỉnh tại nơi tạm trú; Website Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Cán bộ công an có thẩm quyền sẽ thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu, kiểm tra, đối chiếu thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần cấp thẻ Căn cước công dân. Đối với người đang ở trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thì xuất trình giấy chứng minh do Quân đội nhân dân hoặc Công an nhân dân cấp kèm theo giấy giới thiệu của thủ trưởng đơn vị.

Mất căn cước công dân, làm lại có cần xác nhận của địa phương? - Ảnh 1.

Trường hợp người dân làm lại thẻ Căn cước công dân do bị mất sẽ phải thanh toán lệ phí là 70.000 đồng/thẻ. Ảnh: D.V.

Bước 3: Chụp ảnh, thu thập vân tay và in Phiếu thu nhận thông tin

Cán bộ cơ quan quản lý Căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay, đặc điểm nhận dạng của người đến làm thủ tục và In Phiếu thu nhận thông tin, chuyển cho người dân kiểm tra, ký, ghi rõ họ tên và cán bộ thu nhận thông tin kiểm tra, ký, ghi rõ họ tên.

Bước 4: Nộp lệ phí và nhận giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân

Sau khi hoàn thành các bước lấy thông tin trên, trường hợp người dân làm lại thẻ Căn cước công dân do bị mất sẽ phải thanh toán lệ phí là 70.000 đồng/thẻ. Cán bộ cơ quan quản lý Căn cước công dân sẽ cấp giấy hẹn trả thẻ sau khi nhận được thanh toán lệ phí. Trường hợp hồ sơ, thủ tục chưa đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn công dân hoàn thiện để cấp thẻ.

Bước 5: Nhận thẻ Căn cước công dân

Trả thẻ Căn cước công dân theo thời hạn và địa điểm trong giấy hẹn; trường hợp người dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý sẽ trả thẻ theo yêu cầu và người dân tự phải trả phí dịch vụ chuyển phát. Thời hạn cấp lại thẻ Căn cước công dân.

Ngoài ra, Điều 25 Luật Căn cước công dân quy định kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý Căn cước công dân phải cấp lại thẻ Căn cước công dân trong thời hạn như sau: Tại thành phố, thị xã không quá 15 ngày làm việc; Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc; Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc.

Theo quy định tại điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, phòng chống bạo lực gia đình thì hành vi làm mất căn cước công dân, chứng minh nhân dân không bị xử phạt hành chính, người dân chỉ việc làm lại chứng minh nhân dân theo quy định.

Đối với việc xin giấy xác nhận của địa phương, theo luật sư, trước đây nếu người dân đã làm mất CMND, muốn xin cấp lại CMND thì phải trình báo và có giấy xác nhận của cơ quan công an về việc mất CMND. 

Tuy nhiên, hiện nay theo Điều 5 Thông tư số 60/2021/TT-BCA, khi công dân đề nghị cấp lại CCCD thì cán bộ tiếp nhận sẽ tìm kiếm thông tin, thu thập vân tay, chụp ảnh… và in phiếu thu nhận thông tin CCCD để công dân kiểm tra, ký và ghi rõ họ tên, và cấp giấy hẹn trả kết quả giải quyết. 

Như vậy, có thể thấy cán bộ kiểm tra thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nếu trong trường hợp thông tin trong CCCD đã có đủ, không có sự thay đổi điều chỉnh gì thì căn cứ vào đó để tiến hành làm CCCD. 

Người dân gần như không cần phải mang theo giấy tờ gì khi đi làm CCCD gắn chip trong trường hợp này. Tuy nhiên trường hợp thông tin công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng có sự thay đổi, điều chỉnh thì công dân cần phải đem theo những giấy tờ pháp lý khác để chứng minh như sộ hổ khẩu, giấy khai sinh..v.v.. 

Trường hợp chưa có thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư người dân cần liên hệ với cơ quan Công an nơi làm thủ đăng ký thường trú để điều chỉnh, bổ sung trước khi đi làm CCCD. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem