Mặt trận phải nghe dân, hiểu dân hơn

Phương Hà (thực hiện) Thứ hai, ngày 22/09/2014 10:23 AM (GMT+7)
“Đề cao sự đồng thuận, từ đó mới có đoàn kết thực sự. Nhưng muốn đồng thuận thì phải có dân chủ tốt…”- đây là những tâm tư của Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân tộc của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Lù Văn Que về giải pháp để Mặt trận có thể tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, một đòi hỏi được đặt ra trước thềm Đại  hội MTTQ Việt Nam khóa VIII sắp diễn ra.
Bình luận 0

Gần đây nhiều ý kiến cho rằng Mặt trận đang đứng trước những thách thức rất lớn trong việc đoàn kết và tập hợp nhân dân. Ông có ý kiến gì xung quanh vấn đề này?

img 

  Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân tộc, Uỷ Ban T.ư MTTQ Việt Nam Lù Văn Que

- Tôi cho rằng đây là thời điểm và cũng là thời cơ thách thức rất lớn đối với nước ta và công tác Mặt trận. Nghị quyết của Đại hội XI xác định rõ phấn đấu đến năm 2020 nước ta phấn đấu trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thoát khỏi nước thu nhập trung bình… Nhưng tình hình rất khó khăn. Kể từ khi có Nghị quyết T.Ư 4, niềm tin của các tầng lớp nhân dân rất lớn. Tuy nhiên sau một thời gian thực hiện niềm tin có phần suy giảm, chính vì vậy tôi mới nói thách thức là rất lớn. Hiện tại vấn đề chủ quyền trên biển, trên đất liền và trên không đang bị đe dọa. Thêm vào đó vấn đề dân tộc, tôn giáo trên thế giới cũng đang có xung đột, tác động không nhỏ đến tình hình trong nước, đặt ra những thách thức không nhỏ đối với tổ chức Mặt trận thời điểm này. Nếu Mặt trận không tập hợp tốt lực lượng sẽ có tác động trái chiều. Bởi chỉ tập hợp được toàn dân thì mới đủ lực lượng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Trong nhiệm kỳ Đại hội VIII của Mặt trận những ngày sắp tới sẽ phải đưa những vấn đề này ra để mổ xẻ, bàn thảo để tìm ra hướng đi thực sự thiết thực, hợp lòng dân cho công tác Mặt trận.

Ông đánh giá thế nào về sự tin cậy của người dân đối với Mặt trận?

- Mấy năm qua hình ảnh của Mặt trận trong lòng dân có chiều hướng được cải thiện. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ VII vừa rồi Mặt trận đã góp phần làm chính trị ổn định, kinh tế có phần được duy trì tốt hơn, chính sách của đồng bào dân tộc được cải thiện vươn lên, tạo ra sự đồng thuận nhất định trong xã hội. Chúng ta cũng đã được thế giới và các tổ chức quốc tế ủng hộ. Đây là những cái được.

Tuy nhiên, xét ở một số khía cạnh thì hình ảnh Mặt trận chưa rõ ràng, chẳng hạn ở lĩnh vực chống tham nhũng, lãng phí…, Mặt trận chưa góp phần đẩy lùi được tệ nạn này. Nên rõ ràng thời điểm này, lòng tin đang bị thách thức.

Mặt trận là đại diện cho quyền lợi chính đáng của nhân dân, nhưng thời gian qua bao nhiêu đơn thư của người dân chưa được giải quyết. Mặt trận cần phải làm tiếp như thế nào trong thời gian tới để thay đổi, cải thiện vai trò trong nhân dân.

Vì thế tại nhiều diễn đàn, tọa đàm về vai trò của tổ chức Mặt trận, ông thường nhấn mạnh “Mặt trận không thể ngồi trong 4 bức tường để phán về tâm tư, nguyện vọng của nhân dân”?

- Trong Nghị quyết của Đảng đã xác định Mặt trận ngoài việc tập hợp đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, còn là đại diện cho quyền lợi chính đáng của nhân dân. Đây là nhiệm vụ rất lớn lao. Nhà nước chỉ chăm lo lợi ích hợp pháp được quy định trong luật, còn Mặt trận phải chăm lo lợi ích chính đáng của nhân dân, không để ai vi phạm quyền và lợi ích của nhân dân. Chính điều này làm cho Mặt trận và nhân dân gắn bó với nhau.

Nhưng tôi đi thực tế qua rất nhiều địa phương, nhiều vùng dân tộc thì thấy một thực tế, nhiều người dân nói họ không biết nói với ai, hay đôi khi họ biết nhưng không dám nói. Rõ ràng, đòi hỏi của tổ chức Mặt trận là phải hiểu được dân, biết họ nghĩ gì, mong gì, muốn gì, mừng gì và lo gì…

Với vai trò là người đứng đầu đội ngũ những người tư vấn cho Mặt trận trong công tác dân tộc, theo ông tổ chức Mặt trận cần phải làm thế nào để biết được lòng dân?

- Rõ ràng như Bác Hồ đã nói “phải nắm được lòng dân” thì mới đề xuất được với Đảng, Nhà nước những nguyện vọng của nhân dân. Muốn vậy, Mặt trận phải đi xuống với dân. Phải làm sao để dân tin, dân quý, dân mới nói. Trước đây chúng ta vẫn thường khái quát rằng: Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, nhưng bây giờ theo tôi còn cần “phản ánh đúng ý nguyện của dân” nữa.

Trong bối cảnh tình hình hiện nay, Mặt trận cần làm gì để đoàn kết được đông đảo người dân, phát huy mạnh hơn nữa vai trò đoàn kết toàn dân tộc?

- Tôi cho rằng phải đẩy mạnh giáo dục ý thức đại đoàn kết theo tư tưởng của Bác Hồ để làm sao cho tinh thần ấy thấm vào xương, vào máu mỗi người Việt Nam. Đại đoàn kết phải bắt nguồn từ lòng người, lòng dân chứ không thể hô hào. Kẻ thù trong và ngoài nước đều rất thâm sâu, ngấm ngầm dụ dỗ người lòng dạ cả tin, nhất là đồng bào các dân tộc. Phải để dân muốn nói và được nói vì không ai có thể làm thay dân được.

Có một thực tế là những ý kiến đóng góp của các nhân sĩ, trí thức với Mặt trận có phần hạn chế. Giải pháp để hạn chế thực trạng này theo ông là gì?

- Tôi cho rằng cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận có tâm, có tầm. Chọn cán bộ làm công tác Mặt trận không thể như tuyền công chức mà phải biết chọn người, và dùng người là những người tiêu biểu. Việc làm của những người tiêu biểu là quan trọng lắm, nhất là ở những vùng tôn giáo, dân tộc.

Xin cám ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem