Mỗi năm khai thác 500 triệu cây tre, Việt Nam làm đủ món bán đi Âu, Mỹ thu 300 - 400 triệu USD

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 04/08/2022 19:10 PM (GMT+7)
Mỗi năm giá trị xuất khẩu sản phẩm từ tre của Việt Nam đạt khoảng 300 – 400 triệu USD, con số còn khiêm tốn so với quy mô thị trường tre toàn cầu đạt 57,86 tỷ USD và dự kiến đạt 82,9 tỷ USD vào năm 2028.
Bình luận 0

Mỗi năm cây tre mang lại 300 – 400 triệu USD

Với mỗi người Việt, cây tre là hình ảnh quen thuộc, tre là loài thực vật phát triển nhanh nhất thế giới, tre cung cấp nguồn tài nguyên bền vững và có thể tái tạo được, tre ngăn chặn xói mòn đất,...

Đánh giá tổng quan về cây tre Việt Nam tại Hội thảo "Vai trò của tre nguyên liệu đối với sự phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm tre Việt Nam" do Bộ NNPTNT, VCCI và Oxfam tổ chức sáng 4/8, theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), hiện tổng diện tích tre Việt Nam khoảng 1.592.205ha, phân bố hầu hết tại các tỉnh trên cả nước, có 37/63 tỉnh có diện tích trên 10.000ha/tỉnh. 

Mỗi năm khai thác 500 triệu cây tre, Việt Nam làm đủ món bán đi Âu, Mỹ thu 300 - 400 triệu USD - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo "Vai trò của tre nguyên liệu đối với sự phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm tre Việt Nam". Ảnh: P.V

Với 6,5 tỷ cây tre, hàng năm Việt Nam khai thác 500 - 600 triệu cây, khoảng 2,5-3 triệu tấn.  Hiện, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sản phẩm từ tre thu về khoảng 300 - 400 triệu USD, thị trường xuất khẩu chính gồm EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc… Con số này còn khiêm tốn so với quy mô thị trường tre toàn cầu đạt 57,86 tỷ USD và dự kiến đạt 82,9 tỷ USD vào năm 2028.

Tuy nhiên, bà Yến cũng nêu một thực tế, ngành tre Việt Nam cũng đang đối diện với những khó khăn trong phát triển bền vững.

Theo bà Hoàng Yến, hiện nay tre Việt Nam có rất ít nguồn giống tốt và đang có dấu hiệu suy thoái giống.

Diện tích tre đang dần bị thu hẹp, trình độ canh tác thấp, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; hạ tầng phục vụ sản xuất chưa được đầu tư; công nghệ chế biến lạc hậu so với thế giới; thiếu chính sách hỗ trợ phát triển và sản xuất kinh doanh; vốn đầu tư ban đầu cao, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

Cùng với đó, sản phẩm tre lưu thông, tiêu thụ trên thị trường nội địa chủ yếu là sản phẩm thô, tươi; sản phẩm còn chưa đa dạng, chưa quan tâm đến quản lý chất lượng. Hiện nay vẫn đang thiếu sự gắn kết giữa các tác nhân trong chuỗi cả về chiều dọc và chiều ngang; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm từ tre còn yếu và thiếu thông tin thị trường.

Xây dựng tiêu chuẩn, hành lang pháp lý của cây tre - Ảnh 1.

Người dân xã Bản Giang (Tam Đường, Lai Châu) phát triển nghề mây, tre đan trên địa bàn xã. Ảnh: TĐLC.

Xây dựng tiêu chuẩn, hành lang pháp lý của cây tre - Ảnh 2.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Diện - Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT) đánh giá, hiện cả nước có 251 doanh nghiệp chế biến tre, trong đó 95% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn (trên 15 tỷ đồng) chiếm khoảng 5%. Tuy nhiên, ứng dụng khoa học công nghệ của các doanh nghiệp chưa được chú trọng. 

Hiện có khoảng 10.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp chế biến tre, khoảng trên 300.000 lao động nông thôn tham gia vào hoạt động trồng, khai thác, chế biến tre, hầu hết lao động chưa qua đào tạo tại các trường.

Xây dựng vùng nguyên liệu cho cây tre

Tiềm năng cho ngành tre Việt Nam là rất lớn nhưng hiện vùng nguyên liệu vẫn chưa thực sự tập trung. Bên cạnh đó, hoạt động chế biến ngành hàng tre đang khá manh mún. Số doanh nghiệp lớn chuyên chế biến các sản phẩm từ cây tre chưa nhiều. Cả nước với 600 làng nghề mây tre đan nhưng đa phần là các hộ cá thể, nhỏ lẻ. 

Chưa có tiêu chuẩn và hành hàng pháp lý riêng cho việc trồng, chế biến và sử dụng nguyên liệu tre trong hoạt động kinh tế tại Việt Nam thời điểm hiện tại là rào cản lớn nhất khiến chuỗi ngành hàng tre chưa thể kết nối và phát huy hết tiềm năng của mình.

Ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong cho biết, hiện doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động liên kết với nông dân như khó giữ cam kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất, nhất là kế hoạch sản xuất số lượng sản phẩm, thời gian hoàn thành, chất lượng sản phẩm; rất khó để ràng buộc trách nghiệm (thông thường doanh nghiệp đều phải chịu mọi rủi ro).

Để khắc phục khó khăn cần sự vào cuộc của chính quyền như quan tâm mạnh mẽ tháo gỡ khó khăn cho người dân, xây dựng và quản lý, thành lập làng nghề, HTX, tổ hợp tác; có cơ chế rõ ràng, gắn liền quyền lợi và trách nhiệm.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, thực trạng hiện nay nhiều nơi chưa xác định hết được vai trò, vị trí giá trị của cây tre. 

Bên cạnh đó, sự gắn kết giữa các doanh nghiệp với người trồng, giữa doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hay tiêu thụ trong nước còn rời rạc chưa tập trung, đặc biệt là xây dựng các vùng nguyên liệu lớn.

Do đó, bên cạnh xây dựng lại vùng nguyên liệu tre tập trung, Bộ NNPTNT đang đề xuất Bộ Nội vụ thành lập Hiệp hội Tre luồng Việt Nam. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem