Mong ước của giáo viên và học sinh nơi vùng cao Huổi Só

Phạm Hoài - Vinh Duy Thứ tư, ngày 12/04/2023 06:20 AM (GMT+7)
Lớp học ngày càng xuống cấp lại nằm trên cung trượt sạt lở, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Giáo viên và học sinh Trường PTDTBT TH&THCS Huổi Só - cơ sở 2 (xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) luôn mong ước có những phòng học mới kiên cố, khang trang.
Bình luận 0

Mong ước của giáo viên và học sinh nơi vùng cao Huổi Só. Thực hiện: Phạm Hoài - Vinh Duy

Ghi nhận từ Huổi Só

Có mặt tại Trường PTDTBT TH&THCS Huổi Só - cơ sở 2 (điểm trường Huổi Só), chúng tôi thấy rõ sự xuống cấp về cơ sở vật chất ở đây. Trước cổng vào trường, con đường bê tông được đầu tư lâu nay đã hư hỏng, ổ gà xuất hiện rất nhiều gây khó khăn cho việc đi lại của các em học sinh và thầy cô.

Dãy phòng học gồm 6 lớp học lâu ngày không được đầu tư sửa chữa nay cũng đã xuống cấp, nền nhà lát gạch nhiều chỗ đã bị nứt và bong tróc. Những bức tường xuất hiện nhiều vết nứt và ngả màu rêu do mưa thấm và dột. Những cánh cửa đã bị mục nát, hư hỏng do mối mọt được thầy cô sửa tạm bằng những tấm gỗ…

Mong ước của giáo viên và học sinh nơi vùng cao Huổi Só - Ảnh 1.

Con đường bê tông trước cổng vào Trường PTDTBT TH&THCS Huổi Só - cơ sở 2 được đầu tư đã lâu nay cũng đã hư hỏng nặng nề. Ảnh: Phạm Hoài

Trò chuyện với phóng viên Dân Việt (PV), thầy Phạm Thế Long - Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS Huổi Só, chia sẻ: “Điểm trường Huổi Só nằm tại xã Huổi Só – một trong những xã khó khăn của huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Điểm trường Huổi Só cách cơ sở chính gần 1km, được xây dựng từ năm 2002 và đưa vào sử dụng năm 2003. Hiện tại, điểm trường Huổi Só có 5 lớp học (2 lớp 6 và lớp 7,8,9), với tổng số 180 học sinh”.

Bắt đầu từ năm 2015, điểm trường Huổi Só xuất hiện vết nứt rộng 9 - 10cm ở sân trường. Xác định điểm trường Huổi Só nằm trên cung sạt lở và được quy hoạch phải di dời nên các nguồn đầu tư để tu bổ, sửa chữa lại trường hầu như không có, bởi thế, cơ sở vật chất của trường ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý dạy và học tập của giáo viên, học sinh.

Mong ước của giáo viên và học sinh nơi vùng cao Huổi Só - Ảnh 2.

Nền nhà lớp học tầng 1 nhiều chỗ đã bị nứt và bong bật. Ảnh: Phạm Hoài

"Nhà trường rất mong có dãy phòng học mới ở cơ sở chính để các em học sinh, giáo viên được dạy và học tập trong cơ sở vật chất khang trang, an toàn hơn. Từ đó, nâng cao hiệu quả giảng dạy, phát triển công tác giáo dục trên địa bàn" – Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS Huổi Só tâm sự.

Những "tiếng lòng" từ Huổi Só

Gắn bó với điểm trường Huổi Só đã được 14 năm, hơn ai hết, cô giáo Đặng Lan Anh - Giáo viên dạy mỹ thuật Trường PTDTBT TH&THCS Huổi Só, cảm thấy lo lắng cho sự an toàn của các em học sinh, khi 6 phòng học được xây dựng cách đây hơn 20 năm mỗi ngày một xuống cấp.

Cô Lan Anh chia sẻ: “Tôi đi dạy từ năm 2009, điểm trường Huổi Só chưa nằm trong cung sạt lở và quy hoạch phải di dời, khi ấy việc dạy và học tại đây diễn ra bình thường như những ngôi trường khác. Đến năm 2015, sân trường bỗng bị nứt, thầy cô và học sinh ai nấy đều hoang mang, lo sợ”. 

Mong ước của giáo viên và học sinh nơi vùng cao Huổi Só - Ảnh 3.

Năm 2015, Trường PTDTBT TH&THCS Huổi Só - cơ sở 2 xuất hiện vết nứt rộng 9-10 cm tại sân trường. Ảnh: Phạm Hoài

Sau lần bị sạt lở đó, điểm trường Huổi Só nằm trong diện quy hoạch phải di dời. Thầy cô và các em học sinh đều mong muốn chuyển đến địa điểm mới nhưng do không có nguồn kinh phí nên thầy, trò phải tiếp tục giảng dạy và học tập ở đây.

"Từ năm 2015 đến nay, cơ sở vật chất tại điểm trường Huổi Só hầu như ít được Nhà nước đầu tư, sửa chữa và ngày càng hư hỏng nhiều. Những lúc trời mưa, trần nhà bị thấm, nước mưa cứ nhỏ xuống khiến học sinh bị ướt. Cửa sổ và cửa chính đa số đều bị mối mọt. Vào giờ ra chơi, học sinh nô đùa nếu va phải cửa, cửa có thể bị rơi làm các em bị thương. Vì vậy, tôi rất mong muốn các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng những lớp học mới, khang trang hơn, an toàn hơn để cô trò chúng tôi an tâm dạy và học"- cô Lan Anh bộc bạch.

Mong ước của giáo viên và học sinh nơi vùng cao Huổi Só - Ảnh 4.

Bức tường đã bị mốc đen từng mảng. Ảnh: Phạm Hoài

Trao đổi với PV, ông Tẩn A Đạt, Chủ tịch UBND xã Huổi Só cho hay, hiện nay, các điểm trường trên địa bàn xã Huổi Só cơ sở vật chất đang có dấu hiệu xuống cấp, đặc biệt điểm trường Huổi Só là xuống cấp nghiêm trọng nhất.

Để giúp các cháu học sinh và thầy cô nơi đây có điều kiện dạy, học tốt nhất, UBND xã Huổi Só đã báo cáo và đề xuất lên huyện cung cấp nguồn kinh phí quy hoạch nhưng nguồn vốn thực hiện quy hoạch vẫn chưa có.

Mong ước của giáo viên và học sinh nơi vùng cao Huổi Só - Ảnh 5.

Cơ sở vật chất nhà trường lâu ngày càng xuống cấp do không được đầu tư sửa chữa. Ảnh: Phạm Hoài

"Tôi mong Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt kết nối với các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng thêm những phòng học mới để đáp ứng đủ cho công tác giảng dạy và học tập cho giáo viên,học sinh tại điểm trường Huổi Só. Đồng thời đảm bảo an toàn cho các cháu học sinh trong quá trình học tập, vui chơi" - Chủ tịch UBND xã Huổi Só nhấn mạnh.

Đó là những mong ước, lời gửi gắm của thầy cô, học sinh và chính quyền nơi xã vùng cao Huổi Só gửi đến những nhà hảo tâm. Hy vọng, giáo viên, học sinh điểm trường Huổi Só sẽ sớm được dạy và học trong những phòng học mới kiên cố, khang trang.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về

Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Số tài khoản: 21210000524887 - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.

Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay

Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ xây dựng phòng học trường Huổi Só (Điện Biên)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem