Mỹ áp lực trước chi phí yêu cầu đền bù 5,6 tỷ USD để xóa sổ thiết bị Huawei

Huỳnh Dũng Thứ ba, ngày 08/02/2022 11:52 AM (GMT+7)
Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) chi ra khoảng 5,6 tỷ đô la để trang trải các chi phí liên quan đến việc loại bỏ và thay thế các thiết bị Huawei và ZTE.
Bình luận 0

Thực tế, FCC đã ra lệnh cho các công ty viễn thông Mỹ bắt đầu gỡ bỏ thiết bị Huawei khỏi mạng của họ từ tháng 12 năm 2020 như một phần của quá trình thu hồi giấy phép hoạt động tại Mỹ của China Telecom, dựa trên những lo ngại liên quan đến mối quan hệ của các công ty này với chính phủ Trung Quốc. Trước đó, vào tháng 7 năm 2020, FCC đã chính thức tuyên bố Huawei và ZTE  là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Mới đây, một thống kê mới cho thấy, chi phí để trang trải liên quan đến việc loại bỏ và thay thế các thiết bị Huawei và ZTE đã tăng lên nhiều lần so với ước tính cuối năm 2020. Theo Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) Jessica Rosenworcel, các nhà mạng Hoa Kỳ đã yêu cầu khoản bồi hoàn khoảng 5,6 tỷ USD cho "chi phí tháo dỡ và thay thế" thiết bị Huawei, ZTE mà Chính phủ Mỹ đánh giá là không an toàn.

Mỹ bị yêu cầu chi 5,6 tỷ USD về việc thay thế thiết bị Trung Quốc bị cấm. Ảnh: @AFP.

Mỹ bị yêu cầu chi 5,6 tỷ USD về việc thay thế thiết bị Trung Quốc bị cấm. Ảnh: @AFP.

Có thể thấy, việc thay thế các thiết bị sản xuất tại Trung Quốc bằng các thiết bị gốc mới do các công ty Mỹ thiết kế được cho là một lộ trình để cải thiện an ninh quốc gia. Điều này cũng được thực hiện như một nỗ lực không chỉ từ từ loại bỏ các sản phẩm Trung Quốc khỏi lĩnh vực viễn thông, mà còn là nỗ lực  để giới thiệu các thiết bị công nghệ gốc của Mỹ và muốn độc quyền nhiều hơn thế nữa.

Rõ ràng con số 5,6 tỷ USD này tăng vọt so với ước tính của FCC hồi tháng 9/2020, khi cơ quan này đánh giá Mỹ sẽ mất khoảng 1,8 tỷ USD. Quốc hội Mỹ sau đó phê duyệt ngân sách 1,9 tỷ USD để đền bù cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.

Chủ tịch Rosenworcel cho biết: "Chúng tôi mong sẽ được phối hợp với Quốc hội để bảo đảm có đủ nguồn tiền cho dự án, nhằm thúc đẩy các mục tiêu an ninh và bảo đảm Mỹ vẫn dẫn đầu về an ninh 5G", bà nói.

Đương nhiên, FCC không tiết lộ chi tiết về những công ty nào đã nộp đơn xin tài trợ. Tuy nhiên, cơ quan này biết rằng, chương trình này dành cho các công ty viễn thông - hoặc các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông tiên tiến với 10 triệu khách hàng trở xuống, cũng như dành cho các trường học, thư viện và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, họ đều nhận được tài trợ để thay thế thiết bị.

Chủ tịch FCC Jessica Rosenworcel nói với Quốc hội Mỹ: "Chúng tôi đã nhận được hơn 181 đơn đăng ký từ các nhà mạng đã lên kế hoạch loại bỏ và thay thế thiết bị Huawei, ZTE  trong mạng của họ có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia. Tất nhiên, không phải tất cả các đơn đăng ký đó đều sẽ được chấp thuận, nhưng trước mắt FCC sẽ phải từ chối gần 2/3 trong số đó để giảm 5,6 tỷ USD tiền yêu cầu xuống còn 1,9 tỷ USD mà tổ chức dành cho chương trình này. Câu hỏi bây giờ đặt ra là là Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục chi thêm tiền ra sao để trang trải chi phí giải quyết mối đe dọa an ninh quốc gia này".

"Trong khi chúng tôi còn nhiều việc phải làm để xem xét chương trình này, tôi mong muốn được làm việc với Quốc hội để đảm bảo rằng có đủ tài chính cho chương trình này nhằm thúc đẩy các mục tiêu an ninh của Quốc hội và đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục dẫn đầu về bảo mật anh ninh mạng cũng như an ninh quốc gia".

Đây là Chương trình Đền bù Chuỗi cung ứng SCRP được triển khai sau khi các cơ quan tình báo Mỹ bày tỏ lo ngại nguy cơ từ thiết bị Trung Quốc trong hệ thống mạng 5G nước này. FCC coi ZTE và Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia và cấm các hãng viễn thông mua sản phẩm của hai công ty này. SCRP đặt mục tiêu "đền bù khoản phí loại bỏ, thay thế và xóa sổ thiết bị từ ZTE và Huawei cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hiện đại" tại xứ sở Cờ Hoa. Dù Chính phủ Mỹ đã tuyên bố rằng, các nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc là Huawei và ZTE là đối tượng có nguy cơ an ninh quốc gia, nhưng cả hai công ty đều phủ nhận.

Mỹ bị yêu cầu chi 5,6 tỷ USD về việc thay thế thiết bị Trung Quốc bị cấm. Ảnh: @AFP.

Chi phí loại bỏ thiết bị Trung Quốc khỏi mạng không dây của Mỹ có thể sẽ đắt hơn chính phủ dự đoán. Ảnh: @AFP.

Các chuyên gia quốc tế nhận định, các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến Huawei và công ty cảnh báo vào tháng 12/2021 rằng, họ sẽ gặp "thách thức nghiêm trọng" vào năm 2022 trong bối cảnh "chính trị hóa công nghệ" và "phi hạt nhân hóa" ngày càng khắt nghiệt hơn nữa.

Mặt khác, các công ty viễn thông Mỹ có thể cũng gặp khó khăn trong việc mua thiết bị mới. Do sự thiếu hụt chip toàn cầu, có sự chậm trễ đáng kể trong việc nhận các thiết bị mạng mới từ các công ty Mỹ như Cisco, Aruba, Palo Alto Networks hoặc Juniper khi thực hiện chương trình này.

Năm 2020, FCC đã chỉ định Huawei và ZTE là mối đe dọa an ninh quốc gia đối với các mạng truyền thông - một tuyên bố cấm các công ty Mỹ khai thác quỹ chính phủ trị giá 8,3 tỷ USD để mua thiết bị từ các công ty này. FCC vào tháng 12/2020 đã thông qua các quy tắc yêu cầu các nhà mạng có thiết bị của ZTE hoặc Huawei phải "tách và thay thế" thiết bị đó. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề lớn đối với các hãng viễn thông nông thôn, khi phải đối mặt với chi phí cao và khó khăn trong việc tìm kiếm nhân công tháo lắp và thay thế thiết bị.

Vào tháng 3/2019, FCC đã chỉ định 5 công ty Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia theo luật năm 2019 nhằm bảo vệ các mạng truyền thông của Mỹ. Các công ty bị ảnh hưởng bao gồm Huawei và ZTE đã được chỉ định trước đó, cũng như Hytera Communications Corp, Hangzhou Hikvision Digital Technology Co, và Zhejiang Dahua Technology Co. Cho đến tháng 8 năm 2020, chính phủ Hoa Kỳ đã cấm các cơ quan liên bang mua hàng hóa hoặc dịch vụ từ bất kỳ công ty nào trong số năm công ty Trung Quốc kể trên.

Huawei cho biết họ rất thất vọng về quyết định của FCC khi "buộc loại bỏ các sản phẩm của chúng tôi khỏi mạng viễn thông Mỹ. Sự tiếp cận quá mức này khiến công dân Hoa Kỳ gặp rủi ro ở những vùng nông thôn phần lớn không được phục vụ - trong thời kỳ đại dịch khi mà thông tin liên lạc đáng tin cậy là điều cần thiết".


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem