Máy bay "nằm sân" la liệt, các hãng hàng không cạnh tranh "cõng" hàng hoá

Thế Anh Thứ hai, ngày 14/06/2021 11:41 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát như một "cú đấm" vào các hãng hàng không, lượng hành khách đi máy bay giảm sốc, máy bay "đắp chiếu" la liệt, để duy trì hoạt động các hãng hàng không đã chuyển hướng sang vận tải hàng hoá.
Bình luận 0

Máy bay "nằm sân"

Thời gian vừa qua, mỗi ngày sân bay Nội Bài đã phải bố trí chỗ đỗ cho khoảng 90 máy bay, trong đó không ít chiếc "đắp chiếu" cả tháng. Như Vietnam Airlines mỗi đêm có khoảng 30 máy bay đỗ, trong đó hơn chục chiếc không khai thác, số lượng máy bay "nằm sân" của Vietjet cũng tương tự".

Việc sân bay nằm "đắp chiếu" dẫn tới tình trạng quá tải, sân đậu không còn đủ chỗ, sân bay Nội Bài đã xin phép Cục Hàng không Việt Nam đóng toàn bộ đường lăn S1 để làm chỗ đỗ cho máy bay các hãng.

Trước khi bùng phát dịch Covid-19 lượng khách qua Nội Bài khoảng 50.000 - 60.000 lượt khách, cao điểm có thể lên tới gần 80.000 lượt khách mỗi ngày. Tuy nhiên, những ngày qua, chỉ đón khoảng 5.000 - 6.000 khách với 80 - 90 chuyến bay.

Hàng không thua lỗ và cạnh tranh "cõng" hàng hoá lên máy bay - Ảnh 1.

Máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: VNA)

Thực tế, ngành hàng không đã chịu tác động lớn từ các đợt bùng phát dịch Covid-19. Hiện, thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng, hoạt động bay của các hãng chủ yếu chỉ là vận chuyển khách hồi hương, vận chuyển chuyên gia và vận chuyển hàng hóa. Dự báo năm 2021, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ vận tải hàng không.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hàng không dân dụng trên cả nước. Các hãng hàng không nội địa của Việt Nam là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất hiện nay.

"Hoạt động khai thác tàu bay giảm và tỷ lệ tàu bay đỗ qua đêm tiếp tục tăng, đặc biệt là nhu cầu đỗ qua đêm tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất (các cảng hàng không có cơ sở bảo dưỡng tàu bay của các hãng hàng không)," ông Thắng nhìn nhận.

Theo báo cáo của Hiệp hội vận tải Hàng không quốc tế (IATA), mặc dù trong tháng 4, số lượng chuyến bay vận chuyển hành khách bị sụt giảm nghiêm trọng, nhưng nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tiếp tục cao hơn mức giai đoạn trước Covid-19, tăng 12% so với tháng 4/2019.

IATA cũng đưa ra đánh giá: Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19, các hãng hàng không thường xuyên tăng đội máy bay chở hàng cả về kích thước cũng như việc sử dụng vận tải hàng ngày. Điều này đã khiến hàng hóa hàng không sẽ tiếp tục hoạt động tốt trong những tháng tới và là câu chuyện đáng mừng cho lĩnh vực vận tải này.

Việt Nam hiện chưa có hãng hàng không chuyên chở hàng hóa. Có 2 hãng hàng không đăng ký thực hiện bay cargo nhưng chưa bay đã phá sản là Trai Thien Air Cargo và Tín Nghĩa Express. Do đó, hoạt động vận chuyển hàng hóa hàng không chủ yếu tập trung khai thác bụng máy bay hành khách mà chưa có đầu tư vào máy bay chuyên chở hàng hóa (freighter).

Hàng không thua lỗ và cạnh tranh "cõng" hàng hoá lên máy bay - Ảnh 2.

Vietjet thực hiện chuyến bay vận chuyển hàng hoá. (Ảnh: VJ)

Cạnh tranh "cõng" hàng hoá

Tại Việt Nam, trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm, bất chấp tình trạng máy bay nằm la liệt tại bãi đỗ hay các hãng hàng không thua lỗ lớn, mảng vận tải hàng hóa và logistics sân bay vẫn duy trì doanh thu và lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp thậm chí còn có lãi.

Đơn cử, trong quý 1/2021, Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (Noibai Cargo) thu hơn 166 tỷ đồng và lãi sau thuế 51 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với quý gần nhất.

Trong bối cảnh các hãng hàng không vận tải hành khách bị thua lỗ vì dịch Covid-19 các hãng hàng không đã phải thay đổi chiến lược kinh doanh bằng việc vận chuyển hàng hoá nhằm duy trì ổn định hoạt động.

Theo đó, thị trường vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không đang là "cuộc đua" khốc liệt giữa các hàng không, bởi đây là "mảnh đất" tiềm năng có thể giúp các hãng hàng không hồi phục sau một thời gian dài chìm đắm trong thua lỗ.

Đặc biệt là việc Công ty CP IPP Air Cargo do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm chủ tịch vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo vận tải hàng hóa với chiến lược kinh doanh vận tải hàng hóa hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế.

Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động.

Hàng không thua lỗ và cạnh tranh "cõng" hàng hoá lên máy bay - Ảnh 3.

Hãng hàng không Vietnam airlines vận chuyển hàng hoá trên khoang hành khách. (Ảnh: VNA)

Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng. Đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3. Đặc biệt, IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD vào năm đầu tiên, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên.

Việc xuất hiện thêm hãng hàng vận chuyển hàng hoá cho thấy sự cạnh tranh trong thị trường kinh doanh này có "sức hút" rất lớn, ở sân chơi này sẽ có những cạnh tranh của một số hãng hàng không nội địa.

Hiện tại, Vietjet đang là một cái tên đáng chú ý trong việc chạy đua vận tải hàng hoá hàng không. Vietjet đang có kế hoạch "chạy đua" tuyển phi công và đặt lộ trình mua một số máy bay (có thể là Airbus A – 330) để thực hiện mục tiêu vận tải hàng hoá hàng không. Đáng chú ý nhất là Vietjet Cargo đang là cái tên nổi bật trong thị trường vận chuyển hàng hoá hàng không.

Trong năm 2020, Vietjet đã chuyển đổi cấu trúc một số tàu bay, áp dụng phương thức khai thác mới để tăng cường năng lực vận tải hàng hoá cho đội bay. Hãng đã vận chuyển được hơn 60.000 tấn hàng hoá giữa các nước, doanh thu vận tải hàng hoá tăng 75% so với năm trước.

Thông qua các thoả thuận liên danh, hàng hóa của Vietjet đã đi tới châu Mỹ, châu Âu - những điểm đến mà trước đó hãng chỉ mới lên kế hoạch. Vietjet thuộc số ít các hãng hàng không trên thế giới có kết quả kinh doanh hợp nhất dương trong năm 2020.

Một hãng hàng không khác cũng đã sẵn sàng cho lộ trình bay chuyên chở hàng hoá là Bamboo Airways, lãnh đạo Bamboo Airways cho biết: "Chúng tôi đang nghiên cứu và sẽ có chiến lược thực hiện sớm với trị trường tiềm năng này". Bamboo Airways cũng đã triển khai và xây dựng bộ tiêu chuẩn vận chuyển hàng hóa theo tiêu chuẩn của IATA, phát triển các đường bay chở hàng định kỳ như tuyến Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc).

Đối với Vietnam Airlines, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines cho biết. một trong những định hướng lớn của hãng là thành lập đội máy bay chuyên dụng chở hàng hóa. Đặc biệt, dịch Covid-19 bùng nổ đã đẩy nhanh xu hướng này, khi vận tải khách suy thoái do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các hãng phải nhanh chóng xoay hướng tăng cường vận chuyển hàng hóa để có doanh thu.

Theo ông Tuấn, từ đầu năm 2020 khi gần như toàn bộ đội bay chở khách phải nằm sân tạm dừng khai thác, hãng đã đưa 12 máy bay thân rộng Boeing 787 và Airbus A350 vào chuyên chở hàng hóa trên khoang khách (cabin) và khoang bụng, đồng thời tháo ghế trên khoang khách của máy bay thân hẹp Airbus A321 để chở hàng.

Hàng không thua lỗ và cạnh tranh "cõng" hàng hoá lên máy bay - Ảnh 4.

Vietjet vận chuyển hàng hoá trên khoang hành khách. (Ảnh: VJ)

Ngành hàng không có thể phá sản

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết: "Ngành hàng không có vai trò là một lĩnh vực xương sống của nền kinh tế, do đó, cần phải có giải pháp hỗ trợ ngành hàng không trong bối cảnh thua lỗ vì dịch Covid-19. Chúng ta không nên chờ ngành hàng không kiệt quệ rồi mới "giải cứu" thì không được.

"Thực tế giải pháp hỗ trợ ngành hàng không đang triển khai quá chậm chễ, mặc dù Thủ tướng đã giao các Bộ, ngành nghiên cứu "hộ chiếu vắc xin" nhưng cho đến nay vẫn chưa được triển khai, trong khi các nước đang triển khai rồi", PGS.TS Ngô Trí Long cho hay.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, cũng chính vì thiếu giải pháp kịp thời hỗ trợ ngành hàng không, nên các hãng hàng không đã phải thay đổi kế hoạch, chiến lược bằng cách vận chuyển hàng hoá. Đây chỉ là giải pháp tạm thời để duy trì hoạt động, chứ về lâu dài thì không ổn. Vì việc vận chuyển hàng hoá chi phí rất lớn, lợi nhuận cũng thấp.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP HCM cho rằng: "Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành hàng không sẽ tiếp tục đối diện với hàng loạt thách thức, khó khăn. Nếu các hãng hàng không, cơ quan quản lý nhà nước không tìm được giải pháp hỗ trợ thì ngành hàng không có thể phá sản".

"Chưa bao giờ ngành hàng không lại có tỷ lệ máy bay "đắp chiếu" tại các sân bay lớn như vậy. Nghịch lý thay trong tình cảnh ngành hàng không đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát, nhưng vẫn có một số hãng vẫn đầu tư thêm tàu bay là vô lý", ông Tống Cho hay.

Theo ông Tống, vấn đề quan trọng nhất hiện nay không phải là mua sắm máy bay mà cần phải ổn định, củng cố lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động. Trong trường hợp các hợp đồng đã được thực hiện từ trước dịch bệnh thì vẫn có thể thương lượng để chậm lại.








Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem