Mất tiền vì "sập bẫy" lừa đảo vay tiêu dùng

N.Minh Thứ bảy, ngày 10/07/2021 07:10 AM (GMT+7)
Lợi dụng tình cảnh người lao động mất việc, cần vay tiền để trang trải cuộc sống trong mùa dịch Covid-19, tình trạng lừa đảo vay tiêu dùng ngày càng nở rộ.
Bình luận 0

Đủ kiểu lừa vay tiêu dùng

Công việc gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chị L. (Bắc Giang) nhận được 1 tin nhắn thông báo được vay số tiền tối đa 40 triệu đồng từ một số điện thoại giới thiệu công ty tài chính Sanv…

Cho rằng vay tiêu dùng qua các công ty tài chính này sẽ an toàn, chị L. đã liên hệ theo số điện thoại được nhân viên hướng dẫn cung cấp CMND và địa chỉ thường trú cùng tên và số điện thoại người thân trên một trang web có tên Tien...

Sau khi cung cấp các thông tin cần thiết, chị được một nhân viên liên hệ thông báo sẽ giải ngân cho vay số tiền 10 triệu đồng trong vòng 30 ngày nhưng số tiền vay sẽ bị trừ phí gần 1 triệu đồng. 

Thế nhưng, chỉ đến khi khoản vay được giải ngân, chị L. mới "tá hỏa" khi nhận được thông báo cho biết số tiền chị sẽ phải trả sau 30 ngày là 15.100.000 đồng. Tức là, lãi suất 51%/1 tháng, tương đương hơn 600%/1 năm.

Mất tiền vì "sập bẫy" lừa đảo vay tiêu dùng  - Ảnh 1.

Nhiều app cho vay tiêu dùng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. (Ảnh minh họa: Thanhnien)

Hay như tại TP.HCM, gần đây, công an các quận, huyện trên địa bàn thành phố nhận nhiều đơn của người dân trình báo về việc bị các đối tượng mạo danh công ty tài chính gọi điện cho vay tiền rồi đưa vào bẫy, chiếm đoạt tài sản.

Trường hợp của anh M.C.N (SN 1997, ngụ quận Tân Phú, TP HCM) là điển hình. Theo đơn trình báo của anh M.C.N gửi Công an quận Tân Phú, anh N cho biết nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ, giới thiệu cho vay vốn.

Do đang mất việc làm ở nhà vì ảnh hưởng dịch Covid-19, anh N đã liên lạc với người này qua tài khoản Zalo tên "SKYE" để vay 35 triệu đồng. Người này giới thiệu là công ty tài chính SkyCredid, đồng thời hướng dẫn thủ tục vay tiền.

Đối tượng yêu cầu anh N tải ứng dụng SkyCredid về điện thoại di động và phải chuyển 3,5 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng chỉ định mang tên Huynh Van Tan để làm hồ sơ vay, nhưng sau đó anh N không nhận được tiền vay.

Tại Đà Nẵng, anh N.V.Q cũng "sập bẫy" chỉ vì lỡ vay tiền online qua app của một công ty được giới thiệu là công ty cho vay tiêu dùng.

Anh Q cho biết, do phải nghỉ việc không lương vì vướng dịch Covid-19, trong lúc túng quẫn anh đã vay 2 triệu đồng để trang trải chi phí gia đình tại một app Vaytieudung. Với số tiền vay 2 triệu, sau 5 ngày, tiền gốc và lãi tổng cộng 2,1 triệu đồng.

"Tính ra nếu vay 2 triệu, 5 ngày trả 2,1 triệu thì chấp nhận được bởi tính ra mỗi ngày chỉ cần tiết kiệm thêm 20 nghìn. Thế nhưng, số tiền thực nhận chỉ có 1,3 triệu đồng cho khoản vay 2 triệu và khi trễ hạn trả nợ 1 ngày thì tiền lãi tăng thêm 300.000 đồng/ngày", anh Q than thở.

Cẩn trọng với lời mời cho vay tiền

Trên thực tế, ngoài những hình thức kể trên gần đây còn xuất hiện việc lợi dụng các công ty tài chính, giả mạo ngân hàng để đi lừa đảo. Các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng người dân có nhu cầu vay tiêu dùng nhưng thiếu hiểu biết về điều kiện, thủ tục vay để lừa họ vào bẫy.

Đáng nói, cho biết dù được cảnh báo rất nhiều lần nhưng nhiều người vẫn bị các đối tượng dẫn dắt, dụ dỗ, dẫn đến mất nhiều tài sản.

Đơn cử mới đây, phía ngân hàng VPBank phát hiện ra app VAYTOT tự mạo danh là app vay tiền của VPBank yêu cầu khách hàng đóng một khoản phí để được giải ngân tiền.

Thông báo của VPBank khẳng định, các khoản vay tại VPBank không yêu cầu khách hàng phải thanh toán hay nộp bất kỳ khoản phí kèm theo.

Mất tiền vì "sập bẫy" lừa đảo vay tiêu dùng  - Ảnh 3.

Ngân hàng cảnh báo về lừa đảo cho vay lãi suất "cắt cổ". (Ảnh: OCB)

Ngân hàng OCB cũng cho hay đã tiếp nhận thông tin phản ảnh từ khách hàng về việc một số kẻ xấu làm giả hợp đồng vay để lừa đảo, thu phí làm hồ sơ.

Những kẻ này tìm kiếm khách hàng có nhu cầu vay qua các trang mạng xã hội của những ngân hàng, công ty tài chính... rồi tiếp cận, tư vấn, chào mời. Hồ sơ giả mạo được mô phỏng các điều khoản theo mẫu hợp đồng vay tại OCB.

"Tuy nhiên, các thông tin về người đứng tên đại diện của ngân hàng đều sai lệch. Sau khi cung cấp các thông tin, khách hàng sẽ được yêu cầu thanh toán theo dạng COD (giao hàng thu tiền) thông qua shipper (người giao hàng), bưu điện với chi phí từ 1,5 - 2,5 triệu đồng để nhận hợp đồng vay", OCB cho biết.

Ngân hàng này khẳng định: "hồ sơ vay được thực hiện đầy đủ theo quy trình và tuân thủ đúng pháp luật. Ngân hàng không yêu cầu nạp tiền/ chuyển khoản/ thanh toán hay thu bất kỳ loại phí nào của khách hàng trong quá trình xem xét và đánh giá khoản vay".

Giám đốc khối khách hàng một ngân hàng thương mại khẳng định:"Không có công ty, ngân hàng nào cho vay qua mạng mà không cần xác minh danh tính người vay. Chưa kể, việc yêu cầu chuyển tiền để chứng minh tài chính lại càng sai. Đó chính là dấu hiệu của lừa đảo".

Vì vậy, khi quyết định vay tiêu dùng hoặc sử dụng các hình thức vay tín chấp như thẻ tín dụng, vay mua trả góp, cần tỉnh táo để chủ động bảo vệ bản thân trước các hành vi lừa đảo. 

"Lựa chọn các công ty tài chính uy tín trên thị trường, kiểm tra kỹ thông tin điều khoản trong hợp đồng. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hay làm theo các yêu cầu giao dịch từ người lạ. Thủ tục vay tại các công ty tài chính tuy đơn giản hơn so với ngân hàng nhưng vẫn bảo đảm quy trình thẩm định và duyệt vay đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Khách hàng khi đi vay cũng phải cung cấp đủ giấy tờ cá nhân cần thiết để hoàn tất hồ sơ vay", ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) khuyến cáo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem