Một thị trường "khó tính" đột nhiên mua rất nhiều loại hạt của Việt Nam

K.Nguyên Thứ ba, ngày 04/01/2022 18:31 PM (GMT+7)
Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam sang thị trường EU trong 11 tháng năm 2021 đạt khoảng 2,2 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2020. EVFTA đã góp phần mang lại thành công này.
Bình luận 0

EU mua nhiều nhất cà phê của Việt Nam

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, những ưu đãi về thuế quan giúp xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU tăng vọt.

Đơn cử như với mặt hàng cà phê, với cam kết xóa bỏ thuế quan theo EVFTA, cà phê xuất khẩu sang EU sẽ có 93% dòng thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. 

Đây là cơ hội tốt cho cà phê Việt Nam khi EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất trên thế giới, với kim ngạch nhập khẩu từ các nước ngoại khối khoảng 10 tỷ USD/năm, chiếm 66% lượng nhập khẩu và khoảng 30% lượng tiêu thụ toàn cầu. 

Kết quả cũng đã thấy rõ, với trị giá xuất khẩu đạt 939 triệu USD trong 11 tháng 2021, EU đang là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 34,8% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. 

Một thị trường "khó tính" đột nhiên mua rất nhiều loại hạt của Việt Nam - Ảnh 1.

EU mua nhiều nhất cà phê của Việt Nam. Trong ảnh: Nông dân xã Nam Yang, Đăk Đoa, Gia Lai phơi sấy cà phê. Ảnh: K.N

Đối với mặt hàng điều, trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các mặt hàng như điều nhân vẫn hưởng ưu đãi là 0% khi xuất sang EU, nhưng điều chế biến sâu vẫn chịu thuế từ 7 - 12%. 

Theo cam kết Hiệp định EVFTA, những sản phẩm chế biến sâu từ hạt điều được giảm thuế xuống còn 0%. Vì vậy, dù chịu nhiều tác động từ dịch bệnh nhưng sản lượng và giá trị xuất khẩu điều sang EU không những không sụt giảm mà còn tăng. 

Cụ thể, xuất khẩu hạt điều sang EU trong 11 tháng 2021 đạt 122.000 tấn, tương đương 734 triệu USD, tăng 15,2% về lượng và tăng 6,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

EU hiện là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ), chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 11 tháng năm 2021. 

Ưu đãi từ Hiệp định đang được tận dụng hiệu quả khi kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu sang EU trong 11 tháng 2021 đạt khoảng 40.000 tấn, tương đương 165 triệu USD, tăng 7,4% về lượng và tăng mạnh 63,9% và trị giá xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020.

Rau quả, gạo cũng hưởng lợi lớn nhờ EVFTA ở thị trường EU

Ngoài cà phê, hạt điều, mặt hàng rau quả, gạo cũng được hưởng lợi lớn nhờ EVFTA.

Theo đó, với EVFTA, EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam trong EVFTA, 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả (trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa,…) được xoá bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. 

Mức cam kết này của EU được đánh giá là sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam. 

Theo đó, trong 11 tháng 2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang EU đạt 173 triệu USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trước khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường EU bị áp thuế 45%, thậm chí có một số nước trong khối EU áp mức thuế nhập khẩu với gạo Việt Nam lên tới 100% hoặc cao hơn. 

Khi EVFTA có hiệu lực, EU dành cho Việt Nam ưu đãi thuế suất 0% với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). 

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, ưu đãi từ Hiệp định đang được tận dụng hiệu quả khi xuất khẩu gạo sang EU trong 11 tháng 2021 đạt khoảng 54.000 tấn, tương đương 38 triệu USD, tăng 0,8% về lượng nhưng tăng tới 21,6% về trị giá xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020.

"Doanh nghiệp đang bắt kịp xu hướng sản xuất các loại giống chất lượng cao hướng tới thị trường cao cấp. Hiệp định EVFTA đang tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho gạo Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh lớn vẫn chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc tại thị trường tiềm năng này" - Cục Xuất nhập khẩu nhận định. 

Đối với mặt hàng rau quả, theo Cục Xuất nhập khẩu, dù lượng rau, quả tiêu thụ có xu hướng ngày một tăng tại EU do thói quen ăn uống để bảo vệ, tăng cường sức khỏe nhưng thị trường EU đòi hỏi rất khắt khe về các truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm. 

"Các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm… để từ đó gia tăng chất lượng hàng hóa, chinh phục thị trường “khó tính” này" - Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem