Một HTX với hành trình hơn 15 năm xây dựng thương hiệu chè La Bằng trên đất Thái Nguyên

Hà Thanh - Kiều Hải Chủ nhật, ngày 30/04/2023 06:02 AM (GMT+7)
Nhờ không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, HTX chè La Bằng (xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã đưa thương hiệu chè La Bằng vươn xa trên thị trường. Bên cạnh đó, HTX chè còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.
Bình luận 0

Bà Nguyễn Thị Hải chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển HTX chè La Bằng. Clip: Hà Thanh

Xây dựng thương hiệu chè La Bằng

Tiếp nối truyền thống làm chè nhiều đời của gia đình, đầu những năm 2000, bà Nguyễn Thị Hải – Giám đốc HTX chè La Bằng (xóm Rừng Vần, xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã quyết tâm xây dựng thương hiệu chè La Bằng đến đông đảo khách hàng gần xa.

Chia sẻ với PV Dân Việt, bà Hải cho biết, thời điểm năm 2000, 2001, gia đình bà bắt đầu tham gia Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên và là thành viên của HTX chè Tiến Thành. Ở thời điểm đó, sản phẩm chè của La Bằng chưa xây dựng được thương hiệu, được tiêu thụ khá dễ dàng nhờ thông qua nhãn mác của Liên minh HTX Thái Nguyên.

 HTX này ở Thái Nguyên đưa thương hiệu chè La Bằng vươn xa, tạo việc làm cho nhiều lao động - Ảnh 2.

Bà Hải quyết tâm thành lập HTX chè La Bằng để xây dựng thương hiệu chè La Bằng cho nhiều người biết đến. Ảnh: Hà Thanh

Nhận thấy sản phẩm của mình làm ra có chất lượng tốt nên bà Hải quyết định đổi tên sản phẩm thành chè La Bằng. Tuy nhiên, việc tiêu thụ gặp khó khăn do còn rất ít người biết đến thương hiệu này.

Sau nhiều đêm trăn trở để tìm hướng đi mới cho chè La Bằng, bà Hải quyết định kết hợp với 13 thành viên để thành lập HTX chè La Bằng vào tháng 12/2006 với vốn điều lệ chỉ 60 triệu đồng.

Ban đầu, HTX chè La Bằng có tên là HTX chè La Bang vì thời điểm đó không thể đăng ký thương hiệu sản phẩm trùng với địa danh vùng miền. Phải đến năm 2009, thông qua chương trình Làng Việt do địa phương tổ chức, kết hợp với công tác truyền thông, tên tuổi chè La Bằng mới dần được nhiều người biết đến. 

Đến năm 2010, khi sản phẩm đã gây dựng được thương hiệu trên thị trường, các thành viên HTX đã bàn bạc, quyết định đổi tên thành HTX chè La Bằng và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm chè La Bằng.

 HTX này ở Thái Nguyên đưa thương hiệu chè La Bằng vươn xa, tạo việc làm cho nhiều lao động - Ảnh 3.

Hiện HTX chè La Bằng có tổng diện tích chè 30ha được trồng theo quy trình VietGAP và hữu cơ. Ảnh: NVCC

Năm 2012, HTX bắt đầu áp dụng sản xuất chè theo quy trình VietGAP và chuyển dần sang hướng hữu cơ. Thông qua các chương trình, các cuộc thi do địa phương tổ chức, HTX chè La Bằng đã giành nhiều thành tích nổi bật. Bên cạnh đó, HTX chè La Bằng còn vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và kinh tế tập thể.

"Đặc biệt, năm 2017, HTX chè La Bằng vô cùng vinh dự khi sản phẩm Đinh Tâm Trà là một trong hai sản phẩm chè của Thái Nguyên được Chính phủ lựa chọn làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia trong Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng" - bà Hải cho biết thêm.

Hiện nay, HTX chè La Bằng có tổng diện tích chè là 30ha, trong đó có 20ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 10ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, 6ha đã được chứng nhận mã vùng trồng. Ngoài 15 hộ thành viên HTX, hiện HTX còn liên kết với gần 200 hộ dân sản xuất chè để cung cấp nguồn nguyên liệu cho HTX.

Với quy mô diện tích nói trên, trung bình mỗi năm HTX chè La Bằng sản xuất và bán ra thị trường khoảng 60 tấn chè búp khô, mang về nguồn doanh thu 4,9 tỷ đồng trong năm 2022, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân từ 7 – 9 triệu đồng/người/tháng.

 HTX này ở Thái Nguyên đưa thương hiệu chè La Bằng vươn xa, tạo việc làm cho nhiều lao động - Ảnh 4.

Với quy mô sản xuất lớn, HTX chè La Bằng đang tạo công ăn việc làm cho 10 lao động với tại xưởng sản xuất và liên kết với gần 200 hộ sản xuất chè. Ảnh: Hà Thanh

Cũng theo bà Hải, đến thời điểm hiện tại, HTX chè La Bằng có rất nhiều sản phẩm từ bình dân cho đến cao cấp. Trong đó, có 3 dòng sản phẩm chính là trà móc câu, trà tôm nõn và trà đinh.

HTX có Thanh Hải Trà đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2022, và trong năm nay HTX có dự định sẽ thi nâng hạng lên 5 sao. Ngoài ra một số sản phẩm khác như Trà La Bằng, Trà Đại Từ cũng đạt danh hiệu sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2021, 2022. Bên cạnh đó, HTX còn sản xuất thêm một số sản phẩm như bột matcha trà xanh, kẹo lạc trà xanh được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và tin dùng.

Trong các sản phẩm của HTX, sản phẩm đang có giá trị cao nhất đó là Đinh Tâm Trà được bán với giá 5 - 10 triệu đồng/kg. Còn sản phẩm thông dụng nhất hiện nay vẫn là dòng sản phẩm trà móc câu được bán với giá 300.000 – 500.000 đồng/kg. Tất cả các sản phẩm đều có nhãn mác, tem truy xuất cụ thể.

Đưa thương hiệu chè La Bằng vươn xa

Để đảm bảo sản lượng cũng như chất lượng đầu ra của sản phẩm, bên cạnh khâu chăm sóc nguyên liệu, HTX còn đầu tư xây dựng nhà xưởng với quy mô 1.000m2, trang bị hệ thống máy móc vào quy trình sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn ISO.

Bên cạnh đó, HTX còn có không gian trưng bày sản phẩm và thưởng trà vô cùng rộng rãi, bắt mắt, lôi cuốn du khách khi đến tham quan, trải nghiệm và thưởng trà.

 HTX này ở Thái Nguyên đưa thương hiệu chè La Bằng vươn xa, tạo việc làm cho nhiều lao động - Ảnh 5.

Bà Hải giới thiệu về sản phẩm trà matcha của HTX cho Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đại Từ. Ảnh: Hà Thanh

Hiện, sản phẩm của HTX chè La Bằng được tiêu thụ ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước. Bên cạnh việc bán hàng theo cách truyền thống, HTX còn đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng mức độ và khả năng tiếp cận khách hàng lớn hơn.

 HTX này ở Thái Nguyên đưa thương hiệu chè La Bằng vươn xa, tạo việc làm cho nhiều lao động - Ảnh 8.

Đến nay, sản phẩm của HTX chè La Bằng đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Ảnh: Hà Thanh

Ông Trần Văn Mỳ - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đại Từ đánh giá, HTX chè La Bằng là một đơn vị có quy mô sản xuất đang phát triển mạnh trên địa bàn huyện Đại Từ, thu hút nhiều lao động của địa phương tham gia sản xuất với mức thu nhập ổn định, giúp nâng cao đời sống cho bà con, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.

"Hội Nông dân huyện Đại Từ luôn phối hợp chặt chẽ với HTX và tăng cường tuyên truyền với hội viên nông dân trên địa bàn tham gia HTX như cung ứng sản phẩm chè. Đồng thời cũng tuyên truyền đến bà con nông dân sản xuất nguyên liệu xanh, sạch theo quy trình VietGAP để đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho HTX theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến thời điểm này, có trên 100 hộ tham gia cung cấp nguyên liệu chè tươi cho HTX để chế biến ra thành phẩm xuất bán trên thị trường" - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đại Từ nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem