Muốn tặng nhà cho riêng con trai đã có vợ, phải làm sao?

Thứ tư, ngày 11/01/2023 12:28 PM (GMT+7)
Con trai tôi đã có vợ. Tôi muốn tặng cho riêng con trai tôi một căn nhà thì phải làm thủ tục như thế nào?
Bình luận 0

Con trai tôi đã lấy vợ và ra ở riêng. Vì vợ chồng con trai hay lục đục cãi nhau nên tôi sợ sau này hai đứa sẽ ly hôn. Tôi muốn tặng cho riêng con trai tôi một căn nhà thì phải tiến hành thủ tục như thế nào? Nhà tôi tặng riêng cho con trai thì con dâu tôi có quyền chia tài sản hay không? Tôi phải làm thủ tục như thế nào?

Bạn đọc Diệu Hoa (quận Tân Phú, TP.HCM)

Muốn tặng nhà cho riêng con trai đã có vợ, phải làm sao? - Ảnh 1.

Việc tặng cho nhà phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật

Luật sư Lê Thành Công, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:

Vấn đề tài sản chung của vợ chồng (theo khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014) được quy định như sau:

- Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Do đó, bạn có quyền tặng cho tài sản riêng cho con trai bạn. Việc tặng cho phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Cụ thể, điều kiện đó là phải có hợp đồng tặng cho đúng luật.

Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận (Điều 457 Bộ Luật dân sự năm 2015).

Về hình thức của hợp đồng tặng cho, theo Luật đất đai năm 2013 thì hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực.

Ngoài ra, theo Điều 459 BLDS năm 2015 cũng có quy định về hình thức và hiệu lực của hợp đồng tặng cho, cụ thể:

Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.

Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.

Như vậy, hợp đồng tặng cho là quyền sử dụng đất (QSDĐ) và tài sản gắn liền với đất mà pháp luật quy định phải công chứng, chứng thực; phải đăng ký chuyển quyền, thì có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ).

Sau khi hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho QSDĐ và tài sản gắn liền trên đất được công chứng, chứng thực, con trai bạn nộp hồ sơ đăng ký biến động QSDĐ; VPĐKĐĐ sẽ tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, nếu đã đầy đủ thì tiến hành theo trình tự của thủ tục và hồ sơ sẽ được gửi đến cơ quan thuế và Phòng Tài nguyên và Môi trường để xác định nghĩa vụ tài chính và tiến hành sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ).

Căn nhà bạn đã tặng riêng cho con trai theo đúng quy định pháp luật như đã nêu trên thì con dâu không có quyền gì đối với tài sản được tặng cho riêng này.


Theo Phạm Tuyên/PLO (plo.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem