Một chi hội nông dân nghề nghiệp có thu nhập 3 tỷ đồng/năm

Đức Thịnh Thứ hai, ngày 10/05/2021 16:59 PM (GMT+7)
Nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, thời gian qua, Hội ND tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung xây dựng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp. Trong đó, mô hình chi hội nghề nghiệp sản xuất kinh doanh đồ mộc và đóng thuyền, tổ hội nghề nghiệp sản xuất, kinh doanh chổi đót đã mang lại thu nhập cao cho hội viên.
Bình luận 0

Chi hội nghề nghiệp sản xuất kinh doanh đồ mộc và đóng thuyền ở xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ được Hội ND thành lập từ năm 2017 với 55 hội viên. Các sản phẩm được sản xuất như: Đóng thuyền, bàn thờ, giường, bàn ghế các loại... Sau khi ra mắt, chi hội đã ổn định tổ chức và phân chia thành 3 tổ hội: Tổ hội đóng thuyền, tổ hội làm mộc, tổ hội làm dịch vụ buôn bán. Đặc biệt, năm 2017, được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho vay 1 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ HTND để thực hiện dự án "Sản xuất kinh doanh đồ mộc và đóng thuyền", chi hội đã hỗ trợ 10 hội viên đang gặp khó khăn vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay, chi hội đã nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển thương hiệu nghề truyền thống đóng thuyền của xã Trường Sơn.

Một chi hội nông dân nghề nghiệp có thu nhập 3 tỷ đồng/năm - Ảnh 1.

Chi hội nghề nghiệp sản xuất kinh doanh đồ mộc và đóng thuyền ở xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Ảnh: Dương Chiến

Ông Trần Thanh Sang – Chủ tịch Hội ND xã Trường Sơn phấn khởi cho biết: "Trong 3 năm (2017-2020) lợi nhuận thu về từ dự án "Sản xuất kinh doanh đồ mộc và đóng thuyền" đạt gần 3 tỷ đồng; bình quân mỗi hộ thu về gần 300 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 20-30 lao động, thu nhập bình quân 6-8 triệu đồng/người/tháng. Sau khi kết thúc dự án, các hộ đủ điều kiện trả phí, trả gốc và phát triển các năm tiếp theo".

Tương tự, tổ hội nghề nghiệp sản xuất, kinh doanh chổi đót thôn Hà Ân (xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà) được thành lập năm 2017 với 16 thành viên cũng đã đạt được những kết quả tích cực. Ông Lê Tiến Dũng - Tổ phó tổ hội chia sẻ: "Từ khi được thành lập, sản phẩm làng nghề của tổ hội được hỗ trợ giới thiệu đến nhiều hội chợ nông nghiệp. Bên cạnh đó, qua việc liên kết chúng tôi cũng tạo được số lượng sản phẩm tập trung, giúp việc tiêu thụ được thuận tiện hơn. Nhờ có thị trường ổn định, đến nay, thu nhập của thành viên đạt trung bình khoảng 6 - 7 triệu đồng /tháng".

Được biết, từ 2018 đến nay, các cấp Hội ND Hà Tĩnh đã vận động thành lập được 45 hợp tác xã hoạt động trên các lĩnh vực nông, lâm, thủy hải sản, dịch vụ môi trường và 379 tổ hợp tác tập trung chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt… Ngoài ra, Hội ND tỉnh Hà Tĩnh còn thành lập 12 chi hội nông dân nghề nghiệp với 229 hội viên tham gia; 122 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 1.354 hội viên tham gia.

Ông Trần Trung Thành - Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Ngoài việc hỗ trợ nguồn vốn, đào tạo nghề hay hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, Hội ND cũng tập trung phối hợp để hướng dẫn các tổ hội, chi hội thành lập, phát triển các nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản địa phương.

Thời gian tới, Hội sẽ tập trung định hướng các cơ sở, phát huy thế mạnh ngành nghề, lấy hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt để xây dựng, nhân rộng các chi, tổ hội nghề nghiệp mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem