Một làng ở Quảng Bình, dân biến đồi hoang thành điểm du lịch sinh thái vạn người mê, hút khách

Trần Anh Chủ nhật, ngày 23/04/2023 05:34 AM (GMT+7)
Nhiều nông dân làng Cự Nẫm và dân của cả xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cải tạo đồi hoang thành điểm du lịch sinh thái vạn người mê, hút du khách đến check-in.
Bình luận 0

Hiện Đảng bộ, chính quyền xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đang tích cực xây dựng quê hương thành khu du lịch hấp dẫn với hệ thống sản phẩm du lịch, dịch vụ đặc trưng của địa phương.

Từ đồi hoang đến điểm du lịch sinh thái vạn người mê

Trên đường mòn Hồ Chí Minh dẫn tới Phong Nha – Kẻ Bàng, khách du lịch ngỡ ngàng trước khung cảnh nông thôn mới đẹp như phim ở các điểm du lịch sinh thái nằm bên đường.

Đồi Dẻ là một điểm du lịch sinh thái được đông du khách ghé vào tham quan, chụp hình thời gian qua. Chủ cơ sở này là ông Ngô Xuân Dũng (SN 1971, ở thôn Đông Sơn, xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).

Nông thôn mới Quảng Bình, người dân biến đồi hoang thành khu du lịch sinh thái, hút khách đến check-in - Ảnh 1.

Từ đồi hoang, ông Ngô Xuân Dũng cải tạo, làm các chòi câu cá, điểm dừng chân, lối tản bộ để phục vụ khách du lịch đến tham quan, chụp hình.

Trò chuyện với PV báo Dân Việt, ông Ngô Xuân Dũng, cho biết: "Tôi là nông dân thứ thiệt, từng được các cấp khen thưởng trong việc sản xuất, kinh doanh giỏi. Trước đây, khu vực nhà tôi ở là một đồi dẻ, tôi cùng vợ đã xây dựng nên mô hình vườn - ao- chuồng, nuôi lợn, gà, cá, trồng tiêu, cao su quanh vườn. Tuy nhiên, đầu ra bấp bênh nên lợi nhuận không đáng là bao. 

Năm 2019, chính quyền xã Cự Nẫm có chủ trương khuyến khích người dân làm du lịch nông thôn nên tôi mạnh dạn chuyển đổi, cải tạo khu vườn để đón khách đến tham quan".

Nông thôn mới Quảng Bình, người dân biến đồi hoang thành khu du lịch sinh thái, hút khách đến check-in - Ảnh 2.

Ông Ngô Xuân Dũng bên cơ sở du lịch sinh thái Đồi Dẻ ở thôn Đông Sơn, xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Trần Anh

Theo ông Dũng, ngày đầu chưa có kinh nghiệm, ông phải lặn lội vào Đà Lạt, Lâm Đồng để học tập cách làm. Gia đình tích cóp được đồng nào ông đều dồn vào để trồng hoa, lát cỏ, cải tạo ao.

"Tôi bỏ ra gần 3 tỷ đồng để làm các chòi câu cá, điểm dừng chân, lối tản bộ, bao quanh là cây tiêu và các loại cây ăn quả tạo thành vành đai giữ môi trường xanh mát. Năm 2021, cơ sở du lịch sinh thái hoàn thiện, tôi lấy tên là Đồi Dẻ và mở cửa đón du khách", ông Dũng cho hay.

Cũng theo ông Dũng, đến nay, điểm du lịch sinh thái Đồi Dẻ được nhiều người biết đến và ghé vào tham quan, chụp hình. Ngày thường, cơ sở đón hơn 200 lượt khách với tổng doanh thu hơn 15 triệu đồng/ngày, dịp lễ, tết có ngày đón trên 1.000 lượt khách, tổng doanh thu lên đến 100 triệu đồng/ngày. Cơ sở này đã mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình ông và tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương.

Nông thôn mới Quảng Bình, người dân biến đồi hoang thành khu du lịch sinh thái, hút khách đến check-in - Ảnh 3.

Từ đồi thông hoang sơ, anh Lê Chí Hiếu cùng vợ là chị Mai Thị Thu Yến cải tạo thành điểm du lịch Đồi Mây Đắng (ở xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).

Cạnh đó, Đồi Mây Đắng nằm ở xã Cự nẫm (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cũng là điểm du lịch hút du khách đến tham quan, chụp hình trong thời gian qua.

Anh Lê Chí Hiếu (SN 1984, ở xã Tân Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) – chủ cơ sở Đồi Mây Đắng, cho biết: "Trước đây, hai vợ chồng tôi có công việc ổn định ở Vũng Tàu. Năm 2017, chúng tôi quyết định về quê lập nghiệp. Trong dịp tình cờ đặt chân đến ngọn đồi cạnh đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, thuộc địa phận xã Cự Nẫm, tôi và vợ thấy đồi thông rộng mênh mông, cỏ dại ngập lối để hoang rất lãng phí. Sau đó, chúng tôi bàn nhau mua lại mảnh đất này.

Nông thôn mới Quảng Bình, người dân biến đồi hoang thành khu du lịch sinh thái, hút khách đến check-in - Ảnh 4.

Điểm du lịch Đồi Mây Đắng (ở xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) hút du khách đến tham quan, chụp hình.

"Ban đầu, chúng tôi lát cỏ, tạo cảnh quan thoáng mát dưới tán cây thông để cuối tuần đưa bạn bè tới vui chơi. Sau này, mọi người thấy cảnh đẹp rồi đến tham quan, chụp hình ngày một đông. Đầu năm 2022, tôi mới quyết định đầu tư hơn 3 tỷ đồng vào quả đồi rộng 3,5ha này để khai hoang, mở lối, dựng các bối cảnh check-in cho du khách", anh Hiếu nói.

Theo anh Lê Chí Hiếu, dịp lễ, tết, Đồi Mây Đắng đón hàng nghìn lượt khách đến check-in, tuy nhiên, để khu du lịch hoạt động bài bản, hút du khách, chính quyền địa phương cần đồng hành, hỗ trợ người dân.

Phát triển làng văn hóa du lịch

Trao đổi với báo Dân Việt, ông Nguyễn Văn Tiến – Bí thư Đảng ủy xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Người dân địa phương chủ yếu làm nông nghiệp nhỏ lẻ nên chỉ đủ ăn chứ để khá giả rất khó. Từ khi một số hộ dân mạnh dạn chuyển đổi sang làm du lịch sinh thái bộ mặt quê nhà dần thay đổi, đời sống người dân được nâng cao, nông thôn mới đẹp hẳn lên".

Nông thôn mới Quảng Bình, người dân biến đồi hoang thành khu du lịch sinh thái, hút khách đến check-in - Ảnh 5.

Cự Nẫm - ngôi làng hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ảnh: Trần Anh

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, từ tháng 11/2021, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt Đề án Làng văn hóa du lịch Cự Nẫm, hướng đến xây dựng Cự Nẫm thành khu du lịch hấp dẫn với hệ thống sản phẩm du lịch, dịch vụ đặc trưng của địa phương.

Đảng bộ, chính quyền xã Cự Nẫm phổ biến đến cán bộ, đảng viên và bà con nhân dân trong toàn xã được biết về mục đích, ý nghĩa của Đề án. Song song đó, UBND xã lập quy hoạch chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về các điểm được quy hoạch để thực hiện Đề án Làng Văn hóa Du lịch Cự Nẫm. 

Bên cạnh đó, xã cũng tiến hành khởi động để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương và có kế hoạch, chương trình đào tạo nghề để phát triển nhân lực. Xã Cự Nẫm đang kêu gọi, mời gọi các nhà đầu tư về địa bàn để cùng phát triển cùng phát triển.

Nông thôn mới Quảng Bình, người dân biến đồi hoang thành khu du lịch sinh thái, hút khách đến check-in - Ảnh 6.

Cơ sở du lịch Phong Nha Farmstay ở xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). (Ảnh: Lê Bích)

"Trước đây, các điểm du lịch trên địa bàn đều tự phát. Đến năm 2022, Đảng ủy xã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng làng văn hóa du lịch, tiến hành làm thủ tục cấp phép cho bà con. Thời gian qua, tôi thấy các điểm du lịch trên địa bàn hoạt động rất hiệu quả, đông khách đến tham quan, chụp hình, đây là tín hiệu rất tích cực", ông Tiến cho hay.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Bình, đơn vị đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Làng văn hóa du lịch Cự Nẫm đủ điều kiện để công nhận khu du lịch cấp tỉnh; trở thành điểm tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí hấp dẫn tại khu vực Bắc Trung bộ trên cơ sở khai thác các lợi thế sẵn có về tài nguyên văn hóa bản địa, tài nguyên thiên nhiên và sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Bình.

"Ngành Du lịch Quảng Bình đang rất quan tâm đến phát triển du lịch nông thôn. Đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, có Chương trình xây dựng nông thôn mới để giúp các xã nông thôn mới, đặc biệt là nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu có thêm nhiều tiêu chí trong việc phát triển du lịch", ông Nguyễn Ngọc Quý – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem