Một nông dân Bắc Ninh mạnh tay chi tiền tỷ xây chuồng lạnh nuôi gà

Khương Lực Thứ bảy, ngày 05/11/2022 18:45 PM (GMT+7)
Được vinh danh là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 với mô hình nuôi gà đẻ trứng, ấp nở thành con giống có tỷ lệ đẻ trứng cao, ông Trần Văn Tường ở phường Trang Hạ, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã mua 3ha đất để đầu tư xây chuồng lạnh nuôi gà, chấm dứt những ngày vất vả đi nhiều nơi thuê trại nuôi gà.
Bình luận 0

Người thuê trại nuôi gà được vinh danh là Nông dân Việt Nam xuất sắc

Ông Trần Văn Tường ở khu phố Bính Hạ, phường Trang Hạ, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là một người đam mê chăn nuôi. Do ở nơi phố thị "đất chật, người đông", không có nhiều đất để phát triển chăn nuôi nên khi quyết định nuôi gà vào năm 1994 ông đã phải đi nhiều nơi thuê trại nuôi gà.

Một nông dân ở Bắc Ninh mạnh tay chi tiền tỷ xây chuồng lạnh để nuôi gà - Ảnh 1.

Với tổng đàn 3 vạn gà bố mẹ, cứ 4 ngày ông Trần Văn Tường ở khu phố Bính Hạ, phường Trang Hạ, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh lại cho khoảng 100.000 trứng vào lò ấp nở với tỷ lệ ấp nở thành công là 80%, Ảnh: Khương Lực.

Một nông dân ở Bắc Ninh mạnh tay chi tiền tỷ xây chuồng lạnh để nuôi gà - Ảnh 2.

Khi gà nở ra 1 ngày tuổi, toàn bộ gà giống được tiêm vaccine Marerk để đảm bảo nông dân mua giống về chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Ảnh: Khương Lực.

Qua gần 30 năm gắn bó với nghề nuôi gà, ông đã trải qua nhiều thăng trầm, đặc biệt là những lần chịu tổn thất lớn do dịch bệnh, giá cả thị trường hay rủi ro mà ông chưa bao giờ ngờ tới là một trận mưa rào có thể làm đàn gà ông nuôi bị hoảng loạn, đổ dồn vào nhau ngạt thở mà chết, khiến ông thua lỗ 200 triệu đồng vào thời điểm những năm 1996-1997.

Lần đó, ông mượn được một nhà kho sản xuất thức ăn chăn nuôi ở xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) và thả nuôi 1 vạn gà trắng siêu thịt. Thời điểm ông nuôi đúng lúc Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam vừa ra lô cám đầu tiên nên khách hàng mua 100 bao thì được công ty cho 5 bao. Đàn gà trắng siêu thịt  ăn cám công nghiệp, lớn nhanh như thổi.

Thế nhưng, khi đàn gà sắp đến ngày xuất chuồng thì đã xảy ra một trận mưa rào. Do khu nhà kho rộng 12.000mvới chiều cao khoảng 7m, mái lợp bằng tôn nên trận mưa rào khoảng 1 giờ đã khiến đàn gà hoảng loạn đổ dồn vào thành từng đống. "Ai nghĩ mưa to, gà dồn vào thành đống như thế" - ông nói và cho biết khi phát hiện ông bới đàn gà ra thì đã có đến 1/4 đàn bị chết. Thế rồi, đàn gà lại bị bệnh Newcastle khiến ông trở tay không kịp.

Thua lỗ nhưng ông không nản,  vào những năm 1998-1999, ông thuê được một trại chăn nuôi của quân đội ở Long Biên (thành phố Hà Nội). Khi đó, ông tiếp tục nuôi 1 vạn gà trắng siêu thịt. 

Thế nhưng, đến thời điểm xuất chuồng thì gà bị ế, không bán được. "Gà trắng siêu thịt nuôi 45-55 ngày phải bán, nhưng tôi nuôi kéo dài 90-100 ngày, gà ăn tốn thức ăn mà không lớn. Năm 1998, tôi nuôi 10.000 gà trắng lỗ gần 200 triệu đồng" - ông Tường nói và cho biết chăn nuôi gà thịt có rất nhiều rủi ro.

Do chăn nuôi gà trắng siêu thịt không thuận lợi nên ông Tường có ý định chuyển sang nuôi gà bố mẹ lấy trứng ấp nở làm con giống. Năm 2000, ông thuê trại Quang Trung của Trường Đại học Nông nghiệp I để làm các giống gà ta, gà lai chọi, lai Hồ, gà Mía...

Việc chuyển hướng chăn nuôi gà giống của ông chưa được bao lâu thì đại dịch cúm gia cầm năm 2004 xảy ra. Toàn bộ đàn già giống hơn 7.000 con bị tiêu hủy sạch sẽ. "Cả một quá trình cũng lên bờ, xuống ruộng nhiều trận. Trận cúm gia cầm năm 2004, tôi trắng tay hết, không còn gì" - ông Tường buồn bã nói.

Sau đó, tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ 67 triệu đồng với lô gà bị tiêu hủy. Với số tiến này, ông Tường quyết tâm gây dựng, làm lại từ đầu. Lần này, ông tập trung nuôi gà bố mẹ Ai Cập, lai tạo với các giống gà nhập từ Mỹ, Pháp để tạo ra các giống gà siêu đẻ mới, cung cấp cho người chăn nuôi.

Năm 2010, UBND phường Trang Hạ tạo kiều kiện cho gia đình ông thuê 2.000mđất ở khu vực bờ kênh, xa khu dân cư để làm chuồng trại chăn nuôi khoảng 1,5 vạn gà bố mẹ. Cùng với hơn 1.000mđất gần nhà, ông đầu tư khu chuồng nuôi gà bố mẹ lấy trứng ấp nở gà giống. Ngoài ra, ông còn thuê một chuồng trại ở huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội để nuôi gà bố mẹ hậu bị.

Mạnh tay chi tiền tỷ làm chuồng lạnh nuôi gà

Với ý định mở rộng quy mô nuôi gà tập trung theo hướng công nghiệp hiện đại, năm 2021, ông đã mua lại 3ha đất ở thôn Thanh Lâm, xã An Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh và đầu tư xây dựng hệ thống chuồng lạnh tiền tỷ để nuôi gà. Theo kế hoạch, ông sẽ xây dựng 4 khu chuồng lạnh, mỗi chuồng có giá trị đầu tư khoảng 2 tỷ đồng và hiện đã có 2 khu chuồng lạnh hoàn thành và đang thả nuôi khoảng 2 vạn gà bố mẹ.

Dù còn nhiều hạng mục chưa hoàn thành nhưng ông đã đầu tư khoảng 20 tỷ đồng tiền mua đất, xây dựng chuồng lạnh, xây dựng tường bao, hệ thống điện và máy phát điện dự phòng...

Một nông dân ở Bắc Ninh mạnh tay chi tiền tỷ xây chuồng lạnh để nuôi gà - Ảnh 1.

Với 1 khu chuồng lạnh, ông Trần Văn Tường ở khu phố Bính Hạ, phường Trang Hạ, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh thả nuôi 1 vạn gà bố mẹ. Ảnh: Khương Lực.

Một nông dân ở Bắc Ninh mạnh tay chi tiền tỷ xây chuồng lạnh để nuôi gà - Ảnh 5.

Khu chuồng lạnh được đầu tư máy cho ăn tự động và uống nước tự động nên đã giảm tới 50% nhân công.Ảnh: Khương Lực.

Một nông dân ở Bắc Ninh mạnh tay chi tiền tỷ xây chuồng lạnh để nuôi gà - Ảnh 6.

Thả gà bố mẹ vào khu chuồng lạnh - nơi nhiệt độ được duy trì thường xuyên ở mức 28 độ C, giúp đàn gà phát triển ổn định, có tỷ lệ đẻ trứng cao, đảm bảo chất lượng khi ấp nở thành gà thương phẩm. Ảnh: Khương Lực.

Ông Trần Văn Tường cho biết, toàn bộ thiết bị chuồng nuôi ông đều nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khu chuồng lạnh, nhiệt độ luôn được duy trì ở mức 280C giúp đàn gà phát triển ổn định. Nuôi gà trong chuồng lạnh không chỉ giúp ông kiểm soát được dịch bệnh, tạo ra môi trường tốt hơn cho đàn gà mà còn tiết kiệm rất lớn về nhân công lẫn thời gian chăm sóc.

"Trang trại đã áp dụng máy cho ăn tự động và uống nước tự động nên số công nhân giảm tới 50%" - ông Tường nói và cho biết trong thời gian tới ông sẽ lắp đặt bồn cám tự động 16 tấn để cấp cám cho 4 khu chuồng lạnh nuôi 4 vạn con gà bố mẹ. Việc lắp bồn cám tự động này khi hoàn thành sẽ giúp ông tiết kiệm khoảng 20 triệu tiền vỏ bao khi mua thức ăn chăn nuôi.

Đàn gà bố mẹ nuôi trong khu chuồng lạnh được kiểm soát rất nghiêm ngặt. "Hàng năm trước khi mình làm thụ tinh thì mình phải lấy mẫu đi kiểm tra, nếu không có các mầm bệnh thì mình mới đưa vào ấp nở, con gà rất đảm bảo và đẹp" - ông Tường nói.

Hiện nay, gà giống do ông sản xuất ra được cung ứng trải rộng khắp cả nước. Với tổng đàn 3 vạn gà bố mẹ, cứ 4 ngày ông lại cho khoảng 100.000 trứng vào lò ấp nở, tỷ lệ ấp nở thành công là 80%. Khi gà nở ra 1 ngày tuổi, toàn bộ gà giống được tiêm vaccine Marerk để đảm bảo nông dân mua giống về chăn nuôi đạt hiệu quả cao. 

"Khu trang trại chăn nuôi và ấp nở trứng đã tạo công ăn việc làm cho 15-17 lao động địa phương với mức thu nhập từ 7-8 triệu đồng, riêng 3 lao động chọn gà giống đực, mái tôi chi trả mỗi tháng khoảng 150 triệu đồng" - ông Tường thông tin và cho biết nếu chăn nuôi gà "thuận buồm, xuôi gió" như năm nay, ông có thể gỡ lại số tiền thua lỗ 4-5 tỷ đồng do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và lãi ra được vài ba tỷ đồng.

Nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, ngày 7/7/2022, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 07/2022 quy định về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, Chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các tổ chức, cá nhân xây dựng dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ 50% chi phí đổi mới trang thiết bị, dụng cụ tiên tiến, nghiên cứu cải tiến, tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa là 3 tỷ đồng/dự án.



 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem