dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất ở Mường Tè

Là huyện thuần nông, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) đã tập trung nguồn lực từng bước đầu tư, nâng cấp kiên cố hóa hệ thống thủy lợi, chủ động nước tưới tiêu, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp.
Mường Tè: Đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất   - Ảnh 1.

Hiện cây lúa đang phát triển tốt nhờ được điều tiết nước phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng. (Ảnh: Vinh Duy).

Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng bản Nậm Hản, ông Tống Văn Thinh, Chủ tịch UBND xã Mường Tè (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) cho biết: Vụ mùa năm nay, toàn xã tổ chức gieo cấy gần 190ha. Hiện cây lúa đang phát triển tốt nhờ được điều tiết nước phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng. UBND xã chỉ đạo bà con chủ động khơi thông kênh mương, thủy lợi đảm bảo cung cấp nước cho các cánh đồng.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Mường Tè đặc biệt quan tâm đến việc duy trì và nâng cao năng lực vận hành của hệ thống thủy lợi, việc dẫn nước đến diện tích canh tác hạn chế tối đa sự hao hụt, rò rỉ; nguồn nước phải đáp ứng đủ việc tưới tiêu.

Để vận hành hệ thống thủy lợi trên địa bàn hiệu quả, UBND xã đã kiện toàn Ban thủy lợi xã và các tổ thủy lợi bản, huy động trên 300 ngày công thực hiện nạo vét kênh mương gần 19km tuyến kênh kiên cố và tổ chức nạo vét, đắp bờ cho khoảng 5km kênh đất của 13 công trình thủy lợi trên địa bàn xã. Năm nay, thời tiết thuận lợi cùng với việc vận hành hiệu quả hệ thống thủy lợi, tin rằng vụ mùa này sẽ cho năng suất cao.

Mường Tè: Đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất   - Ảnh 3.

Ban thủy lợi xã Mường Tè và các tổ thủy lợi bản nạo vét, đắp bờ cho khoảng 5km kênh đất của 13 công trình thủy lợi trên địa bàn xã. (Ảnh: Hà Dũng).

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Mường Tè có 138 công trình thủy lợi, với trên 202km kênh mương. Hiện nay, các công trình đang phục vụ cho tưới tiêu trên 1.300ha ruộng vụ mùa, khoảng 400ha ruộng vụ đông xuân và trên 17ha mặt nước nuôi thủy sản. Huyện đã tập trung nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống thủy lợi.

Trao đổi với ông Tống Văn Thi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, chúng tôi được biết: Để các công trình thủy lợi hoạt động hiệu quả, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các đơn vị chức năng, chính quyền các xã tổ chức kiểm tra, đánh giá, cân đối khả năng nguồn nước của các công trình thủy lợi và nhu cầu dùng nước của các cánh đồng. Qua đó xây dựng phương án cấp nước phục vụ sản xuất cụ thể cho từng vùng.

Cùng với đó, tổ chức rà soát hệ thống kênh mương, cống rãnh... của các công trình thủy lợi trên địa bàn để tổng hợp và đầu tư xây dựng cũng như khắc phục, sửa chữa, đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất của Nhân dân.

Mường Tè: Đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất   - Ảnh 4.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Mường Tè có 138 công trình thủy lợi, với trên 202km kênh mương, phục vụ cho tưới tiêu trên 1.300ha ruộng vụ mùa, khoảng 400ha ruộng vụ đông xuân và trên 17ha mặt nước nuôi thủy sản. (Ảnh: Vinh Duy).

Trong năm 2020, huyện Mường Tè đã đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp cụm thủy lợi bản Phìn Khò (xã Mù Cả), Thủy lợi Là Si (xã Tá Bạ) với tổng mức đầu tư 6,695 tỷ đồng. Duy tu, sửa chữa, 6 công trình thủy lợi là: Tạ Kho, Nga Nhi, Sù Ló (bản A Chè, xã Thu Lũm); Lo Ma Đê (bản Chà Dì, xã Bum Tở); Làn Tỷ (bản Huổi Cuổng, xã Vàng San) với mức đầu tư gần 5 tỷ đồng. Đồng thời, tổ chức ra quân làm thủy lợi, nạo vét kênh mương, đắp bờ vùng, bờ thửa… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc thất thoát nguồn nước trên hệ thống kênh, mương dẫn.

Với đặc thù của huyện vùng cao, biên giới, điều kiện địa hình phức tạp, các công trình thủy lợi được đầu tư thường nằm trên vùng núi cao, vực sâu vào mùa mưa lũ thường gây thiệt hại đến các công trình. Nguồn vốn để duy tu, sửa chữa hàng năm còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Công tác quản lý, vận hành các công trình thuỷ lợi của các Ban thuỷ lợi xã, tổ thuỷ lợi bản nhiều nơi chưa thực sự phát huy vai trò, một số công trình chưa được quan tâm phát quang, nạo vét tuyến kênh theo định kỳ... đang là nỗi lo trong việc vận hành hiệu quả hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác các hệ thống thuỷ lợi hiện có. Vận dụng linh hoạt các nguồn vốn đầu tư xây dựng mới các hệ thống công trình thuỷ lợi, đặc biệt là các hệ thống tưới cho cánh đồng có diện tích tập trung. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc sử dụng, bảo trì vận hành công tác thuỷ lợi. Tăng cường các biện pháp phòng, chống thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp. Chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi..." ông Tống Văn Thi cho biết thêm.

Mường Tè: Đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất   - Ảnh 5.

Huyện Mường Tè đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống thủy lợi trên địa bàn. (Ảnh: Hà Dũng).

Xác định rõ vai trò của hệ thống thủy lợi, các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn huyện Mường Tè đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống thủy lợi trên địa bàn. Đây sẽ là cơ sở để người dân nơi thượng nguồn sông Đà chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung tái cơ cấu nông nghiệp bền vững, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực trong thời gian tới.

Vinh Duy - Hà Dũng