Học viện Nông nghiệp Việt Nam dành chương trình học bổng đặc biệt cho học sinh các tỉnh miền núi phía Bắc

K.Nguyên Thứ sáu, ngày 21/04/2023 14:17 PM (GMT+7)
Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ có chương trình học bổng đặc biệt dành cho học sinh các tỉnh miền núi phía Bắc nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực này.
Bình luận 0

Đánh thức tiềm năng các tỉnh vùng Đông Bắc

Tại Hội nghị: "Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn", chủ đề 5: Nghiên cứu, chuyển giao, dịch vụ xã hội – đào tạo nguồn nhân lực và khởi nghiệp nông nghiệp tổ chức tại Hà Giang ngày 20/4, bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái) cho biết, với trên 80% dân số sống ở nông thôn, nông nghiệp là lĩnh vực có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Hiện, tỉnh Yên Bái có 81.000 ha quế, trên 9.000 ha táo mèo (sơn tra), có sản phẩm chè San tuyết Suối Giàng nổi tiếng và 191 sản phẩm OCOP.

Với tiềm năng, thế mạnh như vậy, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của tỉnh. 

"Tỉnh đã ban hành nhiều đề án, chính sách về nông nghiệp và đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh Yên Bái đạt trên 66%, trong nông nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 55%", bà Hạnh thông tin.

Từ thực tế phát triển ở địa phương, bà Hạnh đề xuất các ngành chức năng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam liên kết, đồng hành với Yên Bái trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong quản lý kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp; đối với bà con nông dân, quan tâm đến công tác đào tạo nghề, quy chuẩn trong phát triển chuỗi; kiến thức, kỹ năng kinh doanh sản phẩm nông nghiệp...

Học viện Nông nghiệp Việt Nam dành chương trình học bổng đặc biệt cho học sinh các tỉnh miền núi phía Bắc - Ảnh 1.

Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng đại diện các sở, ngành của 5 tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Yên Bái ký cam kết đồng hành trong đào tạo nguồn nhân lực. Ảnh: P.V

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang có nhiều tiềm năng đế phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ với những sản phẩm đặc hữu như cam (8.300 ha), bưởi (5.000 ha), chè (8.000 ha), rừng nguyên liệu giấy,...

"Trước nhu cầu nâng cao nguồn nhân lực ngành nông nghiệp, tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021 – 2025, hướng đến năm 2030 với nhiều chính sách thu hút nhân tài, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực được ban hành. Đến hết năm 2022, đội ngũ công chức, viên chức theo dõi ngành nông nghiệp là 610 người, trên 90% có trình độ đại học, thạc sỹ. Hiện, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như mô hình dưa lưới và dưa chuột bao tử tưới nhỏ giọt  ở Sơn Dương, Hợp tác xã trà sản xuất theo quy trình cấp đông, đậu đen xanh lòng ở Chiêm Hóa,...", ông Giang nói. 

Tuy nhiên, theo ông Giang, nhìn chung lao động nông nghiệp của tỉnh trình độ còn hạn chế, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp thông minh; chưa có sự gắn kết với các trường, viện; hoạt động khởi nghiệp chưa có tính bền vững cao do cạnh tranh trên nền tảng số...

"Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh Tuyên Quang đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức các khóa đào tạo mô hình khởi nghiệp bền vững. Đề xuất nhiều cơ chế phối hợp liên kết sau đại học, tăng cường phối hợp chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ", ông Giang nói.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cũng "đặt hàng" Học viện Nông nghiệp Việt Nam  các nhóm nội dung: Đào tạo nguồn nhân lực; chương trình phối hợp cùng địa phương xây dựng quỹ bảo tồn nguồn gen bản địa; kinh tế dưới tán rừng; liên kết với các địa phương phát triển sản phẩm đặc sản...

Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cũng đề xuất Học viện Nông nghiệp Việt Nam có hướng liên kết nghiên cứu nâng tầm giá trị sản phẩm chè Shan tuyết, bò vàng, mật ong bạc hà.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam dành chương trình học bổng đặc biệt cho học sinh các tỉnh miền núi phía Bắc - Ảnh 2.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Học viện sẽ có chương trình học bổng đặc biệt cho học sinh các tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh: P.V

Ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang nhấn mạnh, nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao là lực lượng nòng cốt, quyết định đến năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao là giải pháp then chốt, mang tính quyết định đến sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo ra những đột phá trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao đời sống cho nhân dân.

Ông Đặng Quốc Khánh đề nghị các ngành chức năng tỉnh Hà Giang phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa theo chuỗi giá trị đảm bảo phát triển bền vững; nâng cao chất lượng, quy mô và giá trị đối với các chuỗi sản phẩm đã có, phát triển các sản phẩm tiềm năng thành hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị gắn với du lịch, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa,...

Sẽ có chương trình học bổng đặc biệt cho học sinh các tỉnh miền núi phía Bắc

Đó là cam kết của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trước "đặt hàng" của các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái tại Hội nghị: "Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn".

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, mục tiêu của chương trình học bổng đặc biệt này nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền núi phía Bắc, phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực trọng yếu của đất nước; tạo cơ hội học tập, nghiên cứu cho sinh viên khá giỏi ở các tỉnh miền núi phía Bắc thông qua các chương trình nghiên cứu khoa học, chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình liên kết với nước ngoài, thực tập sinh và chương trình đào tạo sau đại học (thạc sỹ, tiến sỹ).

Tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam với các địa phương, nhất là các tỉnh trung du, miền núi. Đối tượng nhận học bổng là sinh viên đại học hệ chính quy năm thứ nhất nhập học vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Chương trình dự kiến gồm 04 loại học bổng: Học bổng toàn phần bao gồm miễn 100% học phí theo chương trình đào tạo, miễn lệ phí ở ký túc xá (KTX) và hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng.

Học bổng bán phần sẽ miễn 50% học phí theo chương trình đào tạo và miễn lệ phí ở ký túc xá.

Học bổng khởi nghiệp là học bổng có giá trị bằng 100% học phí các khóa học/lớp đào tạo kỹ năng khởi nghiệp do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức (học bổng này không có giá trị quy đổi thành tiền mặt để thay thế). Số lớp đào tạo được tham gia: tối đa 05 lớp/khóa.

Học bổng phát triển kỹ năng mềm là học bổng có giá trị bằng 100% học phí các khóa học/lớp/học phần đào tạo kỹ năng mềm do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hoặc trong chương trình đào tạo của ngành đang học (học bổng này không có giá trị quy đổi thành tiền mặt để thay thế). 

Học viện Nông nghiệp Việt Nam dành chương trình học bổng đặc biệt cho học sinh các tỉnh miền núi phía Bắc - Ảnh 3.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam có dự án nhân nhanh giống bò vàng Hà Giang. Trong ảnh: Phiên chợ bò ở huyện Mèo Vạc, Hà Giang. Ảnh: L.Đ

Cũng theo Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Học viện mong muốn được đồng hành cùng các địa phương, bà con nông dân, các thành phần kinh tế vùng Đông Bắc thúc đẩy một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và hiệu quả, một vùng nông thôn giàu đẹp mang bản sắc văn hóa đặc trưng vùng miền núi xanh, đẹp của Việt Nam. 

Trong đó sẽ ưu tiên nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất theo hướng hiện đại, tập trung, cũng như làm tiền đề cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế các ngành. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dựng khoa học và công nghệ trong tất cả các khâu của chu trình sản xuất, nhằm tạo ra chuỗi giá trị nông sản có giá trị cao nhất mà vẫn đảm bảo tính bền vững trong phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem