Một cá nhân vay 16 tỷ đồng, đã trả hơn 20 tỷ đồng vẫn nợ hơn 11 tỷ đồng

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 03/12/2021 06:00 AM (GMT+7)
Mặc dù ngành ngân hàng luôn chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, nhưng tội phạm tín dụng đen vẫn có cơ hội để phát triển.
Bình luận 0

Vay 16 tỷ đồng, đã trả hơn 20 tỷ đồng vẫn nợ hơn 11 tỷ đồng

Chia sẻ tại Hội thảo "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) và Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội tổ chức, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: Từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN đã ban hành 85 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó, đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy định để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, NHNN thường xuyên chỉ đạo TCTD mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Riêng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng. Đến cuối tháng 10/2021 đã cho hơn 609 nghìn lượt khách hàng vay vốn, doanh số cho vay đạt trên 45,4 nghìn tỷ đồng, dư nợ đạt 1.956 tỷ đồng.

Một cá nhân vay 16 tỷ, đã trả hơn 20 tỷ đồng vẫn nợ hơn 11 tỷ đồng - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn". (Nguồn: SBV)

Đồng thời, ngành ngân hàng cũng phát triển mạng lưới nhằm gia tăng tiếp cận đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân; tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân.

Đặc biệt, đối với khu vực nông thôn nơi dễ phát sinh hoạt động tín dụng đen, ngành ngân hàng đã tích cực triển khai nhiều chính sách, chương trình, giải pháp tín dụng nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân khu vực này.

"Phải nhìn nhận thực tế rằng, mặc dù ngành ngân hàng luôn chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, nhưng quá trình cấp tín dụng vẫn gặp khó khăn do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, tội phạm tín dụng đen vẫn có cơ hội để phát triển", Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế chia sẻ.

Dẫn chứng về tội phạm tín dụng đen thời gian qua, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho hay, mấy tuần qua, đơn vị này vừa triệt phá một đường dây cho vay nặng lãi do một đối tượng người Hải Phòng cầm đầu, hoạt động tại TP.HCM. Đối tượng này cho vay với lãi suất lên tới 1.700%/năm. Theo đó, nạn nhân vay của nhóm đối tượng này 16,2 tỷ đồng, đã trả hơn 20 tỷ đồng nhưng giờ vẫn nợ hơn 11 tỷ đồng.

Lợi nhuận bất chính quá lớn từ cho vay bất hợp pháp là nguyên nhân khiến tín dụng đen vẫn tồn tại dai dẳng, bất chấp lực lượng công an liên tục thực hiện các đợt truy quét - theo Thiếu tướng Trần Ngọc Hà.

Cũng theo Thiếu tướng Hà, hiện tín dụng đen len lỏi dưới rất nhiều hình thức. 

Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ thành lập nhiều cơ sở, cửa hàng tại nhiều địa phương khác nhau, vừa hoạt động cho vay cầm cố tài sản tại cửa hàng, vừa hoạt động trên không gian mạng nhưng thu thêm nhiều khoản phí, quy định tiền phạt lớn nhằm lách quy định pháp luật về lãi suất, có dấu hiệu cho vay lãi nặng. 

Các đối tượng hình sự hoạt động cho vay lãi nặng dưới hình thức hụi, họ nhắm đến một bộ phận tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ, thanh thiếu niên, các đối tượng cần tiền "vay nóng" phục vụ cho các nhu cầu bất chính, tiêu xài cá nhân....

Bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính...., xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.

"Trong điều kiện dịch bệnh chưa được kiểm soát triệt để, còn diễn biến phức tạp, nhu cầu vay tiền tăng cao sẽ là điều kiện cho tín dụng đen phát triển từ nay tới cuối năm và thời gian tiếp theo", Thiếu tướng Trần Ngọc Hà nhấn mạnh.

Tạo điều kiện cho các NHTM tập trung phát triển cho vay tiêu dùng

Bàn về giải pháp, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, trước mắt, vẫn phải tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, trấn áp và từng bước hạn chế tín dụng đen, làm sao cho người dân nhận thức được tác hại, hậu quả của tín dụng đen nếu như có quan hệ với tín dụng đen. Việc này cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành. Tiếp tục trấn áp, cảnh báo, răn đe và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân bảo kê cho hoạt động tín dụng đen, kể cả tổ chức chính thức và phi chính thức.

"Đối với nhu cầu vay chính đáng của người dân như phục vụ việc chữa bệnh, học hành, sinh hoạt hàng ngày… thì cần tiếp cận được tín dụng chính thức, để người dân không phải vay tín dụng đen. Đây vừa là trách nhiệm của ngân hàng, vừa là quyền lợi của các TCTD. Nếu cho vay và quản lý cho vay tốt, hiệu quả, không để xảy ra rủi ro thì đây sẽ là thị trường, xu hướng phát triển của các TCTD", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Một cá nhân vay 16 tỷ, đã trả hơn 20 tỷ đồng vẫn nợ hơn 11 tỷ đồng - Ảnh 3.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú. (Ảnh: SBV)

Phó Thống đốc cho biết, quan điểm chỉ đạo của Thống đốc NHNN xác định, tín dụng tiêu dùng được coi là lĩnh vực được quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ và mở rộng trong thời gian tới. Từ chủ trương này, NHNN sẽ có những chính sách, tạo điều kiện, khuyến khích và phát triển việc cho vay tiêu dùng đối với nền kinh tế. Chính vì thế, sẽ tạo điều kiện cho các NHTM, TCTD, kể cả tín dụng vi mô, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, NHCSXH, đặc biệt là các công ty tài chính được tăng cường, tập trung phát triển tín dụng tiêu dùng.

NHNN tiếp tục hoàn thiện cơ chế, hành lang pháp lý để tín dụng tiêu dùng hoạt động phát triển nhưng có sự quản lý của nhà nước, đảm bảo cho vay tín dụng giải quyết hài hòa hai mục tiêu: Một là, tạo điều kiện để người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế thực sự được thụ hưởng một chương trình, một chính sách; hai là, phải có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ để hoạt động tín dụng tiêu dùng lành mạnh, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ và thị trường tín dụng một cách lành mạnh.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân trong việc xác thực khách hàng để giúp các TCTD tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người dân thuộc nhóm dễ bị ảnh hưởng của tín dụng đen.

Hiện, NHNN cũng đang hoàn thiện hệ thống pháp lý đối với các tổ chức tài chính vi mô để làm sao tạo điều kiện mở rộng ở các địa phương, Đây là hình thức tín dụng rất trực tiếp để giải quyết vấn đề tín dụng đen.

Phó Thống đốc yêu cầu các TCTD tập trung nguồn vốn, NHNN sẽ dành nguồn vốn một cách hợp lý và có những chính sách khuyến khích đối với các NHTM nếu như cho vay lĩnh vực tiêu dùng một cách tích cực và hiệu quả, cũng như khuyến khích cho vay nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tạo điều kiện mở rộng mạng lưới của các TCTD ở vùng sâu, vùng xa, phục vụ cho nhu cầu vay tiêu dùng của các đối tượng yếu thế.

Đồng thời, khẩn trương đưa các sản phẩm, dịch vụ của hệ thống các TCTD, các công ty tài chính sử dụng công nghệ hiện đại để giảm bớt việc thanh toán bằng tiền mặt, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Các NHTM, các công ty tài chính tiêu dùng chủ động đổi mới công nghệ, thủ tục thuận lợi, giảm lãi suất, chủ động tiếp cận với người dân có nhu cầu vay tiêu dùng tại các địa phương.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem