Mượn danh người bệnh để trục lợi

Thứ tư, ngày 03/11/2010 15:31 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một số cán bộ biến chất hoạt động trong ngành BHXH và ngành y tế tại Gia Lai đã tiếp tay cho hàng loạt những sai phạm nhằm trục lợi từ ngân sách nhà nước.
Bình luận 0

Chi vô tội vạ

Theo quy định của pháp luật, không được chi thù lao vượt quá 70% so với tổng số kinh phí chi trả bảo hiểm trợ cấp ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng… cho những đơn vị, cá nhân tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp làm công tác chi trả bảo hiểm. Nhưng trong 5 năm (2005-2009), ngành BHXH đã chi vượt định mức hơn 2 tỷ đồng, trong đó BHXH tỉnh chi hơn 544 triệu đồng, BHXH các huyện chi hơn 1,5 tỷ đồng.

img
Giám đốc Sở Y tế Phùng Xuân Quýnh (đứng) giải thích về việc thuốc nội được "hóa kiếp" thành thuốc ngoại?

Cũng trong thời gian này, trong quá trình quản lý hoạt động bộ máy trên cơ sở kinh phí nguồn vốn ngân sách cấp và từ một số nguồn thu khác, BHXH đã chi vượt quá dự toán quy định gần 850 triệu đồng (trong đó BHXH tỉnh là hơn 592 triệu đồng); sử dụng nguồn lệ phí chi trả đem tiếp khách và chi khác trái với nội dung cơ cấu chi là 96,8 triệu đồng; quyết toán để đi tham quan nước ngoài trái quy định 38,2 triệu đồng; sử dụng nguồn quỹ phúc lợi trái quy định gần 122, 5 triệu đồng (trong đó BHXH tỉnh 38,1 triệu đồng); chi chưa lập đầy đủ chứng từ kế toán và thiếu chữ ký người nhận với số tiền 592,9 triệu đồng (trong đó BHXH tỉnh 473,6 triệu đồng); chi hội nghị không đúng quy định 67,2 triệu đồng; chi tiếp khách và công tác phí trái quy định hơn 948 triệu đồng; chi không có hoá đơn chứng từ hơn 141 triệu đồng (trong đó BHXH tỉnh 83 triệu đồng)…

Lập khống phiếu khám bệnh để "tuồn" thuốc bảo hiểm

Trong 5 năm qua (2005-2009), ngành BHXH đã ký hợp đồng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Ayun Pa hàng tỷ đồng để khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT. Nhưng suốt 5 năm qua, nhiều cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai lập hàng chục nghìn phiếu khám bệnh "khống" nhằm "rút ruột" thuốc bảo hiểm.

Cùng với việc khám chữa bệnh ngoại trú, việc khám chữa bệnh nội trú cũng có rất nhiều sai phạm, chiếm đến 67,86% số hồ sơ được kiểm tra với số tiền gần 30 triệu đồng. Ngoài ra, trong 2 năm (2007-2009), có 25.368 hồ sơ khám, chữa bệnh không đủ điều kiện thanh toán nhưng BHXH đã “hào phóng” thanh toán hơn 6,1 tỷ đồng.

Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ayun Pa, trong 5 năm (2005-2009) đã khám và điều trị cho 152.580 lượt người (nội trú 24.950 lượt người, ngoại trú 127.630 lượt người) với tổng số tiền đề nghị thanh toán hơn 11,2 tỷ đồng, nhưng đã có sai phạm gần 689 triệu đồng. Hầu hết, số tiền bị "rút ruột" thông qua hình thức người bệnh không đến khám nhưng nhờ bệnh viện kê toa, xác nhận lấy thuốc... giùm!

Thuốc nội biến thành thuốc ngoại

Thông thường, căn cứ vào tình hình nhu cầu mua thuốc của năm trước, ngành Y tế phối hợp cùng với BHXH tiến hành đấu thầu thuốc để cung cấp cho bệnh viện phục vụ khám chữa bệnh. Năm 2009, có 160 danh mục thuốc mời thầu thì có 15 danh mục thuốc đưa ra giá cao hơn giá dự thầu và không sát với thị trường về giá nhưng vẫn trúng thầu. Thậm chí có loại thuốc có tỷ lệ vượt giá đến 634,7% so với giá thị trường.

Việc đấu thầu giá thuốc, chỉ tính riêng trong 2 năm (2009 và 2010) có đến 29 danh mục thuốc giá dự toán cao ngất ngưởng so với giá thị trường. Thuốc Mebendazol 500mg, sản xuất tại Việt Nam giá dự toán 4.500 đồng/viên, trong khi giá thực tế chỉ có 709 đồng/viên, chênh lệch 634,7%. Thuốc chai Amikacin 500mg/100ml sản xuất tại châu Á, giá dự toán 52.500 đồng/chai trong khi giá thực tế thị trường chỉ có 13.311 đồng/chai, chênh lệch 394,4%. Thuốc Cefixim 100mg sản xuất tại Việt Nam giá dự toán 7.035 đồng/viên, trong khi giá thị trường chỉ có 1.512 đồng/viên, chênh lệch 465%...

Trong 600/2.475 hồ sơ danh mục thuốc dự thầu (từ năm 2008-2010) thì có 83 hồ sơ được thẩm định thầu không đúng với hồ sơ mời thầu và giá thuốc thấp không chọn mà chọn giá thuốc cao để trình duyệt trúng thầu; thuốc sản xuất tại Việt Nam "biến" thành thuốc sản xuất tại một số nước châu Á, thuốc sản xuất tại các nước châu Á lại được ông Phùng Xuân Quýnh - Giám đốc Sở Y tế Gia Lai công nhận là thuốc sản xuất tại các nước châu Âu…

Theo kết quả thanh tra, trong 83 hồ sơ có 65 hồ sơ danh mục thuốc, tổ chuyên gia xét thầu không thực hiện đúng yêu cầu mời thầu như: Giấy chứng nhận GMP (thực hành tốt việc sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới) do cơ quan có thẩm quyền cấp đã hết hạn hoặc CPP (Giấy chứng nhận sản phẩm dược) hết hạn… gây thiệt hại ngân sách và người bệnh nhưng lại làm lợi cho doanh nghiệp trúng thầu hơn 2 tỷ đồng.

Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra

Ngày 28-8-2010, ông Phạm Thế Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã ra quyết định chuyển hồ sơ thanh tra về công tác đấu thầu, thẩm định và định giá trúng thầu đối với các mặt hàng thuốc chữa bệnh sang công an tỉnh để phối hợp điều tra nhằm phát hiện, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem