Mỹ bắt đầu thời kỳ cắt giảm đau đớn

Thứ hai, ngày 11/04/2011 06:08 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với thỏa thuận cắt giảm 38,5 tỷ USD trong khoản ngân sách của Chính phủ Mỹ cho thời gian còn lại của tài khóa 2011, các cuộc tranh luận về mức nợ trần của nước Mỹ lại có dịp bùng lên.
Bình luận 0

Vì môi trường làm việc tốt hơn cho người dân

Tổng thống Barack Obama cho rằng, việc cắt giảm sẽ là khó khăn nhưng cần thiết. Ông Obama nói: “Một số cắt giảm mà chúng ta đã đồng ý sẽ rất đau đớn. Nhiều chương trình liên quan đến cuộc sống của nhiều người sẽ bị cắt giảm. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng cần thiết sẽ bị chậm lại. Tôi chắc sẽ không phải có những cắt giảm này nếu chúng ta ở trong hoàn cảnh tốt hơn."

img
Tổng thống Obama thông báo đạt được thỏa thuận cắt giảm ngân sách ngày 9.4.

Ông Obama cho biết đây là "cắt giảm chi tiêu hàng năm lớn nhất trong lịch sử", nhưng nói rằng nước Mỹ cần bắt đầu sống trong khuôn khổ khả năng và phương tiện của mình.

Theo ông Obama, sự hợp tác đạt được sau những thỏa hiệp khó khăn là "sự cắt giảm chi tiêu lớn nhất trong lịch sử" tại thời điểm mà Washington phải đối mặt với tình trạng thâm hụt dự kiến hàng năm khoảng 1,65 nghìn tỷ USD.

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner cho biết, để có được thỏa thuận này, đã có rất nhiều tranh luận và đấu tranh lâu dài, phe Cộng hòa buộc phải chiến đấu, bởi điều đó sẽ giúp tạo ra một môi trường việc làm tốt hơn cho người dân trong nước.

Tuy nhiên, sau khi loại bỏ mối nguy cơ "đóng cửa" hoạt động chính phủ, Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lập pháp đang chuyển sự chú ý tới những cuộc tranh luận - chắc chắn sẽ diễn ra gay gắt - về mức trần của nợ quốc gia và ngân sách chính phủ trong năm tài chính 2012.

Nhiều quan chức ở Washington cho rằng, cuộc tranh luận chính trị kéo dài nhiều tháng về chi tiêu năm 2011 vừa kết thúc chỉ là "khúc dạo đầu" của một loạt vụ tranh cãi tiềm tàng về vấn đề chi tiêu của chính phủ trong 6 tháng tới.

Sẽ có cuộc tranh luận về chi tiêu

Cuộc tranh luận về vấn đề chi tiêu có thể sẽ diễn ra trong nay mai, giữa lúc quốc hội đối mặt với quyết định về vấn đề có nên nâng mức trần của nợ quốc gia hay không. Dự kiến, vấn đề về mức trần này sẽ đạt được vào ngày 16.5 tới.

Những tranh cãi về giảm ngân sách diễn ra trong bối cảnh thâm hụt ngân sách Mỹ dự báo sẽ lên mức 1,65 nghìn tỷ USD, tương đương 10,9% GDP của nước này trong năm 2011. Đây là mức thâm hụt ngân sách lớn nhất của Mỹ từ năm 1945 tới nay.

Bộ Tài chính Mỹ đã phát hành trái phiếu nhằm vay tiền để vận hành chính phủ và chi trả các hóa đơn của quốc gia. Sau đó, trong mùa hè và đầu mùa thu, Nhà Trắng và các nhà lập pháp sẽ tranh luận về mức chi tiêu của chính phủ cho năm tài chính 2012, bắt đầu từ tháng Mười tới.

Tuy nhiên, khác với những lo ngại của Chính phủ, giới chuyên gia Mỹ lại cho rằng, nền kinh tế Mỹ đang có nhiều dấu hiệu phục hồi khá tốt. Một cuộc khảo sát do Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) của Mỹ tiến hành cho biết ngành dịch vụ của nước này tiếp tục tăng trưởng trong tháng 3 với chỉ số Phi sản xuất (NMI) đứng ở mức 57,3 điểm.

Kết quả được công bố hồi đầu tháng Tư cũng cho thấy chỉ số về các đơn hàng mới vẫn cao, chỉ giảm nhẹ từ 64,4 trong tháng 2 xuống còn 64,1 trong tháng 3. Trong khi đó, chỉ số thất nghiệp của các tập đoàn giảm từ 55,6 xuống còn 53,7.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem