dd/mm/yyyy

Miến dong “4 sao” Bắc Kạn ngon cỡ nào mà vào được thị trường Séc?

Miến dong Tài Hoan - sản phẩm OCOP 4 sao đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn đã được xuất khẩu sang Cộng hòa Séc. Đây là sự kiện đánh dấu sự vươn mình của nông sản Bắc Kạn sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, hướng đến thị trường lớn.

Sáng 13/8, lô hàng miến dong Tài Hoan - sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của Bắc Kạn đã được xuất khẩu sang Cộng hòa Séc.

Phát huy nghề truyền thống

Bà Nguyễn Thị Hoan - Giám đốc HTX Tài Hoan (thôn Chè Cọ, xã Côn Minh, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ: "Đây là chuyến hàng đầu tiên xuất sang thị trường châu Âu, chúng tôi rất phấn khởi và có niềm tin sản phẩm của HTX sẽ được người tiêu dùng tại Cộng hòa Séc đón nhận".

Miến dong “4 sao” Bắc Kạn đến thị trường Séc  - Ảnh 1.

Miến dong “4 sao” Bắc Kạn đến thị trường Séc  - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Hoan - Giám đốc HTX Tài Hoan giới thiệu sản phẩm của HTX. Ảnh: Chiến Hoàng

"Sản phẩm miến dong bây giờ đã là thương hiệu của Bắc Kạn, chứ không chỉ còn là của riêng Na Rì nữa. Chúng tôi sẽ lãnh đạo, chỉ đạo phát triển mạnh mẽ hơn, số lượng nhiều hơn, chất lượng tốt hơn để đưa sản phẩm miến dong đến được với các thị trường lớn".

Ông Hoàng Văn Thiên -

Bí thư Huyện ủy Na Rì

Theo bà Hoan, nghề làm miến dong tại địa phương đã có từ những năm 1960. Phát huy nghề truyền thống của quê hương, gia đình bà đã xây dựng cơ sở sản xuất miến dong, đến năm 2018, bà Hoan cùng một số thành viên thành lập ra HTX Tài Hoan. 

Theo bà Hoan, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Na Rì khá thuận lợi cho việc trồng cây nguyên liệu dong riềng. HTX đang ký kết bao tiêu củ dong riềng với các hộ dân thuộc 5 xã của huyện.

Công suất sản xuất miến dong của HTX còn khá khiêm tốn, chỉ khoảng 6 tạ/ngày. Tuy nhiên, HTX đã tạo công ăn việc làm ổn định cho từ 15-20 lao động địa phương, chưa kể người trồng dong riềng trong huyện. HTX đang mở rộng quy mô, xây dựng thêm nhà xưởng mới trên diện tích 6.000m2, khi vận hành sẽ cho công suất từ 1-2 tấn miến/ngày, tổng vốn đầu tư cho nhà xưởng mới khoảng 5 tỷ đồng.

"Vài ngày nữa chúng tôi sẽ vận hành chạy thử xưởng sản xuất mới. Sản phẩm của HTX chúng tôi có đầu ra hiện nay chủ yếu là thị trường trong nước, tuy nhiên rất ổn định. Hôm nay là chuyến hàng đầu tiên chúng tôi xuất ra nước ngoài. Chúng tôi hy vọng, tới đây HTX Tài Hoan sẽ có thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu nữa" - bà Hoan chi sẻ.

Bà Hoan cho biết thêm, sản phẩm miến dong có thể xuất khẩu sang thị trường châu Âu là nhờ nhận được sự quan tâm của chính quyền tỉnh Bắc Kạn, trực tiếp là bà Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn đã mang sản phẩm của HTX đi giới thiệu tại thị trường châu Âu, tiếp đến là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ mới có được đơn hàng này, điển hình là Công ty Tamda Foods Việt Nam tại Cộng hòa Séc.

"Quy trình, thủ tục để xuất sản phẩm miến dong sang Cộng hòa Séc mất khá nhiều thời gian. Để xuất được sang đó phải qua rất nhiều khâu kiểm định, sản phẩm của HTX Tài Hoan đã vượt qua được các vòng kiểm định chất lượng để hôm nay lên đường sang châu Âu" - bà Hoan vui mừng chia sẻ.

Bà Phạm Ngọc Trâm - đại diện Công ty Tamda Foods Việt Nam (trụ sở tại Praha, Cộng hòa Séc, do người Việt Nam làm chủ) cho biết, thông qua một người bạn, bà đã biết đến sản phẩm miến dong Tài Hoan. Sản phẩm của HTX Tài Hoan ngon, không bị bở, nát khi nấu. Sau khi lấy mẫu gửi sang Séc kiểm nghiệm, thấy đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên công ty quyết định đưa sản phẩm này sang Cộng hòa Séc.

"Chúng tôi đã đàm phán với doanh nghiệp về giá cả, bao bì, mẫu mã. Bà con làm chất liệu hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng phụ gia, tuy nhiên chưa bao giờ xuất khẩu nên còn nhiều bỡ ngỡ, chúng tôi phải hướng dẫn, hỗ trợ rất nhiều. Hy vọng chuyến hàng này sang, chất lượng tốt, ổn định. Sau khi bán thử nghiệm, nếu có phản hồi tích cực của thị trường thì chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với HTX về nhập hàng" - bà Trâm thông tin.

Cũng theo bà Trâm, tại Cộng hòa Séc có khoảng 65.000 người Việt, chưa kể khoảng 30.000 người đã mang quốc tịch Séc. 

"Hệ thống Tamda Foods có 3 siêu thị tại các thành phố lớn của Séc, chuyên bán buôn cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng, không chỉ là người tiêu dùng Việt Nam mà còn là người bản địa và các nước lân cận như Đức, Áo, Hungary, Slovakia..." - bà Trâm cho biết thêm.

Đầu tư nâng tầm sản phẩm chủ lực

Ông Phạm Ngọc Thịnh - Trưởng phòng NNPTNT huyện Na Rì thông tin, toàn huyện có 140 cơ sở sản xuất miến dong, trong đó có 30 cơ sở lớn, 110 cơ sở tráng thủ công. Từ khi hình thành, các hộ trồng dong riềng được hỗ trợ giống, phân bón, vật tư, sau đó liên kết theo chuỗi giá trị, các hộ tráng thủ công được hỗ trợ nồi tráng miến...

"Các cơ sở lớn được hỗ trợ máy móc thông qua các nguồn vốn như vốn sự nghiệp của huyện, vốn nông thôn mới, chương trình khuyến công… Từ 2016 đến nay, các cơ sở phát triển ổn định. Người trồng nguyên liệu được các cơ sở chế biến, sản xuất bao tiêu sản phẩm; diện tích trồng phù hợp với khả năng chế biến của các cơ sở" - ông Thịnh nói.

Ông Hoàng Văn Thiên - Bí thư Huyện ủy Na Rì khẳng định, huyện xác định sản phẩm miến dong là mặt hàng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế, giải quyết được công ăn việc làm cho người dân địa phương. 

"Nhiệm kỳ tới (năm 2020-2025), huyện tiếp tục xác định miến dong là sản phẩm chủ lực. Tới đây cả tỉnh có 2 sản phẩm sẽ nâng hạng OCOP 5 sao, trong đó huyện Na Rì được giao 1 sản phẩm. Ngoài HTX Tài Hoan, các HTX khác cũng sẽ phải nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu" - ông Thiên nói. 


Chiến Hoàng