Mực và dưa hấu: Bài toán “cái tem” và thị trường

28/06/2019 12:49 GMT+7
Mực xà là một loại thực phẩm của Việt Nam trước đây được Trung Quốc ưa chuộng và nhập khẩu rất nhiều. Tuy nhiên việc chúng ta xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch đã dẫn đến hậu quả rằng gần đây, Trung Quốc muốn truy xuất nguồn gốc mực xà và yêu cầu xuất khẩu qua đường chính ngạch. Chính điều này đã gây ra việc ồn ứ tại kho hàng tấn mực, không thể tiêu thụ.

Cách đây khoảng hơn 1 tháng, thị trường được phen lúng túng khi xuất hiện “tem truy xuất nguồn gốc xuất khẩu” mặc dù nó đã tồn tại rất lâu. Việc có tem đảm bảo cho hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, đồng nghĩa với đó là đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Và từ dưa hấu, hiện nay mực xà cũng cần “tem” để có thể đi qua đường chính ngạch.

UBND huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) cho biết vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam và các ngành liên quan về việc các tàu khai thác mực xà ở địa phương không tiêu thụ được sản phẩm. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, mực khơi ở Quảng Nam (mực xà) lâu nay chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc và Thái Lai, hiện tại Thái Lan vẫn tiêu thụ bình thường nhưng giá thường thấp hơn.

Mực xà Việt Nam chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc và Thái Lan

Khai thác và chế biến mực xà đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, bao gồm từ khâu đánh bắt đến chế biến. Theo thống kê, hiện chỉ riêng Núi Thành đã có tới 61 tàu khai thác mực xà, hoạt động ở vùng mực khơi, giải quyết gần 2.000 lao động. Bình quân mỗi chuyến ra biển câu mực đánh bắt được 20-30 tấn mực khô.

Tuy nhiên việc làm thủ công và tự tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm đã dẫn tới mực xà không có được sự “bảo hộ” của bất cứ doanh nghiệp nào. Theo ngư dân, từ trước tới nay đều là họ tự liên hệ với thương lái, “thuận mua vừa bán” và không có một thỏa thuận mang tính ràng buộc nào.

Cũng chính bởi lí do này nên khi Trung Quốc yêu cầu xuất khẩu qua đường chính ngạch, cũng như việc tem truy xuất nguồn gốc của dưa hấu đã đẩy ngư dân gần như rơi vào bế tắc. Hiện nay số mực khô tồn kho đã lên tới gần 1000 tấn. Trước đây, giá mực dao động từ 120.000 đồng đến 160.000 đồng/kg, còn hiện nay, dù giá giảm hơn nhưng vẫn không có thương lái tới thu mua. Giá trị mực tồn ước tính lên tới hàng chục tỉ.

Do mực không tiêu thụ được nên hiện nay nhiều tàu phải nằm bờ. Nếu tình trạng này tiếp diễn đời sống của hàng ngàn hộ ngư dân chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tàu thuyền nằm chờ ngày ra khơi trở lại

Một số giải pháp khắc phục

Trước mắt, tỉnh Quảng Nam đang kêu gọi các doanh nghiệp trong nước tới thu mua, “giải cứu” một phần mực xà tồn kho.

Còn về lâu dài, “để giúp ngư dân, sở kính đề nghị Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ NNPTNT can thiệp với Bộ Ngoại giao, Hải quan Trung Quốc để người dân hành nghề câu mực Quảng Nam có thể bán được mực với giá bán phù hợp.

Đồng thời, ngành sẽ làm việc với các ngành liên quan, Tổng cục Thủy sản để xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng, chứng nhận, xác nhận sản phẩm khai thác; hướng dẫn các chủ thu mua thành lập doanh nghiệp và thực hiện đăng ký xuất khẩu theo đường chính ngạch. Điều này nhằm để ngư dân yên tâm về thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước khác...” - đại diện Sở NNPTNT Quảng Nam cho biết.

Mai Trang
Cùng chuyên mục