dd/mm/yyyy

Mô hình trồng cây dược liệu, bước phát triển cho xã biên giới ở Mường Tè

Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi đến xã Thu Lũm, huyện Mường Tè và thực sự ngỡ ngàng trước sự thay đổi về cơ sở hạ tầng nơi đây.

Có thể nói, Thu Lũm là xã vùng cao biên giới xa nhất của tỉnh, cách trung tâm thành phố Lai Châu 230km, cách trung tâm huyện 90km, với chiều dài đường biên giới 36,245km. Ấy vậy mà giao thông nông thôn đến trung tâm xã, trung tâm bản đã được cứng hóa.

Đưa chúng tôi tham quan một số bản của xã, anh Phùng Lòng Kà - Chủ tịch UBND xã Thu Lũm phấn khởi cho biết: Xã đang vận động Nhân dân lựa chọn loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng để phát triển kinh tế. Đặc biệt, năm 2016, với 300ha cây sả đã mang lại thu nhập cho Nhân dân hàng tỷ đồng. Đồng thời, một số hộ gia đình cũng đang mở rộng diện tích trồng cây tam thất đen.

Đoàn công tác HĐND tỉnh thăm mô hình trồng cây tam thất đen tại xã Thu Lũm.
Đoàn công tác HĐND tỉnh thăm mô hình trồng cây tam thất đen tại xã Thu Lũm.

Trên đường đi đến những sườn đồi trồng bạt ngàn cây sả, chúng tôi gặp anh Sừng Nhù Phạ (bản Gò Khà, xã Thu Lũm), theo lời anh, gia đình trồng sả từ năm 2014, đến nay diện tích đã tăng lên 2ha. Năm vừa qua từ bán tinh dầu sả đem lại cho gia đình anh nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng. Theo anh Phạ, ưu điểm của cây sả là thời gian chăm sóc đến khi thu hoạch ngắn, liên tục (4 tháng được thu hoạch và 2 tháng sau thu lứa tiếp theo), do vậy một năm cây sả cho thu hoạch 5 lần; 1ha thu về 14 - 15 tấn sả tươi. Sau thu hoạch, bà con tiến hành chiết xuất tinh dầu với 400kg sả tươi thu 3 - 4 lít tinh dầu (tổng thu 1,3 - 1,5 triệu đồng).

Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản với điều kiện là dự án được UBND huyện phê duyệt: Hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị không quá 60% tổng mức đầu tư và không quá 2 tỷ đồng/dự án, ngoài ra các cơ sở chế biến tinh dầu sả được hỗ trợ tiền điện. Nội dung hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị chỉ khi dự án có sức lan tỏa, phù hợp với quy hoạch vùng nguyên liệu. Theo đó, UBND huyện Mường Tè đã đề xuất đưa doanh nghiệp đến thăm vùng nguyên liệu để xem xét đầu tư. Tuy nhiên, đến nay chưa có doanh nghiệp nào có chủ trương đầu tư tại địa bàn xã này.

Cũng theo nội dung Nghị quyết: “Hằng năm hỗ trợ 500 triệu đồng/xã để thực hiện những vấn đề phát sinh như: Hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất, đầu tư xây dựng công trình cấp thiết quy mô nhỏ, sửa chữa công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu nông thôn mới (nước sinh hoạt, giao thông, trường học, trạm y tế, trụ sở xã...), do đó xã đã tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân đăng ký mô hình trồng cây tam thất và thực hiện được 0,5ha. Gia đình anh Tẩn Ken – một hộ dân tham gia mô hình cho biết: “Tôi đã tham gia trồng từ năm 2015, đến nay cây tam thất đen sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, chúng tôi đều làm theo kinh nghiệm nên rất mong được cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật để cây tam thất đảm bảo sinh trưởng, phát triển tốt hơn”.

Để các nội dung hỗ trợ của Nghị quyết thật sự đi vào cuộc sống, nhất là giúp cây sả, cây tam thất mang thêm no ấm về với người dân xã Thu Lũm, cùng với mở rộng diện tích, hy vọng trên vùng đất khó sẽ sớm thu hút được doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến tinh dầu sả. Đặc biệt, các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh tổ chức hướng dẫn kỹ thuật để bà con có thêm điều kiện chăm sóc tốt hơn các loại cây trồng này.

Tại kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh (khóa XIV), nhiệm kỳ 2016-2021, đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh cho các xã biên giới giai đoạn 2016-2021. Đây là chính sách quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới, trong đó có xã Thu Lũm (huyện Mường Tè).
Minh Châu – HĐND tỉnh