Mỗi con lợn lãi 5 triệu đồng, lão nông Kinh Bắc có gần 1.000 con lợn thấy "áy náy" với người tiêu dùng

Khương Lực Thứ năm, ngày 28/05/2020 19:00 PM (GMT+7)
Lãi 4-5 triệu đồng/con lợn, ông Đào Viết Xuê, chủ trại nuôi 70 lợn nái và 800 lợn thương phẩm ở Bắc Ninh cho rằng, với mức giá sát 100.000 đồng/kg thịt lợn hơi là thừa tốt: “Thực sự, bây giờ cầm tiền tôi áy náy với người ăn dù rằng tôi là người đi vay lãi và nợ ngân hàng nhiều nhất ở huyện Quế Võ đến giờ này”.
Bình luận 0

20 năm trong nghề nuôi lợn, chưa bao giờ ông Đào Viết Xuê, Giám đốc HTX sản xuất VAC Tiến Thịnh thôn Phù Lang, xã Phù Lương (Quế Võ, Bắc Ninh) lại thấy khốn khó như lúc trại lợn cả nghìn con bị "dính" dịch tả lợn châu Phi. Trang trại lợn của gia đình ông gần như là hộ cuối cùng bị dịch tả lợn châu Phi dù đã tìm đủ cách chống đỡ.

Bỏ túi đều tay 4-5 triệu đồng/con, lão nông nuôi lợn thấy áy náy - Ảnh 1.

Vượt qua “bão” dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông Đào Viết Xuê đã giữ, duy trì và tái đàn với 70 nái sinh sản và 800 lợn thương phẩm.

Ngay cả khi lợn bị chết vì dịch tả lợn châu Phi, ông vẫn không hề nao núng khi quyết tâm bỏ tiền đầu tư để phòng trừ, bảo vệ đàn lợn đến cuối cùng. Ông mua thuốc về sát trùng chuồng trại, đầu tư xây bể nước sạch, rồi quây lưới ngăn côn trùng xâm nhập vào trại...

Đặc biệt, trong lúc đang thua lỗ, rồi ảnh hưởng của dịch bệnh, ông vẫn quyết đầu tư 500-600 triệu đồng để mua máy phát điện. "Lúc đó đang thua lỗ, lợn đang bị bệnh, phải tiêu hủy nhưng vẫn phải bỏ tiền ra mua máy vì sợ mở cửa, bỏ lưới ra côn trùng sẽ vào" – ông Xuê nói.

Nhưng điều may mắn hơn với gia đình ông là sự thay đổi trong cách thức phòng trừ dịch tả lợn châu Phi. Thay vì phải tiêu hủy cả đàn lợn, chỉ những con lợn bị bệnh ông mới tiêu hủy, nhờ đó ông đã giữ được đàn nái và có cơ hội tái đàn khi dịch bệnh lắng xuống.

Theo ông Xuê, năm 2017, giá thịt lợn giảm sâu. Năm 2018 phục hồi được một thời gian, đến 2019 lại bị dịch tả lợn châu Phi. Gia đình ông thiệt hại 100 tấn vừa lợn nái, lợn thịt và lợn con, tương đương 2/3 tổng đàn; còn giữ lại được 1/3. "Qua quá trình giữ lại, gia đình đã tái đàn thêm được 20 lợn nái, bắt đầu sinh sản. Đến thời điểm này, gia đình có 70 nái sinh sản và 800 lợn thương phẩm".

Bỏ túi đều tay 4-5 triệu đồng/con, lão nông nuôi lợn thấy áy náy - Ảnh 2.

Mô hình chăn nuôi của gia đình ông Xuê được khép kín từ nuôi lợn nái sinh sản, lợn thương phẩm tới giết mổ, bán ra thị trường.

Bỏ túi đều tay 4-5 triệu đồng/con, lão nông nuôi lợn thấy áy náy - Ảnh 3.

Mỗi tháng, ông Xuê xuất bán từ vài chục đến hơn 100 đầu lợn

Khi nguồn cung lợn thiếu, giá được đẩy lên cao nên gia đình ông đã gỡ được ít vốn liếng để tái đàn, gia tăng sản xuất. Nói về chi phí sản xuất, ông Xuê cho rằng, giá thành 1kg lợn hơi trước khi dịch xảy ra vào khoảng 45.000-46.000 đồng, nay giá giống cao thì giá thành vào khoảng 60.000 đồng/kg. "Nếu nuôi theo chuỗi khép kín từ con lợn nái đến nuôi thương phẩm như của gia đình thì giá thành ở mức 50.000 đồng/kg" – ông Xuê nói.

Với mức giá lợn hơi 100.000 đồng/kg, mỗi con lợn 1 tạ xuất bán gia đình ông thu lời từ 4,5-5 triệu đồng. Ông Xuê bày tỏ: "Giá lợn bây giờ thừa tốt, quá cao rồi. Thực sự bây giờ tôi cầm tiền tôi áy náy với người ăn dù rằng tôi là người đi vay lãi. Tôi là người chăn nuôi lợn nợ ngân hàng nhiều nhất huyện này. Ngân hàng tin mình, nhưng tôi lại được một lòng tin lớn là cả nội, cả ngoại ngồi chật xe 16 chỗ, ra ngân hàng cắm sổ đỏ vay vốn".

Trước nhu cầu của thị trường, mới đây, HTX sản xuất VAC Tiến Thịnh đã phát triển thêm một cơ sở giết mổ trị giá hơn 400 triệu đồng, với trang thiết bị hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường, góp phần phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của khách hàng và người tiêu dùng xa gần.

Theo tính toán của ông Xuê, với việc đầu tư cơ sở giết mổ, khép kín từ chuỗi nuôi lợn nái, thương phẩm đến giết mổ, đưa sản phẩm ra thị trường thì trang trại của ông chủ động hoàn toàn. Do không phải qua cầu trung gian, nên chi phí giảm tới mức tối đa. "Người chăn nuôi bình thường hòa thì gia đình vẫn có lãi. Gia đình tôi mà hòa thì chắc chắn không ai chăn nuôi được nữa" – ông Xuê khẳng định.

Nói về câu chuyện tái đàn và hỗ trợ người chăn nuôi, ông Xuê kiến nghị, chỉ những hộ đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì mới cho tái đàn, chứ không nên tái đàn tran lan, sau đến lúc cung vượt cầu giá thịt về mười mấy hai mươi ngàn đồng một cân lại rủ nhau ăn đụng thịt lợn.

"Để chăn nuôi bình ổn, đề nghị các cấp chính quyền, các hộ chăn nuôi phải đăng ký để kiểm soát đầu con; thứ hai, người chăn nuôi lợn có lãi từ 1-1,2 triệu đồng/con thì người tiêu dùng được hưởng lợi đầu tiên. Với mức đó, giá không bao giờ bị cao, người chăn nuôi không bao giờ bị lỗ" - ông Xuê khẳng định.

Hiện nay, giá lợn giống đắt nhưng chất lượng lại không tốt và nếu không kiểm soát tốt nguy cơ tái bùng phát dịch rất cao. Vì thế, dù có nhu cầu tăng thêm đàn nái, nhưng ông vẫn chờ đặt mua 70-80 nái hậu bị ở những cơ sở có uy tín như tại trại nuôi của Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương và của Công ty TNHH De Heus.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem