Mua nhà trong ngõ hẻm: Cẩn trọng kẻo không lối về

Quỳnh Chi Chủ nhật, ngày 06/09/2020 19:10 PM (GMT+7)
Do điều kiện kinh tế, nhiều người chọn giải pháp mua lại nhà cũ. Tuy nhiên, khi mua nhà cũ, người mua cần xem xét, kiểm tra kỹ pháp lý, tình trạng căn nhà để tránh những rủi ro không đáng có.
Bình luận 0

Nhà cũ đắt hơn nhà mới

Chị Nguyễn Thanh Mai (Minh Khai, Hà Nội) cho hay: "Vợ chồng tôi mua nhà cũ, cứ nghĩ sẽ tiết kiệm được khoản tiền ai dè đắt ngang nhà xây mới."

img

Tường nhà thấm nước khiến từng mảng sơn bong tróc

Được biết, để gia đình về một mối, cách đây 2 năm chị chuyển công tác từ Hải Dương lên Hà Nội làm việc cùng chồng. “An cư mới lạc nghiệp”, vợ chồng chị quyết định bán nhà ở quê để mua nhà Hà Nội, tuy nhiên vì không có kinh nghiệm nên sau khi mua một thời gian vợ chồng chị Mai mất công sửa lại ngôi nhà với chi phí đội lên gần 200 triệu.

“Khi mới mua, căn nhà trông hiện đại, khang trang vì chủ cũ tân trang lại khá đẹp. Toàn bộ chân tường nhà đều được ốp gạch giả gỗ, sơn lại rất sáng sủa, đẹp đẽ. Nhưng niềm vui có nhà mới chưa lâu thì chỉ hai tháng sau, trần nhà, tường nhà cứ rơi từng mảng vữa xuống sàn, chỗ thì bung rộp lỗ chỗ mặc dù sơn vẫn còn rất mới” – chị Mai nói.

Sau khi tìm hiểu, vợ chồng chị mới biết, hóa ra chủ cũ mặc dù biết tường nhà cũ bị thấm, ẩm mốc, nhưng không róc ra, cứ để vậy sơn lại. Không thể ở trong ngôi nhà không đảm bảo an toàn, vợ chồng chị Mai lại phải bỏ tiền ra để làm lại toàn bộ tường nhà.

Anh Phạm Khắc Chiến (Hoàng Mai, Hà Nội) thì lại than thở do gặp rắc rối về chuyện tranh chấp lối đi chung.

Mặc dù đã tìm hiểu kỹ thông tin về vấn đề quy hoạch tại khu vực mua nhà, sổ đỏ chính chủ, pháp lý rõ ràng… nhưng sau khi nhận nhà và rục rịch dọn đồ về nhà mới, anh Chiến mới sững sờ biết chủ nhà cũ và nhà hàng xóm kế bên đang tranh chấp lối đi chung.

img

Chuyện tranh chấp lối đi chung trong hẻm xảy ra thường xuyên, khiến nhiều người rơi vào cảnh "đi cũng khổ mà ở không xong"

Sau khi tìm hiểu, anh Chiến mới biết hộ dân có ngôi nhà nằm ở đầu ngõ đang có ý định xây nhà mới và tự ý cơi nới lấn ra lối đi chung 50 cm. Lối đi chung vốn rất hẹp (1,4m), nếu bị lấn chiếm 50 cm thì ngõ chỉ còn khoảng 90 cm, chỉ đủ cho 1 chiếc xe máy đi, như vậy sẽ rất bí và nguy hiểm.

Cực chẳng đã, buộc anh Chiến phải ra làm việc nhiều buổi với ủy ban phường.

Tại buổi hòa giải, cán bộ địa chính căn cứ vào sơ đồ bản vẽ buộc họ tháo dỡ và trả lại nguyên hiện trạng lối đi cho hộ bên trong (có lập biên bản ghi rõ ràng buộc tháo dỡ). Tuy nhiên hộ này không chấp nhận, tỏ thái độ hung hăng thách thức và cương quyết khẳng định là đất của họ, lí do là trong lúc đo đạc lập sơ đồ bản vẻ Giấy CNQSDD năm 2003 cơ quan đo đạc đo sai, thời điểm này làm lại nhà họ mới đòi lại…

Sự việc quá rắc rối, một phần không muốn làm căng vì dù sao hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”, nên anh Chiến đã chủ động đề xuất thương lượng, phụ cho hàng xóm một phần tiền coi như anh mua lối đi, đồng thời yêu cầu địa chính xác định lại mốc giới để tránh phiền toái về sau.

Kinh nghiệm nằm lòng khi mua nhà đã qua sử dụng

Việc tìm mua được một ngôi nhà có vị trí đẹp, rẻ, hợp phong thủy, xứng đáng với “đồng tiền bát gạo”... là điều mà ai cũng mong muốn. Trên thực tế, để chọn được ngôi nhà phù hợp, người mua cần phải cẩn thận, xem xét tỉ mỉ, khảo sát nhiều lần, đắn đo cân nhắc rồi mới quyết định mua. Dưới đây là một số lưu ý khi bạn mua nhà cũ:

img

Trước khi quyết định "xuống tiền" mua nhà đã qua sử dụng, người mua nên dành thời gian tìm hiểu thật kỹ

Vị trí ngôi nhà: Dù nhà mới hay cũ, chưa cần bàn qua vấn đề giá cả hay kiến trúc thì vị trí địa lý của ngôi nhà là yếu tố hàng đầu mà ai mua nhà cũng phải quan tâm. Khi mua nhà, bạn cần cân nhắc xem ngôi nhà này có gần nơi làm việc, gần trường học của con, gần bệnh viện, chợ, siêu thị... hay không, bởi cuộc sống của gia đình bạn phụ thuộc rất nhiều vào vị trí ngôi nhà.

Tìm hiểu lịch sử mua bán: Khi mua một ngôi nhà cũ để ở, chắc chắn bạn phải quan tâm đến tính pháp lý của nó. Trước khi quyết định xuống tiền, bạn cần tìm hiểu xem ngôi nhà có đang được thế chấp ở ngân hàng, chủ sở hữu hiện tại có trong tình trạng nợ hay tranh chấp ngôi nhà không, giấy tờ ngôi nhà đã được xử lý rõ ràng chưa, có đang trong diện quy hoạch nào hay sai phạm diện tích gì không… Đối với những người duy tâm, bạn còn phải xem xét đến nguyên nhân bán của chủ cũ có liên quan tới các yếu tố tâm linh hay không?

Kiểm tra chất lượng xây dựng: Giống như con người có tiền sử bệnh, công trình xây dựng cũng như vậy. Bạn nên tìm hiểu kỹ "tiền sử bệnh lý" ngôi nhà mà mình sắp mua. Trên thực tế, những ngôi nhà cũ có thể đã được trang hoàng lại để che đi những khiếm khuyết. 3 "bệnh lý" thường gặp ở nhà đã qua sử dụng là thấm dột, hệ thống điện nước và nứt nẻ. Vì vậy, bạn cần sự cẩn trọng trong việc quan sát và hiểu biết nhất định về kết cấu xây dựng. Nếu cảm thấy không chắc chắn, hãy nhờ những người có chuyên môn kiểm tra giùm.

Tìm hiểu môi trường dân cư xung quanh: Người Việt chúng ta thường quan niệm “bà con xa không bằng láng giềng gần”. Do đó, việc tìm hiểu dân cư xung quanh nơi bạn sẽ mua là một việc hết sức quan trọng. Dù là định cư lâu dài, hay chỉ là mua lại kinh doanh thì khu dân cư nơi đó cũng là một điểm sáng để bạn đề cập với người khác. Một nơi ở dân cư hiền hòa, dân trí cao, đoàn kết sẽ mang lại sự an tâm trong cuộc sống hơn một khu vực tụ tập tệ nạn xã hội.

Xem xét nội thất và kiến trúc nhà: Bạn nên xem xét kiến trúc ngôi nhà có phù hợp với gia đình mình không hay nội thất cần sửa chữa, thay thế những gì. Nhiều bạn muốn ngôi nhà mình mua có kiến trúc thật phù hợp với phong thủy, tuy nhiên việc đó hoàn toàn có thể điều chỉnh. Quan trọng là bạn cần xem xét tính hợp lý để có thể đưa ra thỏa thuận phù hợp với người bán.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem