Một "Xứ sở voi" độc nhất vô nhị ở Đắk Lắk, không chỉ có voi mà còn la liệt, thập cẩm đồ Tây Nguyên

Hoài Thương Thứ sáu, ngày 18/11/2022 13:03 PM (GMT+7)
Là một trong những nhà sưu tập được nhiều người biết đến ở Đắk Lắk, anh Võ Minh Luân đưa người xem đi hết bất ngờ này đến thú vị khác, khi sở hữu nhiều bộ sưu tập độc đáo. Một trong những bộ sưu tập ấy có "Xứ sở voi", với trên 2.000 hiện vật độc đáo.
Bình luận 0

Anh Võ Minh Luân cho biết, sinh ra và lớn lên ở TP. Buôn Ma Thuột. Anh chơi khá thân thiết với nhiều anh em người Ê đê nên dòng máu Tây Nguyên đã thấm sâu vào người. Năm 2013, anh Luân bắt đầu sưu tầm hiện vật Tây Nguyên như: Chóe; dụng cụ lao động truyền thống; tranh, sách viết về văn hóa Tây Nguyên… Mỗi món đồ, anh thường sưu tầm đa dạng và sắp xếp thành bộ sưu tập. Hơn 10 năm sưu tầm, anh Luân sở hữu hàng nghìn hiện vật khác nhau, trong đó phải kể đến "Xử sở voi".

Lạc vào "Xứ sở voi" độc nhất Tây Nguyên - Ảnh 1.

Anh Võ Minh Luân sở hữu nhiều bộ sưu tập độc đáo, trong đó có có "Xứ sở voi" (Ảnh: XSV)

"Xứ sở voi" được anh Luân trưng bày trong khu vườn nhỏ, nằm tại buôn Đung, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Bộ sưu tập gồm trên 2.000 tượng voi với 500 mẫu khác nhau làm từ các chất liệu khác nhau: Gốm, sứ, kim loại, gỗ… thuộc các dòng gốm Chu Đậu, Thổ Hà, Bát Tràng, Biên Hòa, Lái Thiêu, Thành Lễ, Bình Dương… Trong không gian thoáng đãng, quyện cùng đất trời, bộ sưu tập "Xứ sở voi" của anh Luân càng thêm sống động, cuốn hút.

Bước vào khu vườn, đập vào mắt người xem là bức tường tượng voi cao ngút. Anh Luân cho hay, bức tường được sắp xếp từ hơn 6.000 con voi có chất liệu bằng gốm, từ dòng gốm Biên Hòa, Lái Thiêu, được sản xuất từ thập niên 1970-1980 của thế kỷ trước.

Lạc vào "Xứ sở voi" độc nhất Tây Nguyên - Ảnh 2.

Du khách thích thú chụp ảnh với bức tường được dựng từ hàng nghìn tượng voi (Ảnh: XSV)

Ngắm những bức tượng voi được chủ nhân bày trí khoa học, chỉnh chu, anh Nguyễn Huy Trường (TP Buôn Ma Thuột)- một du khách chia sẻ, rất khâm phục tình yêu, tâm huyết, của anh Võ Minh Luân dành cho văn hóa Tây Nguyên. Xem những bộ sưu tập, trong đó có "Xứ sở voi", anh Trường hiểu hơn về phong tục, văn hóa cũng như biểu tượng của loài voi trong đời sống của người dân Tây Nguyên.

Anh Luân cũng dành tình cảm đặc biệt cho bộ sưu tập "Xứ sở voi" bởi, voi là người bạn, là biểu tượng của Tây Nguyên. Đắk Lắk sở hữu đàn voi nhà lớn nhất cả nước, song niềm tự hào đang bị đe dọa khi số lượng voi nhà giảm đến mức báo động. Là người con của vùng đất Tây Nguyên, anh Luân nhận thấy bản thân cần hành động để chung tay bảo vệ niềm tự hào dân tộc. Một trong những cách anh Luân thực hiện là, sưu tầm và lan tỏa tình yêu với loài động vật to lớn thông minh nhất hành tinh đến nhiều người bằng bộ sưu tập "Xứ sở voi".

Lạc vào "Xứ sở voi" độc nhất Tây Nguyên - Ảnh 3.

Anh Võ Minh Luân giới thiệu những hiện vật mà anh sưu tầm

Nâng niu chú voi làm bằng gốm xinh xinh, anh Luân cho hay: "Đây là chú voi được sản xuất vào khoảng thập niên 60. Trên lưng chú voi có những men xanh thuộc dòng gốm Biên Hòa. Nhìn tượng như chú voi mới tắm bùn xong, cảm giác rất sảng khoái, có hồn. Chú voi này từng thuộc sở hữu của nhà sưu tầm Phạm Hải Long ở TP Hồ Chí Minh. Khi thấy chú voi như thế này, tôi rất thích. Tôi mất gần 3 năm mới thuyết phục nhà sưu tầm để tôi mang về Buôn Ma Thuột".

Không gian trưng bày những bộ sưu tập, trong đó có "Xứ sở voi" của anh trong khu vườn nhỏ, nằm tại buôn Đung, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).

Nói rồi, anh Luân giới thiệu chiếc chóe rượu cần được sưu tầm từ Gia Lai. Anh Luân nói thêm, chiếc chóe có hình tượng con voi, bên cạnh là nài voi sờ lên tai như đang thủ thỉ điều gì. Hình ảnh này khắc họa sinh động tình cảm giữa voi và người dân Tây Nguyên. Vậy nên, khi biết anh đang sưu tập hình tượng voi, anh Cao Kiều Dũng (Gia Lai) đã tặng anh mang về Buôn Ma Thuột. Đó cũng là món vật gợi cảm hứng để anh Luân đặt tên bộ sưu tập hình tượng voi là "Xứ sở voi".

Lạc vào "Xứ sở voi" độc nhất Tây Nguyên - Ảnh 4.

Du khách "nhí" thích thú chụp ảnh lưu niệm tại "Xứ sở voi" (Ảnh: XSV)

Ngoài ra, trong bộ sưu tập tượng voi của anh Luân còn có tượng voi Tây Nguyên bằng gốm cổ, cao 90cm, dài 1m30. Trước đây, nó được đặt làm riêng cho một cơ quan tỉnh Biên Hoà cũ. Sau đó, qua cơ duyên, anh Luân đã đưa về làm phong phú thêm cho "Xứ sở voi".

Đến nay, anh Võ Minh Luân vẫn tiếp tục sưu tầm thêm nhiều hiện vật văn hóa Tây Nguyên. Anh cũng tâm huyết biến "Xứ sở voi" trở thành điểm tham quan du lịch, để lan tỏa tình yêu với voi, giúp du khách có cơ hội tìm hiểu về biểu tượng văn hóa Tây Nguyên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem