Mùa hè nóng bức sắp đến, doanh nghiệp điện nào sẽ có lợi thế?

Theo NĐT Chủ nhật, ngày 16/04/2023 20:05 PM (GMT+7)
VNDirect dự báo, khả năng cao EVN sẽ tăng giá điện khi đã giữ nguyên 4 năm nhờ khung giá bán điện mới được ban hành, giúp tháo gỡ khó khăn tài chính của tập đoàn.
Bình luận 0

Trong báo cáo ngành điện, VNDirect kỳ vọng cổ phiếu POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam và PC1 từ CTCP Tập Đoàn PC1 sẽ có triển vọng tăng trưởng trong năm 2023.

Nhóm phân tích nhận định POW – doanh nghiệp điện khí hàng đầu sẽ hưởng lợi từ triển vọng tích cực của mảng điện khí. Ngoài ra, trong bối cảnh vẫn có bất ổn trong giai đoạn phát triển tiếp theo của điện năng lượng tái tạo, các chuyên gia vẫn đặt niềm tin vào một cơ chế giá điện chính thức sẽ được ban hành trong năm nay.

Khi mọi nút thắt được giải quyết, VNDirect nhận thấy mảng xây lắp điện, bao gồm thầu EPC điện gió và xây lắp đường dây, trạm biến áp sẽ bùng nổ đầu tiên. Do đó, PC1 là sẽ là doanh nghiệp đón đầu xu hướng này.

Theo báo cáo ngành, mức tăng trưởng sản lượng điện trong năm 2023 được dự báo chỉ đạt 6% so với cùng kỳ, thấp hơn 28% so với dự báo ở dự thảo Quy hoạch điện VIII (QH8) do nhu cầu điện mảng xây dựng dự kiến giảm sút, do những khó khăn của thị trường bất động sản nhà ở.

Mùa hè nóng bức sắp đến, doanh nghiệp điện nào sẽ có lợi thế? - Ảnh 1.

Diễn biến chỉ số P/B các cổ phiếu ngành điện tính từ đầu năm đến nay (đơn vị: lần) (Nguồn: VNDirect, Bloomberg).

Ngoài ra, nhóm phân tích cho biết, những ngành công nghiệp sản xuất như sắt thép, xi măng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên VNDirect nhận thấy những dự báo một mùa hè nóng bức hơn sẽ kéo nhu cầu điện nhóm tiêu dùng dân cư, bù đắp sự sụt giảm mảng công nghiệp – xây dựng.

Từ năm 2024-2030, VNDirect dự kiến tăng trưởng kép sản lượng điện sẽ dựa trên kịch bản cơ sở trong Quy hoạch điện VIII đạt 8,4%.

Thêm vào đó, khả năng EVN tăng giá điện trong năm nay cao khi đã giữ nguyên 4 năm nhờ khung giá bán điện mới được ban hành, tăng 220-528 đồng/kWh đạt 1.826- 2.444 đồng/kWh. Do đó, nhóm phân tích cho rằng giá bán lẻ điện tăng sẽ giảm áp lực cho những khó khăn tài chính của EVN, cải thiện dòng tiền thanh toán và tạo dư địa huy động cho nguồn điện giá cao.

Về điện khí và điện than nội địa, VNDirect cho rằng nhóm này sẽ được hưởng lợi trong 2023 trong bối cảnh thủy điện suy yếu, tạo dư địa huy động cho các nguồn thay thế. Cùng với đó, dự báo giá dầu Brent sẽ giảm trong 2023-2024, đạt 85-80USD/thùng hỗ trợ khả năng cạnh tranh giá của nguồn trong bối cảnh giá đầu vào than tiếp tục neo cao.

Đối với điện than, chuyên gia của VNDirect kỳ vọng các nhà máy sử dụng than nội địa tại miền Bắc sẽ được hưởng lợi rõ ràng nhất nhờ giá than nội ổn định cũng như chi phí rẻ hơn. Ngoài ra, theo dự báo ở trên, một mùa hè nhiệt độ cao hơn sẽ là yếu tố cơ bản, hỗ trợ huy động sản lượng các nhà máy điện than tại khu vực này trong 2023.

Nhìn lại kết quả quý I/2023, sản lượng điện toàn quốc giảm 1,6% so với cùng kỳ, đạt 61,83 tỷ kWh trong quý I do nhu cầu điện nhóm ngành công nghiệp giảm.

Mùa hè nóng bức sắp đến, doanh nghiệp điện nào sẽ có lợi thế? - Ảnh 2.

Sản lượng điện toàn quốc giảm trong bối cảnh hoạt động sản xuất công nghiệp giảm sút trong quý I/2023 (Nguồn: Nguồn: VNDirect, EVN, Tổng cục Thống kê).

Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng âm 6,3% so với cùng kỳ, trong đó, nhiều nhóm ngành thâm dụng điện như thép giảm 2,4% so với cùng kỳ và xi măng giảm 9,6% trong bối cảnh hoạt động xây dựng giảm sút khi thị trường bất động sản nhà ở đóng băng cũng như những chậm trễ trong việc giải ngân đầu tư công. Do đó, nhu cầu điện thấp ảnh hưởng lên mức giảm sản lượng của hầu hết các nguồn điện.

Về cơ cấu huy động nguồn, điện than ghi nhận sự cải thiện từ mức thấp trong nửa cuối 2022, chiếm 45% tổng sản lượng điện, hỗ trợ bởi giá than nhập hạ nhiệt từ tháng 2/2023. Tỉ trọng sản lượng điện khí ổn định, chiếm 12% tổng sản lượng điện phát.

Thủy điện cũng ghi nhận mức sản lượng giảm nhẹ và chiếm tỉ trọng tương đương năm ngoái, 25% tổng sản lượng, thông thường giai đoạn quý I là thời gian các nhà máy thủy điện mục tiêu tích nước để phục vụ cho mùa khô và các đợt nắng nóng.

Điện mặt trời ghi nhận mức cắt giảm công suất mạnh trong bối cảnh nhu cầu điện yếu tại miền Nam trong khi công suất nguồn đang dư thừa. Ngược lại, điện gió đóng góp mức sản lượng tích cực nhờ mùa gió tốt, hỗ trợ tỉ trọng nhóm điện năng lượng tái tạo tăng 5 điểm phần trăm, đạt 17% tổng sản lượng.

Giá điện toàn phần (FMP) trên thị trường điện cạnh tranh (CGM) tăng 20% svck đạt 1.685đ/kWh trong 2 tháng đầu năm 2023 do tỉ lệ huy động các nguồn nhiệt điện giá cao tăng. Hiện tại, giá bán điện cạnh tranh vẫn đang huy động theo Kế hoạch vận hành thị trường điện năm 2022 của Bộ Công thương (MOIT). Do đó, giá trần điện năng (SMP) vẫn tiếp tục neo cao ở mức 1.602đ/kWh, hỗ trợ nhóm nhiệt điện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem