Việc triển khai các biện pháp kích thích, mở cửa kinh tế và phòng chống bệnh cần giảm tính cứng nhắc, tăng tính linh hoạt hơn, tăng cường các giải pháp công nghệ và không cực đoan. Tuy nhiên, nguyên tắc an toàn sức khỏe khi mở cửa kinh tế là "bất biến".

TS Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam đã nhận định như vậy khi trao đổi với PV Dân Việt xung quanh câu chuyện mở cửa nền kinh tế.


Mở cửa nền kinh tế: Giảm cứng nhắc, tăng tính linh hoạt và không cực đoan - Ảnh 2.

Rất nhiều ý kiến đã nghiêng về xu hướng Việt Nam nên sớm mở cửa nền kinh tế để doanh nghiệp được hoạt động kinh doanh một cách bình thường, tránh tình trạng nền kinh tế rơi vào tăng trưởng âm như kết quả của quý III vừa qua như công bố của Tổng cục Thống kê. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

-Lâu nay, chúng ta đã khá kiên định trong đạt mục tiêu kép, nhấn mạnh Chiến lược Không Covid. Trong 3 đợt dịch trước chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng ghi nhận về chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế. Chính kỳ tích này giúp chúng ta hưởng lợi trong thu hút FDI và thúc đẩy ngoại thương.

Tuy nhiên, thời điểm này (đợt dịch thứ 4), lòng tin về một nền kinh tế không Covid đang bị lung lay mạnh, do biến chủng Delta lây lan rất nhanh, trên diện rộng, gây nhiều tác động tiêu cực.

Các nước theo đuổi chiến lược này như Trung Quốc, New Zeland vừa qua cũng bị biến chủng Delta bùng phát trở lại. Một số nền kinh tế có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao và mở cửa trở lại nền kinh tế như Singapore, New York (Mỹ) cũng đã bị dịch bệnh "quật" ngược. 

Như vậy, thực tiễn chống dịch và bản chất dịch tễ cho thấy rất khó, thậm chí không thể "tìm và diệt" được Covid và "nhốt" chúng hoàn toàn trong dài hạn và phải chấp nhận sống chung với nó, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế. 

Mở cửa nền kinh tế: Giảm cứng nhắc, tăng tính linh hoạt và không cực đoan - Ảnh 3.

Đối với nước ta, vấn đề thực thi cũng đáng quan tâm. Nhiều khi, tuy cấp trên có chủ trương nới lỏng kiểm soát/mở cửa nền kinh tế nhưng ở dưới lại kiểm soát chặt, chủ yếu do hướng dẫn thực thi hoặc chưa có hoặc bất cập nên việc phòng chống, nới lỏng kinh tế thiếu hiệu quả. 

Hơn nữa, vẫn còn những lo ngại về sinh mạng chính trị của quan chức địa phương, người thực thi nếu việc phòng, chống Covid yếu kém.

Gần 2 năm sống chung với đại dịch Covid-19, phải nói nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ, thậm chí đã phá sản. Ông có nhìn thấy tín hiệu lạc quan nào cho thấy khả năng hồi phục nếu họ được cho phép hoạt động trở lại sau khi mở cửa về trạng thái bình thường mới?

- Theo nghiên cứu chuyên sâu của tôi thì đại dịch có tác động tiêu cực rất lớn về lượng, nhất là những ngành về bản chất là ngành có sự tiếp xúc gần giữa người với người (sử dụng nhiều lao động phổ thông) cũng như các doanh nghiệp có sức cạnh tranh, sức chống chịu thấp. Số lượng doanh nghiệp như vậy ở Việt Nam là số đông.

Mở cửa nền kinh tế: Giảm cứng nhắc, tăng tính linh hoạt và không cực đoan - Ảnh 4.

Tuy vậy, đại dịch có tác động tích cực tới những ngành phục vụ phòng chống bệnh dịch, nhất là những ngành ít có/không có tiếp xúc giữa con người với nhau, nhất là những doanh nghiệp số cũng như kịp thời chuyển đổi số.

Thực tế, cuộc khủng hoảng vì Covid-19 tác động nhiều chiều, vừa tiêu cực lẫn tích cực đối với nhiều ngành nghề, chứ không phải như những cuộc khủng hoảng tài chính trước khiến các doanh nghiệp "chết" đồng loạt.

Trước khi dịch bùng phát lần thứ 4 thì Việt Nam là "ngôi sao sáng trên bầu trời" như "chàng thanh niên khỏe mạnh" chỉ bị tác động bởi cú sốc bên ngoài khiến sức chống chịu bị yếu đi. Vì vậy, khi có đủ sức khỏe dịch tễ, việc dần mở cửa trở lại sẽ có những ngành như ăn uống, du lịch, hàng không,… thì họ lại bật tăng mạnh mẽ trở lại, thậm chí một số doanh nghiệp có sức chống chịu tốt thậm chí có thể không cần nhà nước hỗ trợ nhiều. Thực tiễn hiệu ứng bật lò xo của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ Mỹ cho thấy điều này.

Mở cửa nền kinh tế: Giảm cứng nhắc, tăng tính linh hoạt và không cực đoan - Ảnh 5.

Mở cửa nền kinh tế: Giảm cứng nhắc, tăng tính linh hoạt và không cực đoan - Ảnh 6.

Có rất nhiều lo ngại dòng vốn FDI đã và có khả năng rút khỏi Việt Nam khi Việt Nam chậm mở cửa nền kinh tế, ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Chúng ta kiểm soát dịch bệnh là vì lợi ích chung, cho cả doanh nghiệp trong nước và ngoài nước và cả cộng đồng. Đối với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, so với nhiều nước, lâu nay đều được Chính phủ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi, do đó khi đại dịch bùng phát buộc chúng ta phải "đóng cửa" đã khiến họ sốt ruột là điều dễ hiểu.

Nhưng trước hết cần phải thấy việc kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ thời gian qua đã mang lại điều tốt cho người dân, doanh nghiệp nói chung và cho chính cho doanh nghiệp FDI nói riêng.

Rõ ràng chúng ta không làm khó cho riêng họ mà đó là cái khó chung. Hơn nữa, việc tác động của các chính sách kiểm soát dịch bệnh tới doanh nghiệp là có nhưng không phải là quá lớn và đối với số đông doanh nghiệp theo ngành nghề và vùng lãnh thổ.

Mở cửa nền kinh tế: Giảm cứng nhắc, tăng tính linh hoạt và không cực đoan - Ảnh 7.

Đối với việc một số doanh nghiệp FDI có thể không chịu nổi áp lực phải đóng cửa dài ngày nên phải dừng ý định đầu tư vào Việt Nam hay di chuyển (một phần, toàn bộ) dòng vốn khỏi Việt Nam, theo tôi chúng ta cần phải có những đánh giá chuyên sâu, toàn diện và cụ thể. Chúng ta cần phải hiểu, mục đích, động lực doanh nghiệp FDI đầu tư vào nước ta là gì?

Thực tế, những nhà đầu tư này đến Việt Nam với những mục tiêu cụ thể và đã xem xét kĩ lưỡng (chiến lược dài hạn), giờ nếu họ chuyển đi thì chuyển đi đâu? Những thị trường khác dịch bệnh còn phức tạp hơn cả Việt Nam, chưa kể cái quan trọng là chúng ta ngay sát Trung Quốc – một thị trường quá rộng lớn.

Một điểm khác tạo nên sức hấp dẫn của Việt Nam hơn cả "đối thủ" khác trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia, Malaisia là Việt Nam là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do hấp dẫn nhất thế giới.

Với các hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP hay hiệp định EVFTA, đây mới là "bàn đạp" để có thể vươn ra các thị trường lớn toàn cầu mà các nước kể trên không có. Việc gần kề với Trung Quốc là một lợi thế địa kinh tế của Việt Nam. Trong khi đó, xét tổng thể, các nước trên cũng chỉ có môi trường kinh doanh có độ hấp dẫn tương đương nước ta.

Các FDI đã đầu tư vào Việt Nam là đã đầu tư rất lớn (còn gọi là đầu tư chìm), cùng với các lực lượng lao động đã được đào tạo, mối quan hệ kinh doanh trong nước và quốc tế được thiết lập nên sẽ không dễ dàng rút ra và có đáng để rút ra.

Hơn nữa, họ sẽ chuyển đi đâu khi các đối thủ nói trên chưa từng và chưa chứng minh được họ kiểm soát tốt, bền vững đại dịch hơn Việt Nam.

Mở cửa nền kinh tế: Giảm cứng nhắc, tăng tính linh hoạt và không cực đoan - Ảnh 8.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý III tăng trưởng âm 6,17%. Để cải thiện tăng trưởng GDP trong quý cuối cùng của năm nay, ông cho rằng đâu sẽ là động lực?

-Từ đầu nhiệm kỳ, chúng ta đưa ra mục tiêu tăng trưởng là 6,5%, đây là mục tiêu quá cao trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại. 

Tuy nhiên, theo đánh giá chúng hiện tình hình khó khăn tuy nhiên dự báo tăng trưởng sẽ không quá ảm đạm nếu kiểm soát được hữu hiệu dịch bệnh và mở cửa hữu hiệu nền kinh tế.

Cái chúng ta đang gặp khó nhất chính là có đủ, kịp thời vaccine để tiêm chủng ngừa Covid-19 cho cộng đồng. Mặc dù Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong ngoại giao vaccine và đã đạt được kết quả tốt, nhưng để có đủ lượng vaccine phủ rộng trong toàn dân vẫn chưa thể cao như nhiều nước.

Như đã nêu, bản chất của cuộc khủng hoảng lần này là khủng hoảng y tế và từ đó ảnh hưởng sang nền kinh tế. Do vậy, việc kiểm soát dịch bệnh đi liền với mở cửa hữu hiệu (không để lây nhiễm ở mức nguy hiểm) là vấn đề hết sức quan trọng mang tính quyết định đối với tăng trưởng kinh tế trong năm và trung hạn.

Mở cửa nền kinh tế: Giảm cứng nhắc, tăng tính linh hoạt và không cực đoan - Ảnh 9.

Nguồn: MPI

Động lực trên thực tế cho tăng trưởng GDP phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên trong nước và quốc tế và việc thực thi các chính sách hiện hữu của Chính phủ. 

Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn ở các nước đối tác kinh tế quan trọng Việt Nam và các ách tắc về logistics toàn cầu được giải tỏa, động lực xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng mạnh, giúp thu hẹp thâm hụt thương mại, thậm chí trở lại thăng dư; đồng thời thúc đẩy đầu tư công.

Nội tại nền kinh tế Việt Nam, khi kiểm soát bệnh dịch ổn định hơn và mở cửa hữu hiệu, các động lực quan trọng đó là tăng trưởng các ngành dịch vụ, chế biến chế tạo, đầu tư toàn xã hội (nhất là FDI và đầu tư công), xuất khẩu và cải thiện cầu tiêu dùng cá nhân.

img
img
img

Xin phép được hỏi ông một câu hỏi cuối, theo ông Chính phủ cần hỗ trợ gì trọng tâm, trọng điểm cho doanh nghiệp khi mở cửa lại nền kinh tế để đạt được"mục tiêu kép"vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế ?

-Trọng tâm chung là phục hồi mức tổng cung và tổng cầu và kết nối chung với nhau thông qua các chính sách hữu hiệu về y tế, kích thích tăng trưởng (bên cung và bên cầu) và cải thiện tình trạng an sinh xã hội, nhất là đối với các đối tượng bị tổn thương.

Việc đầu tiên, mang tính tiên quyết là nỗ lực tối đa trong tiêm chủng và sản xuất vaccine, phấn đấu đến hết năm 2022 tiêm chủng 2 mũi cho khoảng 80-90% dân cư. Điều này đòi hỏi phải nỗ lực rất lớn của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Mở cửa nền kinh tế: Giảm cứng nhắc, tăng tính linh hoạt và không cực đoan - Ảnh 12.

Cần đánh giá toàn diện, đủ chi tiết hiện trạng của các chủ thể nền kinh tế, nắm bắt khó khăn, thách thức và nhu cầu của họ; qua đó, xác định các giải pháp ưu tiên mới, bổ sung, chỉnh sửa các chính sách hỗ trợ, kích thích, tính đến bối cảnh mới và đặc điểm của nền kinh tế bị đại dịch Covid-19 tác động.

Về phía tổng cầu, có biện pháp phù hợp nếu giá nguyên vật liệu nhập khẩu vẫn tăng cao thì điều chỉnh cơ chế thanh toán/ưu đãi giữa Nhà nước và nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công.

Triển khai các giải pháp thích hợp, hữu hiệu nhằm tăng khả năng trao đổi, tiếp xúc giữa Việt Nam và các đối tác nước ngoài để thúc đẩy đăng ký, triển khai FDI và thúc đẩy ngoại thương, nhất là xuất khẩu. Đánh giá tình trạng an sinh xã hội, cầu tiêu dùng để có biện pháp hữu hiệu kích cầu tiêu dùng và bảo đảm tôi đa an sinh xã hội.

Nhìn chung, việc triển khai các biện pháp kích thích, mở cửa kinh tế và phòng chống bệnh cần giảm tính cứng nhắc, tăng tính linh hoạt hơn, tăng cường các giải pháp công nghệ và không cực đoan. Tuy nhiên, nguyên tắc an toàn sức khỏe khi mở cửa kinh tế là "bất biến".

Xin cám ơn ông!

Mở cửa nền kinh tế: Giảm cứng nhắc, tăng tính linh hoạt và không cực đoan - Ảnh 13.

Mở cửa nền kinh tế: Giảm cứng nhắc, tăng tính linh hoạt và không cực đoan - Ảnh 14.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem