Mở cửa việc bán rượu bia sau dịch là nhu cầu chính đáng

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 04/12/2021 07:41 AM (GMT+7)
Tại chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” tối 3/12, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, sau giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt, tâm lý người dân bức bối nên việc mở lại rượu bia là nhu cầu chính đáng. Hơn nữa, để kinh tế phục hồi và phát triển, không thể đóng cửa vì dịch mãi…
Bình luận 0
Mở cửa việc bán rượu bia sau dịch là nhu cầu chính đáng - Ảnh 1.

Các khách mời tham gia chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” tối 3/12. Ảnh chụp màn hình: Quốc Hải

Theo ông Phương, thành phố đã thực hiện thí điểm, đánh giá từng bước một cách thận trọng để mở từ từ, đến nay TP đã có văn bản thứ 2 cho phép thí điểm mở dịch vụ ăn uống - cho kinh doanh rượu bia, đến cuối tháng 12. 

Trên cơ sở văn bản thứ 2 này, TP chỉ đạo Sở Công Thương tham khảo các quận huyện, và đa số các địa phương đánh giá việc mở cửa hoạt động ăn uống, cho kinh doanh rượu bia đã có những lợi ích rất rõ.

"Chưa có cơ sở nào để đánh giá rằng việc cho hàng quán bán rượu bia làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Tất nhiên, việc tiếp xúc gần, ăn uống với nhau… có nguy cơ cao hơn, song chưa có cơ sở để nói sự gia tăng lây nhiễm là từ việc bán rượu bia này. Vì vậy, cũng không có cơ sở để quá lo lắng, nhưng vẫn phải thận trọng", ông Phương nói.

Hiện, Sở Công Thương và các quận huyện sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá việc cho kinh doanh rượu bia. Kết thúc thời gian thí điểm này (cuối tháng 12), TP sẽ có quyết định chính thức.

Đồng tình với quan điểm này, bác sĩ Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cũng cho rằng đúng là chưa có minh chứng nào nói việc kinh doanh rượu bia làm tăng số lượng người mắc Covid-19.

Tuy nhiên, theo bà Nga, việc quyết định cấp độ dịch chính là số ca mắc mới hằng ngày, nếu số ca mắc mới tăng thì sẽ phải đóng lại việc kinh doanh rượu bia, bởi nếu trong bàn nhậu có người F0 thì chắc chắn sẽ lây lan dịch.

"Điều quan trọng là từ ý thức của người dân. Nếu người dân có triệu chứng nghi ngờ hoặc là F0 thì tuân thủ quy định cách ly, không nên giao lưu để lây lan dịch", bà Nga nói.

Mở cửa việc bán rượu bia sau dịch là nhu cầu chính đáng - Ảnh 3.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương. Ảnh chụp màn hình: Quốc Hải

Một vấn đề được người dân TP.HCM quan tâm là giá cả hàng hóa sau dịch vẫn còn cao, đặc biệt là dịp lễ, Tết đang tới gần. 

Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương thừa nhận, do có nhiều nguyên nhân như dịch bệnh làm chuỗi cung ứng đứt gãy, chi phí vận tải tăng, chi phí phục vụ công tác phòng chống dịch tăng, sức mua thị trường thấp hơn so với trước đây…

Vì vậy, theo ông Phương, trong dịp Tết tới đây, TP sẽ duy trì mô hình bán hàng lưu động. Nếu hết hàng, giá cả tăng ở một khu vực, sẽ có những chuyến xe lưu động đến khu vực này để bình ổn giá, tránh kéo theo giá tăng ở các khu vực khác. Bên cạnh đó, TP cũng sẽ tăng cường bán hàng lưu động cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

"Hiện thành phố đang triển khai chương trình khuyến mãi tập trung, kéo dài từ 15/11 đến hết tháng 12, đây cũng là một cách để nhà sản xuất, nhà phân phối cùng giảm giá hàng hóa, tăng sức mua, giúp kéo giá cả xuống", ông Phương chia sẻ thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem