Một đời người - một đời cây

Thứ sáu, ngày 29/03/2013 08:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Năm 1976, trong hơn 3.400 con người trống dong cờ mở, hăm hở đến Chư Prông (Gia Lai) mở đất, có một thanh niên quê ở xã Khánh Ninh (Yên Khánh, Ninh Bình) mới tốt nghiệp phổ thông.
Bình luận 0

Nhìn vóc dáng nhỏ bé, vẻ ngoài không có gì đặc biệt, ít ai nghĩ được 24 năm sau anh đã trở thành một tổng giám đốc, điều hành một công ty cao su đang đứng trước muôn vàn khó khăn trở thành một đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Anh là Phan Sĩ Bình…

Ký ức một thời…

Mùa mưa năm 1977 dường như dài hơn mọi năm. Cái âm điệu ướt át, lê thê giữa chốn rừng hoang càng thêm nỗi nhớ nhà. Đội 6 của Phan Sĩ Bình loi thoi vài dãy nhà tranh vách đất, nhìn ra bốn phía chỉ ngờm ngợp một màu thảo dã. Không cả một tiếng chó tiếng gà cho thinh không đỡ quạnh…

img
Tổng Giám đốc Phan Sĩ Bình (thứ 2 bên phải) cùng lãnh đạo Công ty Cao su Chư Prông đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2005.

Có lẽ cũng cần một chút “cố sự” cho bối cảnh này: Sau ngày kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tây Nguyên là một trong những vùng đất trọng điểm được lựa chọn để xây dựng các vùng kinh tế mới. Để thực hiện mục tiêu đó, Chư Prông là vùng đất đầu tiên ở Gia Lai được lựa chọn để xây dựng một vùng kinh tế mới với nhiệm vụ là… sản xuất lương thực.

Từ cuối năm 1976 trên tinh thần tự nguyện, hàng ngàn thanh niên nam, nữ của tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) đã hăm hở ghi tên xung phong vào vùng đất mới… Ủy ban huyện Chư Prông bấy giờ còn đóng ở Thanh An; đường vào nơi đóng quân là một lối mòn ngợp giữa hai bức tường cỏ Mỹ… Ai cũng tin rằng sự thiếu thốn chỉ là tạm thời. Năm sau – chậm lắm là vài năm tới cuộc sống sẽ được cải thiện.

Điều không ngờ là khi chuyển sang trồng cao su, tỉnh Gia Lai – Kon Tum bấy giờ không đủ vốn. Hàng tháng liền công nhân không được trả lương. Sốt rét trỗi dậy hoành hành. Máu đã đổ vì bom mìn trong đất. Tương lai nào cho cuộc sống này? Xem ra khỏi cần đến một sự dằn vặt. Trốn khỏi nơi vô vọng này là lối thoát duy nhất. Chỉ đến cuối năm 1978, hơn 3.400 con người hăm hở lúc ra đi chỉ còn lại vỏn vẹn 800 người…

Nhưng cuộc sống không ít khi vẫn xảy ra những điều nghịch cảnh… Theo logic giản đơn thì Phan Sĩ Bình có lẽ đã có mặt trong số hơn 2.000 con người thoái chí ấy… Trước khi vào vùng đất mới, anh đã được bố trí làm cán bộ địa chính xã. Gia đình không muốn anh đi xa và anh - thực tình cũng bị lôi cuốn bởi cái máu thích phiêu lưu, bồng bột của tuổi trẻ… Sự thật là không ít lần anh cũng mang tâm lý của người lính trước thế trận đang vỡ nhưng rồi sự thoái chí đã thoảng qua rất nhanh.

Tiềm năng bazan mênh mông, sức trẻ sao có thể chịu cánh đói nghèo? Và sau đám đông thoái chí thì hãy còn đó 800 con người quyết chí… Cũng phải tự tay trồng lúa, trồng lạc để chống đói như ai nhưng anh vẫn tin tưởng một cách vững chắc rồi cuộc sống sẽ phải sáng lên. Nghị lực và niềm tin của chàng trai trẻ đã vào “mắt xanh” của Ban giám đốc nông trường…

Sau 6 tháng làm công nhân, Phan Sĩ Bình được bố trí làm kế toán đội. Từ năm 1983, anh được cử đi học qua trung cấp rồi đại học, được bổ nhiệm kế toán trưởng, và năm 1988 được bổ nhiệm phó giám đốc lúc mới 31 tuổi – một trong những phó giám đốc trẻ nhất trong các công ty cao su bấy giờ…

Bốn điều tâm đắc

Trong một dịp trò chuyện thân tình, Phan Sĩ Bình bộc bạch rằng 12 năm giữ cương vị giám đốc và tổng giám đốc, anh đã đóng góp cho công ty được 4 việc có ý nghĩa nhất: Một là - đưa tổng diện tích cao su công ty trong nước lên hơn 9.000ha, trong đó tái canh 1.200ha chu kỳ cũ bằng giống mới năng suất cao, chất lượng đồng đều; hai là xây dựng thành công hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, lần đầu tiên trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài – kể cả thị trường Mỹ; ba là đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất; bốn là đầu tư ra nước ngoài thành công trồng 5.000ha cao su ở Campuchia).

Sự hy sinh, cống hiến của những dòng nhựa ấm lành đã mang đến cho hàng ngàn con người – trong đó hơn 800 hộ công nhân dân tộc từng bao đời lạc hậu, đói nghèo chung thân một cuộc sống ấm no và đang cộng hưởng đến tận cùng miền đất.

Khiêm tốn, Phan Sĩ Bình không muốn nói nhiều đến thành tích. Tuy nhiên chỉ với những điều anh nói cũng đủ hình dung vai trò của anh trong những tầng nấc phát triển của công ty sau này… Mà những điều anh làm được cho công ty đó, tất cả đều phải phấn đấu trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn… Năm 2.000, Phan Sĩ Bình vừa đảm nhận chức vụ giám đốc công ty thì xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới. Giá mủ cao su chỉ còn 6-7 triệu đồng/ tấn. Mang ra tận biên giới bán vẫn lỗ. Có những lúc anh phải chủ trương bán chịu cho khách quen để đổi bảo hộ lao động cho công nhân.

Tình hình đang nan giải thì qua năm 2001, Gia Lai lại xảy ra sự kiện bạo loạn mang màu sắc chính trị ở một số làng đồng bào dân tộc. Đứng chân trên 15 xã, 50 làng, sự bất ổn về an ninh đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất – kinh doanh của công ty. Toàn bộ lực lượng công nhân phải căng ra để bảo vệ sản xuất, chống chọi với nạn phá hoại vườn cây, cướp mủ… Nhân tai tiếp thiên tai. Do biến đổi khí hậu toàn cầu, từ năm 2000 đến nay thời tiết luôn gây bất lợi cho sản xuất. Có năm hàng ngàn ha cao su bị mắc bệnh phấn trắng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất mủ…

Với bao nhiêu tầng nấc khó khăn ấy, Phan Sĩ Bình vẫn tìm ra giải pháp. Công ty không những trụ vững qua mọi thử thách mà còn tăng tốc phát triển, năm nào cũng hoàn thành xuất sắc mọi chỉ tiêu của Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam giao… Hỏi bí quyết, anh cười: “Tớ tuổi thân. Khỉ lên rừng thì có đất dụng võ. Đùa vậy thôi, các ông chớ quan trọng hóa vai trò cá nhân. Mình có chút thành công cũng là nhờ đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ, năng lực ( 57% dưới 35 tuổi ). Các cụ ta chẳng đã nói nói “thần thiêng nhờ bộ hạ” ? Thứ nữa là nhờ sự ủng hộ, giúp đỡ hết mình của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; của công nhân, người lao động và đồng bào dân tộc trên địa bàn đứng chân… Nếu muốn gọi là “bí quyết” thì chỉ có vậy thôi...”.

Nói thì đơn giản vậy nhưng cùng đứng chân trên một miền đất, cùng một môi trường xã hội mà đâu phải công ty nào, đơn vị nào cũng làm được vậy. Đúng là một vị lãnh đạo dù tài ba đến đâu cũng không thể một mình quyết định được hết mọi thắng lợi nhưng nếu không có một lãnh đạo giỏi thì không thể có con đường đi tới mọi thắng lợi… Đến đây tôi chợt nhớ lời một danh nhân (hình như là Napoléon thì phải) từng nói: Tầm cao của một con người là đo từ trời xuống!

Có một chiều lẩn thẩn ở Ia Lâu, nhìn khoảnh rừng hoang còn sót lại rưng rưng một màu lau trắng, tôi chợt thấy lòng bâng khuâng…Vùng đất dữ bao đời đang hóa lành trong mỗi giọt xanh cứ từng ngày nhẫn nại lan trên từng khoảnh đất. Dòng nhựa ấm lành đã mang đến cho hàng ngàn con người – trong đó hơn 800 hộ công nhân dân tộc từng bao đời lạc hậu, đói nghèo chung thân một cuộc sống ấm no và đang cộng hưởng đến tận cùng miền đất. An Biên, An Phú - một mùa gió mới đã phơn lại gần thêm khát vọng với những cái tên nghe như chất chứa bao đời từ mạch đất… Sự hy sinh, cống hiến của những con người như Phan Sĩ Bình lặng thầm nhưng sẽ kết tinh mãi với mỗi mùa cao su trút lá…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem