dd/mm/yyyy

Miền Trung có nhiều tiềm năng, vận hội phát triển mạnh về kinh tế biển

Đó là nhận định của các đại biểu, nhà quản lý, chuyên gia tại hội thảo khoa học "Phát triển kinh tế biển khu vực miền Trung trong bối cảnh mới" diễn ra tại tỉnh Quảng Bình ngày 16/12.

Nhiều tiềm năng, vận hội

Chủ trì hội thảo có PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; ông Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình.

Dự hội thảo còn có nhiều lãnh đạo các tỉnh khu vực miền Trung.

Với bờ biển dài gần 1.800km, chiếm hơn 55% bờ biển của cả nước, kinh tế biển ở khu vực miền Trung giữ vai trò quan trọng, quyết định đối với việc thực hiện chiến lược biển nói chung, Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển kinh tế biển nói riêng.

Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đó, hội thảo tập trung làm rõ các nội dung gồm: Yêu cầu, nhiệm vụ, bối cảnh mới đặt ra trong việc thực hiện chiến lược biển nói chung, phát triển kinh tế biển đối nói riêng đối với đất nước và các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung trong tình hình hiện nay; tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế biển ở các tỉnh, thành phố miền Trung; những kết quả, thành tựu đạt được và hạn chế, yếu kém về phát triển kinh tế biển khu vực miền Trung trong thời gian qua, khó khăn, thách thức đặt ra trong thời gian tới; một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế biển miền Trung nhanh, bền vững.

Phát triển kinh tế biển khu vực miền Trung trong bối cảnh mới - Ảnh 2.

Hội thảo khoa học "Phát triển kinh tế biển khu vực miền Trung trong bối cảnh mới" diễn ra tại Quảng Bình vào sáng 16/12. Ảnh: TA

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng khát quát những tiềm năng, thế mạnh của Quảng Bình, đặc biệt là tiềm năng nổi bật về biển và kinh tế biển, một số kết quả quan trọng của tỉnh này sau gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh.

Quảng Bình đã đặt ra định hướng chiến lược phát triển kinh tế biển dựa vào lợi thế của điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển từng vùng biển. Trong đó, vùng biển và ven biển phía Bắc từ Đèo Ngang đến Bắc sông Gianh sẽ xây dựng thành trung tâm kinh tế mà nòng cốt là Khu Kinh tế Hòn La; tập trung phát triển nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải. Vùng biển và ven biển trung tâm từ Nam sông Gianh đến xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển các khu đô thị ven biển, trung tâm thương mại, các khu du lịch vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch biển; nông nghiệp sinh thái, đánh bắt xa bờ, các ngành dịch vụ hỗ trợ kinh tế biển. Khu vực từ xã Hải Ninh đến Hạ Cờ, giáp tỉnh Quảng Trị sẽ xây dựng vùng kinh tế tổng hợp, các khu chức năng đặc thù đa ngành, đa chức năng, đa lĩnh vực…

Miền Trung có nhiều tiềm năng, vận hội phát triển mạnh về kinh tế biển - Ảnh 2.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng.

Với tinh thần chủ động, quyết liệt và đổi mới, sáng tạo, Quảng Bình đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong du lịch biển, công nghiệp ven biển, phát triển mạnh nuôi trồng và khai thác hải sản theo hướng bền vững; phát triển kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới; đầu tư, khai thác hiệu quả các cảng biển, cảng chuyên dụng gắn với dịch vụ hỗ trợ; ưu tiên hoàn thiện hạ tầng logistics và hệ thống giao thông kết nối cảng biển Hòn La với các tỉnh, quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên bên cạnh đó, tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Để phát huy hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh ven biển, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung bộ như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng mong muốn được lắng nghe những ý kiến trao đổi, thảo luận của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học để tìm ra giải pháp hữu hiệu, hướng đi phù hợp phát triển kinh tế biển trong giai đoạn tới.

Ý kiến, tham luận giá trị

Hội thảo nghe nhiều tham luận về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ kinh tế biển; các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng trưởng kinh tế biển, bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải; hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh phát triển kinh tế biển Việt Nam hiện nay; các cơ chế, chính sách đặc thù…

Nuôi trồng, khai thác hải sản là thế mạnh của Quảng Bình trong phát triển kinh tế biển - Ảnh 3.

Ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Trần Anh

Cụ thể, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã khái quát tiềm năng, lợi thế biển khu vực miền Trung và tỉnh Thanh Hóa. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang thông tin: Xác định rõ những thế mạnh của vùng biển và ven biển, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng 5 trụ cột phát triển kinh tế biển, gồm: Khai thác, chế biến dầu khí; khai thác, chế biến hải sản; phát triển du lịch biển; xây dựng các khu kinh tế gắn với phát triển các khu đô thị ven biển và xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế hàng hải. Ban hành nhiều chủ trương, chính sách, đề ra nhiều giải pháp thiết thực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực cho phát triển...

Về neo đậu tàu thuyền, dịch vụ hậu cần nghề cá đều được quan tâm đầu tư như khu neo đậu tránh trú bão Hòa Lộc (Hậu Lộc), Lạch Hới (TP. Sầm Sơn) và Lạch Bạng (Tĩnh Gia)...; Bến cá tại xã Hoằng Trường, Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), Quảng Nham (Quảng Xương), Hải Châu (Tĩnh Gia). Xây dựng khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền sông Lý (Quảng Xương)...

Ông Lê Đức Giang đề xuất tại hội thảo khoa học: Đề nghị các bộ, ban, ngành tham mưu cho Trung ương Đảng, Chính phủ tiếp tục làm tốt công tác an ninh, an toàn Quốc gia trên biển; Tập trung gỡ thẻ vàng IUU của EC; Quy hoạch tổng thể Quốc gia; Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia; Quy hoạch Không gian biển; Quy hoạch về Sử dụng tài nguyên vùng ven biển; Đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt, cảng cá, đê biển, khu neo đậu tàu, thuyền; Đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Rà soát các cơ chính sách đã ban hành; Vấn đề cuối cùng là liên kết vùng...

Ông Lê Đức Giang chia sẻ bên lề thêm: "Muốn nhà đầu tư thấy rõ hơn tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa nói chung và kinh tế biển nói riêng, thấy rõ ý chí, khát vọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, công tác quảng bá, truyền thông rất quan trọng, đặc biệt là các kênh thông tin truyền thông chính thống, có sức nặng, có sự lan tỏa tốt trong cộng đồng trong đó có những kênh như của báo Nông thôn Ngày nay, Báo điện tử Dân Việt".




Nhóm PV