dd/mm/yyyy

Một ngày với “gã người Mông” làm du lịch xanh

Sinh ra ở xã Quan Thần Sán, huyện Simacai, tỉnh Lào Cai, anh Cư Văn Thủy tự nhận mình là gã người Mông đầu tiên bỏ núi để ra đảo sinh sống và làm du lịch theo kiểu “xanh, sạch, đúng kiểu đồng bào”...

“Chúa đảo” đa năng

Anh nông dân người Mông Cư Văn Thủy - chủ nhân Đảo Xanh (xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) quay sang nhóm khách Tây, xổ luôn một tràng ngoại ngữ khiến nhóm “phượt” chúng tôi mắt tròn mắt dẹt ngạc nhiên. Anh cười hì hì, giải thích: “Tớ là người Mông nhưng có 15 năm kiếm sống khắp trời Tây. Giờ chán bay nhảy, về hòn đảo này làm du lịch theo kiểu Mông - Tây kết hợp. Mình vừa học cái văn minh của phương Tây nhưng cũng có những cái chất phác đúng kiểu người Mông, vậy khách mới nhớ, hễ lên Tây Bắc là nhớ ngay gã người Mông giữa dòng Đà giang này”.

Anh Cư Văn Thủy và những con lợn thả rông trên đảo. Ảnh: G.T

Suốt thời thanh niên ở trời Tây, về nước có nhà ở Hà Nội, như một cơ duyên, Cư Văn Thủy cưới một cô vợ gốc nhà nông và chọn hòn đảo giữa lòng sông Đà tại xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, để sống đúng kiểu nông dân và làm du lịch. Anh đã hòn đảo rộng 16ha là đảo Xanh - như một cam kết không hóa chất, không khói thuốc và không túi nilong trên đảo để bảo vệ môi trường.

Bên mâm cơm đãi khách giữa lòng hồ sông Đà - nơi được mệnh danh là “Hạ Long trên cao” với cá sông Đà, lợn cắp nách và gà thả rông trên đảo, anh Cư Văn Thủy kể chuyện ra đảo sống như một duyên nợ trời định: "Tôi sinh ra ở Quan Thần Sán, huyện Simacai, Lào Cai. Năm 1978, khi cha tôi xuống Hà Nội làm việc, anh em chúng tôi đi theo ông. Học hết phổ thông, tôi sang học tập ở Tiệp Khắc rồi sống bằng đủ nghề suốt 15 năm, ở nhiều nước khác nhau.

Nhớ quê, tôi trở về nhưng không ở Hà Nội chật chội mà cứ khao khát nhớ rừng. Tôi gom vốn về Lào Cai sinh sống, mở công ty xây dựng và quay về Simacai.

Tôi mải miết đi đấu thầu, thi công nhiều công trình, mãi miết kiếm tiền. Tiết kiệm được ít tiền nên tôi nhận 16ha đảo để trồng cây keo lai. Năm 2010, tôi và vợ đi thăm rừng keo, thấy cảnh Đà giang Thung Nai đúng là “Hạ Long trên cao” nên tôi dốc toàn bộ vốn liếng để xây dựng đảo thành một địa điểm du lịch, kết hợp với chăm sóc bảo vệ rừng. Đến nay, tôi đã đầu tư khoảng 10 tỷ đồng để thực hiện ước mơ”.

“Tôi là người Mông!”

Là dân chuyên đi thầu công trình, cầm tiền to. Giờ dốc tiền vào đảo rồi thu tiền lẻ, nhiều người bảo tôi điên. Nhưng vì tôi thích như thế. Thích là làm thôi. Người Mông mà”.

Anh Cư Văn Thủy

Là dân tay ngang, anh Cư Văn Thủy cứ lao vào làm. “Là dân chuyên đi thầu công trình, cầm tiền to. Giờ dốc tiền vào đảo rồi thu tiền lẻ, nhiều người bảo tôi điên. Nhưng vì tôi thích như thế. Thích là làm thôi. Người Mông mà” - anh Thủy nói.

Để phục vụ khách, anh Thủy cho dựng một ngôi nhà sàn lớn ở vị trí trung tâm của đảo, bên dưới nhà sàn là nhà ăn uống, quầy bar, phía trên dành cho khách sinh hoạt, vui chơi tập thể. Với những nhóm khách lẻ, cần sự riêng tư thì đã có sẵn các căn nhà gỗ be bé ẩn hiện trong rừng keo, nhìn ra mặt hồ nước trong xanh mát.

Anh Thủy chia sẻ: “Món ăn trên đảo này đơn giản theo kiểu có chi dùng nấy. Trên đảo chỉ có 3 món chủ đạo là gà, cá và lợn. Nếu khách yêu cầu thì có thêm món tôm sông nướng lá chanh. Gà và lợn thì chúng tôi thả rông ngay trên đảo. Khách đã đến đây đều đặt trước, chúng tôi phải canh tối gà ngủ, lợn ngủ mới bắt sẵn, chỉ đợi khách tới là đưa lên cân rồi thịt”.

Theo “chuẩn” do anh Thủy đặt ra, món cá trên đảo đảm bảo 100% là cá sông Đà. Nguyên liệu đầu vào sạch, quy trình chết biến cũng phải sạch. Trên đảo Xanh, không gian bếp cũng là nơi để khách tham quan, khách nào thích thì cùng tham gia nấu nướng. Tại khu vực ăn uống, khi khách đứng dậy là nhân viên thu dọn ngay mọi thứ, kể cả mẩu thuốc lá cũng được nhân viên nhặt cho vào thùng rác cẩn thận.

Nhấp chén rượu ngô thơm lừng, “gã người Mông” nói với khách như một lời cam kết: “Thung Nai không phải một mình tôi làm du lịch. Ở đây, có mấy hòn đảo du lịch còn làm trước tôi nữa. Tất cả chúng tôi đều đồng lòng làm du lịch thân thiện với môi trường để khách đến với Đà giang luôn được thưởng thức vẻ đẹp hùng vĩ của sông núi".

Gia Tưởng - Hữu Danh