Một loại hạt của Việt Nam đang rất đắt hàng ở Hàn Quốc

K.Nguyên Thứ hai, ngày 28/11/2022 15:20 PM (GMT+7)
Hàn Quốc đang có xu hướng tăng tốc nhập khẩu cà phê của Việt Nam tuy nhiên cà phê Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của các thị trường khác.
Bình luận 0

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 10/2022, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang thị trường Hàn Quốc đạt 3.220 tấn, trị giá 8,6 triệu USD, tăng 41,5% về lượng và tăng 48,7% về trị giá so với tháng 9/2022, so với tháng 10/2021 tăng 16,5% về lượng và tăng 32,5% về trị giá.

Tính chung 10 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc đạt 30.100 tấn, trị giá 76,68 triệu USD, giảm 3,0% về lượng, nhưng tăng 23,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 10/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc đạt mức 2.671 USD/tấn, tăng 5,1% so với tháng 9/2022 và tăng 13,8% so với tháng 10/2021. 

Tính chung 10 tháng năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc đạt mức 2.547 USD/tấn, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2021.

9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu cà phê Robusta sang thị trường Hàn Quốc, đạt 20.810 tấn, trị giá 42,28 triệu USD, giảm 6,5% về lượng, nhưng tăng 13,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Tiếp theo là cà phê chế biến, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 26,9% so với 9 tháng đầu năm 2021, đạt 19,75 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê Arabica sang Hàn Quốc đạt 1.240 tấn, trị giá 5,85 triệu USD, tăng 45,7% về lượng và tăng 142,5% về trị giá.

Số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, 9 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu cà phê đạt 152.250 tấn, trị giá 966,36 triệu USD, tăng 10,9% về lượng và tăng 49,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Một loại hạt của Việt Nam đang rất đắt hàng ở Hàn Quốc - Ảnh 1.

Hàn Quốc đang có xu hướng tăng tốc nhập khẩu cà phê của Việt Nam tuy nhiên cà phê Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của các thị trường khác. Ảnh: K.N

9 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu chủ yếu chủng loại cà phê chưa rang, chưa khử ca-phê-in (HS 090111), đạt xấp xỉ 130.630 tấn, trị giá 655,73 triệu USD, tăng 12,1% về lượng và tăng 77,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Thị phần cà phê chưa rang, chưa khử ca-phê-in chiếm 85,8% tổng lượng cà phê nhập khẩu của Hàn Quốc trong 9 tháng đầu năm 2022, cao hơn so với thị phần 84,89% trong 9 tháng đầu năm 2021. 

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng tăng mạnh nhập khẩu chủng loại cà phê rang, khử ca-phê-in (HS 090112), mức tăng 93,5% về lượng và tăng 160,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Cơ cấu nguồn cung 9 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc tập trung nhập khẩu cà phê từ các nước sản xuất hàng đầu thế giới như: Brazil, Việt Nam, Columbia … Brazil là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Hàn Quốc, lượng nhập khẩu đạt 33.770 tấn, trị giá 164 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng 19,8% về lượng và tăng 119,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Thị phần cà phê của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc tăng từ 20,54% trong 9 tháng đầu năm 2021 lên 22,18% trong 9 tháng đầu năm 2022. 

9 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc từ Việt Nam đạt 25.550 tấn, trị giá 59,37 triệu USD, giảm 8,6% về lượng, nhưng tăng 30,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc giảm từ 20,36% trong 9 tháng đầu năm 2021 xuống còn 16,78% trong 9 tháng đầu năm 2022. 

Như vậy có thể thấy, tại thị trường Hàn Quốc, ngành cà phê Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các nước sản xuất khác.

Những ngày giữa tháng 11/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tiếp tục giảm. Ngày 18/11/2022, giá cà phê Robusta trong nước giảm từ 700 - 800 đồng/kg so với ngày 9/11/2022; Mức giá thấp nhất 39.200 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng; mức cao nhất 39.700 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông; tại tỉnh Gia Lai là 39.600 đồng/kg.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem