Mùa thu hoạch loại mủ... rất thối ở Điện Biên

Thứ năm, ngày 07/04/2022 07:11 AM (GMT+7)
Tháng 4 là thời điểm mùa cạo mủ cao su ở tỉnh Điện Biên. Đây là loại mủ rất thối, không phải ai cũng có thể ngửi được.
Điện Biên: Mùa thu hoạch mủ cao su  - Ảnh 2.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên đang quản lý chăm sóc hơn 3.735,1 ha cao su trên địa bàn 5 huyện, thành phố trong tỉnh. Cây cao su bắt đầu bén rễ tại Điện Biên từ năm 2008, đến nay đã có hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh góp đất trồng gần 5.000 ha cao su.

Điện Biên: Mùa thu hoạch mủ cao su  - Ảnh 3.

Cao su bắt đầu cho thu hoạch từ năm 2017, mỗi cây đều được đánh số thứ tự, được trồng cách nhau khoảng 1 m, giúp cây có đủ không gian để phát triển thuận lợi. Để tránh xói mòn trong các trận mưa lớn, và giữ dinh dưỡng cho cho đất, thảm thực vật ở đây được công nhân để phát triển một cách tự nhiên.

Điện Biên: Mùa thu hoạch mủ cao su  - Ảnh 4.

Anh Võ Giang Thành (44 tuổi, đội trưởng đội quản lý Công ty Cao su Điện Biên) cho hay, mặc dù rừng cao su rất lớn với số lượng cây nhiều nhưng việc quản lý không gặp nhiều khó khăn

Điện Biên: Mùa thu hoạch mủ cao su  - Ảnh 5.

Bởi lâu nay, đều có các phần mềm công nghệ hỗ trợ để biết chi tiết được tổng số cây hiện nay, năm trồng, năm cạo mủ, tên công nhân cạo mủ ... Ngoài ra còn có sơ đồ giúp việc quản lý, chăm sóc cây dễ dàng hơn. Anh Thành cho biết, vì địa hình đồi núi ở đây khá dốc nên mọi việc từ cạo mủ, thu hoạch ... đều phải làm thủ công, trong khi việc trồng lại cây khá vất vả. Riêng cây đổ hoặc phải báo cáo lại với cấp trên. Mỗi năm kiểm kê lại số lượng cây 1 lần thường diễn ra vào 2 tháng cuối năm. Thời tiết cũng có ảnh hưởng nhiều tới sản lượng cao su ở đây. Đầu năm thời tiết đẹp, nắng nhiều thì lá cây đẹp. Còn nếu trời mưa, cây dễ bị sâu bệnh.

Điện Biên: Mùa thu hoạch mủ cao su  - Ảnh 7.

Chị Quàng Thị Tuyến (26 tuổi, ở bản Tau 1, xã Hua Thanh, Điện Biên) đang cạo mủ cho biết, mỗi ngày chị vào rừng cạo mủ cao su cho công ty từ 5h-8h sáng được khoảng 500 cây. Sau giờ làm việc ở đây chị lại trở về nhà làm các công việc nhà nông thường ngày. Cuối tháng chị ăn lương theo sản phẩm làm được. Trung bình mỗi tháng thu nhập của chị được khoảng 6 triệu, còn thưởng thì chỉ những người cạo mủ nhanh, cạo mủ giỏi mới được. Nhưng đôi khi chị cũng được công ty khen thưởng, hỗ trợ vì gia đình thuộc diện hộ nghèo.

Điện Biên: Mùa thu hoạch mủ cao su  - Ảnh 8.

Sau khi cạo mủ cao su, thì nhựa cao su có màu trắng được chảy từng giọt xuống xô cao su màu đen. Trung bình khoảng 10 ngày thu hoạch 1 lần

Điện Biên: Mùa thu hoạch mủ cao su  - Ảnh 9.

Chị Quàng Thị Thắm (35 tuổi) chia sẻ, chị làm công nhân cạo mủ cao su ở đây được 5 năm. Vào mùa cạo mủ, chị thường vào rừng từ 4 giờ 30 sáng tới 7 giờ là xong số lượng khoán hàng ngày. Xong việc chị lại về nhà làm nông. Chị nói thêm "Mùi cao su rất thối, nhưng chúng tôi làm lâu năm rồi, nên không sao cả".

Điện Biên: Mùa thu hoạch mủ cao su  - Ảnh 11.

Một công nhân ở đây chia sẻ thêm, công việc này giúp họ có công ăn việc làm và có thu nhập đều đặn mỗi tháng, khiến cuộc sống của người dân vùng cao ổn định hơn, bớt khó khăn đi rất nhiều. Trong ảnh, sau khi thu hoạch mủ cao su từ những xô cao su màu đen được buộc vào từng gốc cây, mủ cao su được cho vào túi ni lông.

Điện Biên: Mùa thu hoạch mủ cao su  - Ảnh 14.

Khi mủ cao su được chứa đầy trong bao ni lông, các công nhân buộc chặt miệng túi và đem ra xe. Công nhân thu hoạch mủ cao su ở đây hầu hết là người dân bản địa nên khá quen thuộc với địa hình núi đồi ở đây.

Điện Biên: Mùa thu hoạch mủ cao su  - Ảnh 15.

Khó khăn lớn nhất ở đây là người dân còn chăn thả tự do gia súc. Nhiều khi gia súc phá cây khiến công nhân phải trồng lại cây đã mất.

Ông Nguyễn Công Tám, Phó Tổng Giám Đốc Công ty Cổ Phần Cao Su Điện Biên cho biết, việc chế biến cao su sau thu hoạch chủ yếu ở Sơn La, cuối năm 2023 mới có nhà máy ở Điện Biên, và sản phẩm chủ yếu bán cho Trung Quốc. Về năng suất cao su Điện Biên không thể so sánh với miền Đông nam bộ nhưng hơn miền Trung và ngang bằng với Tây Nguyên. Công nhân ở đây đa số là người bản địa, lúc đầu, người dân cũng không muốn làm, vì mủ cao su có mùi rất khó chịu, nhưng sau này khi dần quen thì người dân lại góp đất cho tập đoàn trồng cây, và khi có thu nhập ổn định, người dân lại gắn bó với cây cao su hơn. Hơn nữa, trồng cây cao su là để phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Cũng theo ông Nguyễn Công Tám hiện nay cả Tây Bắc có 29.000 ha rừng cao su. Việc trồng thêm cao su đã dừng cách đây 3 năm. Năng suất trung bình rừng cây cao su Điện Biên hiện đang dẫn đầu các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc (Trung bình đạt 1,24 tấn/ha )

Nhật Hà
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem