Miền Bắc nguy cơ thiếu 4.900 MW điện, EVN sẽ cắt giảm phụ tải thế nào?

An Linh Thứ bảy, ngày 06/05/2023 11:34 AM (GMT+7)
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, nguy cơ miền Bắc sẽ thiếu hơn 4.900MW. Tập đoàn này tính đến phương án cắt giảm phụ tải trong trường hợp cực đoan.
Bình luận 0

Nắng nóng cực điểm: Miền Bắc nguy cơ thiếu 1.600 đến 4.900 MW điện

Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương về tình trạng khẩn cấp liên quan đến cung ứng trong năm 2023.

Trao đổi nhanh với PV Dân Việt, đại diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, năm nay có nhiều khả năng dẫn đến thiếu điện khi thời tiết xuất hiện nắng nóng nhiều, ít mưa nên thủy điện không cung ứng đủ điện như kế hoạch.

Bên cạnh đó, than nhập khẩu và than trong nước đang hết sức khó khăn, giá tăng cao khiến các nhà máy điện càng phát điện càng lỗ nặng. Trong khi đó, do nắng nóng nên sản lượng điện tiêu thụ tăng cao, đặc biệt ở các thành phố lớn.

Miền Bắc nguy cơ thiếu 4.900 MW điện, EVN sẽ cắt giảm phụ tải ra sao? - Ảnh 1.

EVN cho biết khả năng cao miền Bắc sẽ thiếu hụt hàng nghìn MW trong các tháng cao điểm quý III và đầu quý IV/2023 (Ảnh EVN)

Theo báo cáo của EVN gửi Bộ Công Thương, từ tháng 4, dù miền Bắc và miền Trung mới bắt đầu có dấu hiệu nắng nóng nhưng thực tế sản lượng điện cung ứng đã tăng cao. EVN nêu ví dụ, từ ngày mồng 1 đến 15/4 sản lượng trung bình đạt 792 triệu kWh/ngày (bằng 100,52% kế hoạch); từ ngày 16 đến 21/4 sản lượng trung bình ngày đạt 823 triệu kWh/ngày (bằng 104,49% kế hoạch).

Để đảm bảo cung ứng đủ điện, EVN đã phải huy động các tổ máy chạy dầu từ ngày 17/4. Trong đó ngày nhiều nhất đã huy động 2.498MW chạy dầu vào ngày 21/4.

Cảnh báo của EVN cho biết, trong tháng 5, 6, 7 trở đi, miền Bắc bước vào cao điểm nắng nóng, phụ tải hệ thống điện quốc gia có thể tăng cao hơn so với kế hoạch.

Trong tình huống cực đoan ở miền Bắc (nhu cầu tiêu thụ tăng cao, sự cố ở các tổ máy, mực nước lớn ở các hồ thủy điện lớn giảm sâu... ), hệ thống điện sẽ gặp tình trạng không đáp ứng được sản lượng điện tăng cao, công suất phát điện có thể thiếu hụt với số ước tính từ 1.600 MW đến 4.900MW.

Trong khi đó, về thủy điện, do hiệu ứng Elnino nên nước về các hồ thủy điện khu vực miền Bắc tiếp tục kém, lưu lượng nước chỉ bằng khoảng 70-90% so với trung bình các năm. Sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 4,5 tỷ kWh, thấp hơn 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022.

Đối với nhiệt điện than, tình hình cung ứng than cũng thấp hơn phê duyệt 6 triệu tấn, việc bổ sung lượng than thiếu hụt gặp khó khăn, xảy ra tình trạng thiếu than tại các nhà máy trong một vài thời điểm. Việc nhập khẩu than cũng khó khăn trong khi nguồn huy động tăng nên bị thiếu than cho vận hành.

Liên quan đến khí, cung cấp khí cho các nhà máy nhiệt điện chạy dầu cũng giảm so với các năm trước, do một số mỏ chính thức bước vào thời gian suy giảm.

Cụ thể, sản lượng dự kiến năm 2023 là 5,6 tỷ m3, thấp hơn so với năm 2022 là 1,31 tỷ m3, trong khi một số mỏ liên tục xảy ra sự cố, nên cấp khí cho sản xuất điện càng khó khăn.

Về khả năng phát điện của các nguồn điện gió trong các tháng 5, 6, 7 có thể thấp hơn năm 2022, càng về cuối giai đoạn mùa khô khả năng phát có xu hướng càng giảm.

Đối với các dự án điện mặt trời, điện gió đang đàm phán, hưởng mức giá chuyển tiếp, EVN đưa ra phương án thương thảo nhanh với các nhà máy và cho biết hiện đã nhận được 27 hồ sơ đàm phán giá điện, trong đó có 5 chủ đầu tư thống nhất mức giá tạm bằng 50% khung giá phát điện do Bộ Công Thương phê duyệt và không hồi tố trong giai đoạn các bên tiếp tục thực hiện đàm phán giá chính thức.

Đối với các khó khăn trong việc đàm phán giá điện của các nhà máy NLTT chuyển tiếp, EVN đã có văn bản số 1499/EVN-TTĐ+TCKT ngày 30/3/2023 báo cáo Bộ Công Thương, liên quan về các thông số đầu vào để tính toán giá điện của các dự án, tuy nhiên hiện nay EVN vẫn chưa nhận được hướng dẫn của Bộ Công Thương.

EVN sẽ cắt giảm phụ tải thế nào?

Về giải pháp cắt giảm phụ tải trong tình huống cực đoan, EVN cho biết sẽ ban hành danh sách ngừng giảm mức cung cấp điện khẩn cấp đầu nguồn 110kV, trung áp. Hoàn thiện mạch sa thải phụ tải khẩn cấp từ các cấp.

Theo một chuyên gia về điện, việc ngừng, giảm phụ tải được hiểu là trong trường hợp phụ tải lớn, cực đoan, EVN sẽ chuyển tải điện từ giờ cao điểm sang thấp điểm của những khách hàng sử dụng nhiều điện (xi măng, sắt thép...). Việc chuyển phụ tải này đã được EVN đàm phán với các khách hàng từ trước đó và thông báo trước 24h.

EVN cũng tính đến việc nhập khẩu điện từ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, Lào, nhưng hiện vẫn còn có một số khó khăn do phía bạn hoặc không đàm phán được với mức giá.

Trong kiến nghị gửi Bộ Công Thương, EVN đề nghị Bộ Công Thương sớm có ý kiến đối với kiến nghị của tập đoàn này trong văn bản 1499/EVN-TTĐ-TCKT ngày 30/3 liên quan đến nguyên tắc xác định giá điện đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem