Muốn xuất khẩu nông sản vào các thị trường khó tính, doanh nghiệp phải bỏ tư duy buôn chuyến

P.V Thứ tư, ngày 14/12/2022 12:56 PM (GMT+7)
Trao đổi tại Tọa đàm trực tuyến: "Mở cửa thị trường nông sản – cơ hội từ những thị trường khó tính" ngày 13/12, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng: Muốn xuất khẩu nông sản vào được các thị trường khó tính, có giá trị cao thì các doanh nghiệp phải tư duy theo kiểu cùng nhau và phải bỏ tư duy buôn chuyến.
Bình luận 0
Muốn xuất khẩu nông sản vào các thị trường khó tính, doanh nghiệp phải bỏ tư duy buôn chuyến - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng: Muốn xuất khẩu nông sản vào được các thị trường khó tính, có giá trị cao thì phải tư duy theo kiểu cùng nhau; doanh nghiệp phải bỏ tư duy buôn chuyến. Ảnh: Nguyễn Chương

Thành công nhờ có kể hoạch, chuẩn bị bài bản

Năm 2022, ngành nông nghiệp, nông thôn thực hiện kế hoạch trong điều kiện giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn cao; thị trường quốc tế diễn biến phức tạp bởi tác động của xung đột Nga - Ucraina, chính sách của một số nước bảo vệ sản xuất trong nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia...

Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp hiệu quả của Bộ NNPTNT cùng các bộ, ban ngành, doanh nghiệp, đã có nhiều loại nông sản được các thị trường khó tính chấp nhận, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tiếp tục lập những kỷ lục mới, ví dụ xuất khẩu gạo đạt sản lượng, giá trị kim ngạch kỷ lục; xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên đạt gần 11 tỷ USD; đã có 08 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 02 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ); nhiều loại trái cây, nông sản tiếp cận được những thị trường mới...

Theo đó, Bộ NNPTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã liên tiếp ký các nghị định thư xuất khẩu chính ngạch nhiều loại trái cây, thực phẩm sang Trung Quốc như: chanh leo, chuối, sầu riêng, khoai lang, tổ yến,…

Mới đây, Mỹ cũng đã chính thức mở cửa cho trái bưởi của Việt Nam; quả nhãn, mắc ca cũng được Nhật Bản cho phép xuất khẩu; New Zealand mở cửa cho trái chanh xanh của Việt Nam; trong khi đó, nhiều loại gạo chất lượng cao của Việt Nam đã xuất hiện ở các siêu thị của Mỹ, EU, Nhật Bản,…

Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến: "Mở cửa thị trường nông sản – cơ hội từ những thị trường khó tính". do Văn phòng Bộ NNPTNT phối hợp với báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức ngày 13/12,  ông Nguyễn Như Cường nhận định: Khó khăn lúc nào cũng có, nhưng chúng ta phải xác định trong bất kì trường hợp nào không được rơi vào cảnh bất ngờ.

"Bộ NNPTNT xác định việc xuất khẩu nông sản đi các nước sẽ luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, có thể giai đoạn này sẽ là căng thẳng Nga – Ukraine, dịch Covid-19, giá đầu vào tăng cao, nhưng sang giai đoạn khác có thể sẽ là các hàng rào thuế quan…

Vì vậy chúng ta cần có kế hoạch sản xuất bài bản, từ khâu phát triển thị trường, duy trì và mở rộng thị trường. Cũng nhờ các giải pháp đó mà việc xuất khẩu nông lâm thuỷ sản thời gian qua chúng ta đã đạt được một số kết quả", ông Cường nói và cho biết, thực tế cho thấy, thời gian qua giá vật tư đầu vào tăng cao, đơn cử giá phân bón chiếm tới 20% giá thành sản xuất.

Đó là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để bà con nông dân nhìn lại cách thức tổ chức sản xuất và tổ chức lại sản xuất để giảm chi phí đầu vào, đạt hiệu quả kinh tế.

Muốn xuất khẩu nông sản vào các thị trường khó tính, doanh nghiệp phải bỏ tư duy buôn chuyến - Ảnh 3.

Công nhân đóng gói gạo xuất khẩu theo đơn đặt hàng tại Nhà máy chế biến lương thực Long An (thuộc Vinafood 2). Ảnh: Vũ Sinh

Phải tư duy theo kiểu cùng nhau

Theo ông Cường, riêng trong xuất khẩu gạo năm 2022 xuất hiện những điểm mới như: Sản lượng đạt 7 triệu tấn; đặc biệt gạo Việt đã có mặt ở nhiều thị trường khó tính. Để đạt được kết quả đó, trong những năm qua, sản xuất lúa gạo đã chuyển đổi nhất định.

Trong 11 tháng đầu năm 2022, chúng ta đã xuất khẩu số lượng gạo kỷ lục, đạt 7 triệu tấn với giá trị trên 3 tỷ USD. Đây là số lượng xuất khẩu gạo kỷ lục. Chúng ta đã xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, EU, đặc biệt là trong bữa ăn của nội các Nhật Bản cũng sử dụng gạo của Việt Nam.

"Tôi cho rằng, kết quả trên không phải là may rủi mà là một quá trình. Chúng ta chọn tạo bộ giống lúa, đáp ứng yêu cầu các thị trường từ thấp cấp đến cao cấp.

Về canh tác, công tác khuyến nông đã nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật; đồng thời doanh nghiệp liên kết với nông dân, HTX sản xuất gạo để đáp ứng các tiêu chí của các nước có yêu cầu xuất khẩu cao như Mỹ, EU.

Điều này cho thấy muốn xuất khẩu vào các thị trường khó, có giá trị cao thì phải tư duy theo kiểu cùng nhau; doanh nghiệp phải bỏ tư duy buôn chuyến. Khi Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn, riêng gạo thơm có giá trị cao miễn 30.000 tấn. 

Tới tháng 10/2022, doanh nghiệp xuất khẩu đã gần như hết", ông Cường nói và cho rằng: Để đạt kết quả như thế, tôi cho rằng không phải sự may rủi mà là quá trình chuẩn bị, đầu tư của các cơ quan quản lý nhà nước, nghiên cứu, đặc biệt các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam đã thích ứng rất nhanh với yêu cầu của thị trường, yêu cầu của kỹ thuật.

Cũng theo ông Cường, trước đây chúng ta thường xuất khẩu thô, nên trên các bao gạo đều in tên thương hiệu, nhãn hàng của đơn vị nhập khẩu. Nhưng bây giờ đã có gạo Lộc Trời vào siêu thị châu Âu. 

Tuy lượng chưa lớn, nhưng đây là tín hiệu gạo Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường cao cấp. Thương hiệu gạo đó không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn mang giá trị văn hoá, tinh thần của người Việt Nam.

Xuất khẩu nhưng vẫn phải đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước

Trong kế hoạch sản xuất 2023, ông Cường cho hay: Cục Trồng trọt đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn để xây dựng cụ thể nhưng sẽ xoay xung quanh tiêu chí: Phải luôn đảm an ninh lương thực quốc gia. Cụ thể: đảm bảo sản xuất ra 43 triệu tấn thóc, trên 1 triệu ha rau, 1 triệu ha quả, song song với phát triển cây công nghiệp.

Dựa trên phân tích những kết quả, hạn chế trong năm 2022, Cục Trồng trọt sẽ có những định hướng cụ thể đối với từng ngành hàng như gạo, rau củ quả, trái cây… Như tôi đã nói ở trên, xuất khẩu nhưng vẫn phải đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem