Miền Trung, "chiếc đòn gánh" và tâm thế đón siêu bão

Nam Cường Thứ ba, ngày 27/09/2022 15:41 PM (GMT+7)
Cả nước đang nín thở chờ siêu bão Noru (số 4) đang phầm phập đổ vào đất liền các tỉnh Trung Trung bộ, cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong 20 năm qua. Người miền Trung đang được sẻ chia, nhưng chính họ đang ngày càng chủ động trước thử thách. Giờ họ không chỉ chạy bão, mà là đón bão.
Bình luận 0

Từ sáng sớm nay, những hình ảnh di dời dân từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng đã "hâm nóng" không khí phòng chống bão vốn rất nóng từ mấy ngày trước, khi cơn bão Noru được xác định lao qua biển Đông và có thể đổ bộ vào bờ biển miền Trung vào rạng sáng mai (28/9). Thêm một lần, trong hàng chục lần người miền Trung lại hối hả đối phó với thiên tai. 

8h sáng, loa phóng thanh trên đảo Lý Sơn đã dồn dập phát đi những thông tin mới nhất về bão, Noru còn cách hơn 300km, nhưng gió cấp 8 đã rít rợn người. Kết nối với CTV Dân Việt ở Lý Sơn, qua điện thoại đã nghe tiếng sóng ào ạt vỗ bỡ, tiếng gió ầm ào như có bão thật sự. Lý Sơn, Cù Lao Chàm là những địa phương đầu tiên hứng chịu cơn thịnh nộ của bão, lúc nào cũng thế. 

Miền Trung, "chiếc đòn gánh" và tâm thế đón siêu bão - Ảnh 1.

Di dời để tránh bão Noru - nụ cười lạc quan của một em bé vùng biển Tam Thanh - Quảng Nam

Một trong những cơn siêu bão đã khiến Đà Nẵng và Quảng Nam tan hoang là Xangsane vào tháng 9/2006. Chỉ giật cấp 14 tại tâm bão, nhưng đã khiến 76 người chết và mất tích, 532 người bị thương, gần 350.000 căn nhà bị đổ, hư hại, gần 1.000 tàu thuyền bị chìm và hư hỏng.

Là một trong những phóng viên ở Đà Nẵng thời điểm đó, chứng kiến toàn bộ cảnh gió giật nhà sập, tôn bay vèo vèo trên từng nóc nhà, tôi còn nhớ nguyên sự ớn lạnh trước cảnh tàn phá kinh hoàng. Buổi sáng khi cơn bão đi qua, bước ra đường phố, Đà Nẵng như một đại công trường ngổn ngang. 

Cũng trong năm 2006, một cơn bão khác, dù không đổ bộ vào đất liền nhưng để lại tang thương ngút ngàn ở miền Trung với hơn 200 người chết và mất tích. Người miền Trung khóc cạn nước mắt.

Rồi đến Ketsana tháng 10/2009, Molave tháng 10/2020, những cơn "siêu bão" chỉ nhắc tên thôi cũng đã "rợn người". Vậy nhưng, trong bài viết mới sáng nay, chuyên gia Huy Nguyễn đã cảnh báo: Rồi người ta có thể sẽ quên Xangsane, sẽ quên Damrey, sẽ quên Ketsana nhưng Noru thì không. Nó sẽ là cơn bão lịch sử về sức mạnh, về cấp độ lớn nhất từng đổ bộ vào đất liền của Việt Nam. Và tôi cầu mong nó không để lại dấu ấn lịch sử về thiệt hại.

Bà con miền Trung ơi, từ Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, QUẢNG NGÃI, QUẢNG NAM, ĐÀ NẴNG, THỪA THIÊN - HUẾ, QUẢNG TRỊ, Quảng Bình, và bắc Tây Nguyên ơi! Chúng ta chỉ còn 10 tiếng đồng hồ quý giá để chạy bão. HÃY CHẠY BÃO! HÃY SƠ TÁN!  

Những lời cảnh báo gấp gáp của chuyên gia Huy Nguyễn là rất xác đáng và cần thiết. Tuy nhiên, ngay từ mấy ngày trước đó, người dân miền Trung đã không còn chủ quan như những lần trước. Vùng xung yếu, nhà ven biển, nhà cấp 4 lợp tôn trong vùng tâm bão đi qua, khi chính quyền xuống vận động, tất cả đều cùng nhau bỏ lại để lên xe đến nơi trú tránh. 

Những ngày qua, không khó để có thể thấy nhiều hình ảnh người dân hối hả chằng chống nhà cửa, đưa từng bao cát, từng két nước lên mái nhà nhằm hạn chế tối thiểu thiệt hại. Hình ảnh của phóng viên Dân Việt ở Quảng Nam, Quảng Ngãi gửi về cho thấy, người dân còn đào hầm tránh bão, không khác gì ở thời chiến. 

Ông Võ Văn Danh, một người dân ở vùng biển Tam Thanh cho biết, nhà của ông là nhà cấp 4 làm hơn 20 năm, xuống cấp, sáng nay nghe tin được đưa đón đi đến nơi an toàn tránh bão, vợ chồng ông chấp nhận đi tránh bão để cho an toàn, còn nhà cửa đã được chính quyền giúp đỡ chằng chống. 

Kể ra những điều trên để nói, người dân miền Trung đã không còn chủ quan trước sức mạnh của bão, khi mà trải dài bao năm qua, tài sản, tính mạng, nước mắt và máu của họ đã đổ quá nhiều vì những trận đòn của mẹ thiên nhiên. 

Khi người dân chấp nhận bỏ lại tất cả, nhà cửa, tài sản để trú tránh, đó là lúc người dân đã vượt qua sự sợ hãi của nghèo đói. Còn người còn của, bão quét qua sẽ phải làm lại từ đầu. Người dân và chính quyền ở miền Trung, đang giành lấy thể chủ động trước siêu bão. Đón bão với tâm thế khác, có lo lắng, có hoang mang nhưng không còn hoảng sợ.

Miền Trung, "chiếc đòn gánh" và tâm thế đón siêu bão - Ảnh 3.

Chèn chống nhà cửa chống bão Noru.

Lãnh đạo các tỉnh thành miền Trung như Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... mấy ngày qua đã quyết định dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để cùng dân và các lực lượng chức năng phòng chống bão. Công an, quân đội như thường lệ vẫn là những lực lượng nòng cốt giúp dân vượt qua hoạn nạn. Báo chí, mạng xã hội nóng ran những thông tin mới cập nhật về đường đi, sức mạnh của Noru. Tất cả đều hướng về miền Trung.

Rất lâu từ trước, có ai đó ví von rằng, miền Trung như chiếc đòn gánh, gánh hai đầu đất nước. "Gánh" ở đây không phải gánh cho miền Nam và miền Bắc những chỉ tiêu, những thành tích mà là hứng chịu những những thiên tai mất mát, gánh chịu sự khô cằn nghèo khó, khắc nghiệt của thời tiết. 

Bây giờ, miền Trung, nhiều nơi vẫn chưa thoát nghèo. Nhưng, miền Trung đã không còn như xưa. Không còn thụ động hứng chịu nghèo khó, cũng như không còn thụ động ngồi chờ siêu bão tấn công.

Dải đất miền Trung những năm qua đã trỗi dậy, thay da đổi thịt. Đâu đó vẫn còn những bất cập của các dự án, nhưng nhìn chung tổng thể một bức tranh, miền Trung đã không còn là "địa chỉ nghèo", nơi một số tỉnh thành đã vượt lên trên, với nguồn thu khổng lồ, gia nhập "câu lạc bộ tỷ đô".  

Những làng biển xác xơ bao năm qua giờ đã dần biến thành những ngôi làng trù phú, với các dự án du lịch, an cư mang lại công ăn việc làm cho người dân. Xen kẽ trong đó, ngư dân vẫn hiên ngang ra biển lớn với các đội tàu ngày công suất lớn. Cho dù đâu đó vẫn còn vài nốt trầm bất cập trong các chính sách vươn khơi.

 Mấy chục năm qua, mỗi khi đưa tin bài về các cơn bão, tôi cũng như nhiều phóng viên khác thường dùng từ "chạy bão". Nhưng với những gì tận thấy và cảm nhận trong những thời khác Noru sắp đổ bộ, có lẽ, dùng từ "đón bão" với người miền Trung lúc này sẽ là hợp lý hơn. 

Ngày mai, nếu đúng như dự báo, có lẽ những trận cuồng phong của Noru, được cho là giật tới cấp 16,17 ở vùng tâm bão sẽ gây ra nhiều tổn thương, nhiều thiệt hại cho dải đất vùng duyên hải. Rồi sau đó sẽ là những trận mưa do hoàn lưu bão gây ra, và lũ lụt từ các con sông lại đổ về. Sẽ có mất mát, đó là điều không thể tránh được, nhưng người miền Trung chắc chắn vượt qua, gây dựng lại, bằng chính nội lực và sự quan tâm sẻ chia của cả nước. 

Bây giờ, người miền Trung đã "đón" siêu bão bằng tâm thế khác. Chủ động và không hoảng sợ!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem