Một số điểm cần được chỉnh sửa trong Thông tư 01

Thứ ba, ngày 05/06/2012 11:01 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Hoàng Xuân Trinh - Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế, Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT) chia sẻ quan điểm của cơ quan quản lý trong việc thực hiện Thông tư 01 sau khi có một số ý kiến phản hồi từ người trồng rừng.
Bình luận 0

Ông Hoàng Xuân Trinh cho biết: Ngay sau khi Bộ NNPTNT ban hành Thông tư 01/2012 “Quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản”, Cục Kiểm lâm đã tổ chức hội nghị triển khai, tập huấn và chỉ đạo các chi cục kiểm lâm trên toàn quốc triển khai đồng bộ và đồng loạt.

img
Phản ánh của một số doanh nghiệp về vướng mắc khi thực hiện thông tư 01 đã được Cục Kiểm lâm ghi nhận.

Bộ NNPTNT kỳ vọng thông tư này sẽ mang lại những hiệu quả như thế nào trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế rừng, thưa ông?

- Ban hành Thông tư 01 là bước tiến mới quan trọng trong quản lý lâm sản, có quản lý lâm sản tốt thì mới bảo vệ rừng tốt được. Ban hành Thông tư 01 thay thế Quyết định 59/2005 trước đây của Bộ NNPTNT là cần thiết, nhằm phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế về minh bạch nguồn gốc lâm sản xuất khẩu. Nếu không làm đúng theo yêu cầu của các nước nhập khẩu thì sẽ bị phạt tiền, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự tùy tính chất vụ việc.

Về xuất khẩu gỗ, có hai thị trường lớn của Việt Nam là Mỹ và châu Âu (EU). EU đã thông qua chương trình thực thi lâm nghiệp, quản trị rừng, yêu cầu các nước xuất khẩu lâm sản sang EU phải minh bạch về nguồn gốc lâm sản hợp pháp. Ban hành Thông tư 01 là rất cần thiết để hội nhập, tránh rủi ro cho doanh nghiệp. Hiện nay Thông tư 01 là một căn cứ pháp lý quan trọng để xây dựng định nghĩa gỗ hợp pháp, hệ thống kiểm tra chuỗi cung ứng lâm sản (FLEGT), thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ, là cơ sở đàm phán với EU và thích ứng với đạo luật Lacey của Hoa Kỳ.

Quan điểm về xây dựng Thông tư 01 là phải phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam và với công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với chủ trương quản lý hàng hóa lâm sản gắn liền với quản lý rừng bền vững của Việt Nam. Làm sao để sản phẩm hàng hóa rừng trồng của bà con làm ra có giá trị cao khi xuất khẩu; tiếp tục chuyển cải cách hành chính, chuyển công tác kiểm soát trực tiếp của Nhà nước sang xã hội hoá và chủ lâm sản; các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về hàng hóa lâm sản trước pháp luật...

Theo Thông tư 01, hồ sơ lâm sản do doanh nghiệp có lâm sản xuất ra gồm: hóa đơn, bản kê lâm sản; đối với cá nhân là bảng kê lâm sản. Kiểm lâm không làm thay.

Trước khi ban hành văn bản này, các địa phương, doanh nghiệp có được mời đóng góp ý kiến không?

- Quá trình xây dựng Thông tư 01 trải qua 42 lần dự thảo, tổ chức 4-5 cuộc hội thảo, hội nghị, gửi lấy ý kiến các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp. Họ tham gia, đồng tình rất cao, quy trình xây dựng đúng, công phu kỹ lưỡng. Nói là thông tư quản lý hồ sơ lâm sản, kiểm tra lâm sản nhưng thực chất đây là một chính sách lớn của Nhà nước đối với ngành lâm sản. Ban hành Thông tư 01 là rất có lợi cho doanh nghiệp làm ăn chính đáng, bởi hàng hóa họ sản xuất ra được ghi nhận, còn loại lâm sản bất hợp pháp không được ghi nhận.

Nhưng khi bước vào thực thi một số nội dung thông tư này, một số người dân và doanh nghiệp ở các địa phương phản ánh là gây phiền hà, tốn kém cho họ. Ông nghĩ sao?

- Vừa qua có một số doanh nghiệp có ý kiến phản hồi, đây là điều đương nhiên không tránh khỏi khi ban hành một chính sách. Tôi thấy rằng trong chính sách quản lý Nhà nước khi chúng ta đã bịt được các lỗ hổng trước đây, lỗ hổng quay vòng hồ sơ, làm thất thu thuế của Nhà nước, gây nên tình trạng lộn xộn trong quản lý bảo vệ rừng.

Ba tháng sau khi Thông tư 01 có hiệu lực, chúng tôi chỉ nhận được 7 ý kiến của các doanh nghiệp đề xuất “chỗ này chỗ kia”. Một số doanh nghiệp đề xuất không chính đáng, thiếu cơ sở. Ví dụ các doanh nghiệp kêu ca việc lập hồ sơ cho từng chuyến hàng, xe hàng là rườm rà nhiều thủ tục. Tôi đến kiểm tra một hạt kiểm lâm, thì ngày cao điểm nhất cũng chỉ có xác nhận hai chuyến vận chuyển, anh em ở hạt kiểm lâm cho biết mỗi lần xác nhận chỉ hết 3 phút vì hồ sơ quá đơn giản, 01 tờ hoá đơn và 01 tờ bảng kê.

Tôi cho rằng bước đầu người ta chưa làm quen với quản lý mới của Nhà nước nên cảm thấy khó chịu.

img
Ông Hoàng Xuân Trinh - Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế, Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT)

 Nói như vậy, theo ông, chưa có vấn đề gì phải điều chỉnh trong việc thực hiện thông tư này?

- Tôi thấy sau 3 tháng thực hiện, Thông tư 01 được các địa phương, doanh nghiệp đánh giá rất tốt, có hiệu quả, hiện nay dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, về triển khai của cơ sở chúng tôi thấy một số hạt kiểm lâm triển khai chưa đúng với tinh thần của Thông tư. Ví dụ trước khi xác nhận một chuyến xe khai thác gỗ rừng trồng thì họ yêu cầu phải vào tận rừng để kiểm tra hiện trường lập biên bản, lập bản kê thay cho chủ lâm sản. Điều này là chưa đúng tinh thần Thông tư 01.

Thông tư quy định, trường hợp không có nghi vấn gì thì phải xác nhận ngay Anh chỉ có kiểm tra xác minh trong trường hợp có dấu hiệu, có nghi vấn nghi phạm, còn những trường hợp bình thường mà cử người chạy vào hiện trường khai thác kiểm tra thì lấy đâu ra người làm, và làm gì có thời gian để thực hiện việc đó.

Ở đây tôi muốn nói kiểm lâm địa bàn cũng như hạt kiểm lâm sở tại phải thường xuyên hoạt động, để khi có một doanh nghiệp đến trình để xác nhận lâm sản, phải biết được họ lấy gỗ ở đâu, chứ không phải kiểm lâm chạy vào rừng lập bản kê thay cho doanh nghiệp.

"Dự kiến, trung tuần tháng 6 tới đây, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức hội nghị về sơ kết thực hiện Thông tư 01, để xem có vấn đề gì cần chỉnh sửa thì sẽ sửa đổi."

Những bất cập này sẽ được khắc phục như thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi vừa chấn chỉnh việc này rồi. Ngày 21.5 Cục Kiểm lâm đã ban hành công văn số 246 để chấn chỉnh những việc làm chưa đúng với tinh thần của Thông tư. Chúng tôi sẽ đi kiểm tra tiếp để địa phương thực hiện nghiêm túc. Cục Kiểm lâm đang chỉ đạo các chi cục kiểm lâm địa phương phải tổ chức sơ kết về thực hiện Thông tư 01. Dự kiến trung tuần tháng 6 tới đây, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức hội nghị về sơ kết thực hiện Thông tư 01, để xem có vấn đề gì cần chỉnh sửa thì sẽ sửa đổi.

Hiện nay chúng tôi cũng thấy cần chỉnh sửa một số điểm trong Thông tư 01, ví dụ như việc xuất hóa đơn tài chính, trong kinh doanh có những lô hàng doanh nghiệp không bán ngay tại kho của doanh nghiệp mà người ta di chuyển đến bến cảng nào đó rồi mới xuất hóa đơn. Chúng tôi sẽ chỉnh sửa cho phù hợp. Thứ 2 là hóa đơn cho từng chuyến xe, từng lô hàng cũng phải tính như thế nào cho phù hợp. Thứ 3 là vấn đề xác định khối lượng gỗ rừng trồng, chúng tôi sẽ để cho doanh nghiệp tự lựa chọn đơn vị tính.

Cục Kiểm lâm được giao trách nhiệm vừa xây dựng vừa kiểm tra thực hiện thông tư này; vừa chỉ đạo, mặt khác vừa lắng nghe và cũng xem lại cái mình đã tham mưu ban hành có gì cần chỉnh sửa để thông tư trở nên thiết thực và chặt chẽ hơn.

Một số doanh nghiệp kiến nghị không nên bắt buộc xuất hóa đơn tài chính khi họ vận chuyển từ kho bãi này sang kho bãi trung gian khác trước khi bán hàng chính thức. Ông thấy có nên chỉnh sửa theo đề nghị trên?

- Tôi nói có thể sửa, nhưng không sửa thì trong Thông tư 01 cũng đã có rồi, giờ chỉ làm rõ hơn thôi. Đã có quy định vận chuyển nội bộ rồi, những trường hợp mà tôi đề cập ở trên theo quy định Bộ Tài chính là vận chuyển nội bộ thì có một phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, một lệnh điều động nội bộ và bảng kê lâm sản, vận chuyển nội tỉnh thì không cần phải xuất hóa đơn tài chính.

Nếu nhân viên kiểm lâm không nắm được điều này, hoặc cố ý gây khó dễ cho doanh nghiệp thì sẽ phải giải quyết ra sao?

- Tôi thấy rằng tiêu chuẩn kiểm lâm viên hiện nay rất là cao, nếu anh em không hiểu được vấn đề đấy thì trách nhiệm thuộc về triển khai tuyên truyền, tập huấn của địa phương; hoặc trách nhiệm của từng cá nhân công chức kiểm lâm nghiên cứu tài liệu này đang hạn chế.

Chúng tôi cũng rất mong người dân, doanh nghiệp thực thi đúng quy định, nếu phát hiện thấy trường hợp cán bộ kiểm lâm cố ý làm sai quy định chúng tôi sẽ xử lý nghiêm túc.

Khi vào vụ khai thác rừng, doanh nghiệp, người dân tập trung khai thác, tiêu thụ lâm sản cả vào ban đêm, ngày thứ Bảy, Chủ nhật, kiểm lâm sẽ chứng nhận như thế nào?

- Bây giờ kiểm lâm đang cố gắng hết sức tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để không ách tắc trong lưu thông lâm sản. Tuy nhiên làm gì cũng phải có luật, theo luật, có kế hoạch rõ ràng. Luật lao động quy định thứ Bảy, Chủ nhật không làm việc Nhà nước thì doanh nghiệp cũng phải tuân thủ thôi. Còn việc làm đêm, thứ Bảy, Chủ nhật, nếu những địa bàn trọng điểm về khai thác lâm sản thì chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu giải quyết, tránh tình trạng ách tắc hàng lâm sản, gây khó khăn cho việc vận chuyển tiêu thụ lâm sản.

Một số doanh nghiệp có ý kiến rằng, nếu truy xuất nguồn gốc theo từng chuyến, có thể phù hợp với rừng tự nhiên hay do Nhà nước đầu tư, còn rừng trồng, rừng kinh tế do doanh nghiệp hay tư nhân đầu tư thì việc kiểm soát chặt như thế không phù hợp với Quyết định 186/2006 của Thủ tướng, ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

- Việc lập hồ sơ lâm sản cho từng chuyến xe là điều đương nhiên, để tránh lợi dụng quay vòng hồ sơ lâm sản như đã xảy ra, hồ sơ chỉ có một hóa đơn và một bản kê lâm sản. Ngoài ra, có những cái bắt buộc chủ doanh nghiệp phải làm đó là có sổ theo dõi tại cơ sở chế biến để cập nhật lượng hàng vào ra, lúc đó mới có cơ sở xác nhận.

Bây giờ nếu không lập hồ sơ xác nhận nguồn gốc lâm sản sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Nếu anh không có xác nhận đây là gỗ rừng trồng thì khi lưu thông trên thị trường, không thể biết sản phẩm này là rừng trồng của ai, trồng ở đâu. Nếu không lập hồ sơ thì không thể quản lý được, việc quản lý chặt không chỉ tốt đối với rừng tự nhiên mà đối với rừng trồng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Nhiều nước khác trong khu vực họ còn làm chặt chẽ hơn Việt Nam nhiều trong vấn đề truy xuất nguồn gốc lâm sản.

Hiện nay số lượng xuất khẩu gỗ sang Mỹ và EU của Việt Nam như thế nào?

- Hiện nay sản phẩm xuất khẩu đi ra nước ngoài chủ yếu gỗ rừng trồng, còn gỗ tự nhiên chúng ta khai thác rất hạn chế chỉ 200.000 m3/năm thôi, chủ yếu để sử dụng trong nước. Sản phẩm sau chế biến từ gỗ rừng trồng không cần phải xác nhận hồ sơ lâm sản, vì đã xác nhận từ nguyên liệu, từ lưu thông vận chuyển rồi thì không cần xác nhận khi thành sản phẩm nữa.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem