Mỹ công nhận thêm một trung tâm chiếu xạ ở Hà Nội, vải thiều thuận đường sang Mỹ, Úc

Minh Ngọc Thứ năm, ngày 25/05/2023 16:08 PM (GMT+7)
Bên cạnh thị trường lớn nhất là Trung Quốc, trái vải thiều của Việt Nam cũng đang hướng đến tăng sản lượng xuất khẩu đến những thị trường lớn khác như: Australia, Nhật Bản, đặc biệt đang nhiều cơ hội có mặt ở Mỹ.
Bình luận 0

Vải thiều rộng cửa đi Mỹ

Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), đến thời điểm này, công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ xuất khẩu trái vải thiều đi các thị trường đã chuẩn bị xong. 

Ông Trung cho hay, ở phía Bắc mỗi năm sản lượng vải thiều dao động 200.000 – 250.000 tấn, tập trung chủ yếu ở Bắc Giang và một số tỉnh lân cận. Đến nay, Cục đang phối hợp chặt chẽ với Sở NNPTNT Bắc Giang, Hải Dương, với các doanh nghiệp trong nước và thương nhân nước ngoài trong việc thu mua, xuất khẩu vải thiều.

Đối với thị trường Trung Quốc, trung bình hàng năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 80.000 - 120.000 tấn vải. Năm nay, công tác hướng dẫn người dân, HTX, doanh nghiệp thực hiện các yêu cầu kỹ thuật để xuất khẩu vải thiều đi thị trường này đến hiện tại diễn ra rất thuận lợi.

Thêm thuận lợi để đưa vải thiều sang Mỹ, Úc... - Ảnh 1.

Gia đình ông Ngô Văn Hùng ở thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) thu hoạch vải thiều năm 2022. Ảnh: Văn Cả Quyết

Tỉnh Bắc Giang hiện có 110 mã số xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc với diện tích hơn 16.000ha; 37 mã xuất khẩu sang Nhật Bản (hơn 297,4ha) và 15 mã xuất khẩu sang Mỹ (hơn 184,2ha). Ngoài 12 mã số vừa được cấp mới, Cục Bảo vệ thực vật cũng chuyển thông tin 11 mã số vùng trồng vải thiều cho cơ quan chuyên môn của Mỹ và Trung Quốc để phía bạn xem xét, đánh giá việc cấp mới.

Đối với thị trường Nhật Bản, năm nay, phía bạn sẽ cử chuyên gia sang giám sát trực tiếp tất cả các lô vải trước khi xuất khẩu sang thị trường này. 

Do đó, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp các đơn vị liên quan giám sát và kiểm tra lại toàn bộ nhà máy xử lý tại các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương. Hiện tại, công tác kiểm tra đã hoàn tất.

Đối với thị trường Australia, việc đảm bảo những yêu cầu kỹ thuật đối với quả vải xuất khẩu hiện nay rất thuận lợi (vải vào thị trường này sử dụng phương pháp chiếu xạ), vì hiện tại nhà máy chiếu xạ của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã có thể đảm đương được.

Còn đối với thị trường Mỹ, qua nhiều lần trao đổi, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã tạo điều kiện để Việt Nam có thêm một cơ sở chiếu xạ được công nhận đáp ứng yêu cầu của phía bạn (là Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội).

Theo ông Trung, Cục BVTV đã làm việc với Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) của Mỹ, Công ty CP xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (doanh nghiệp giữ vai trò điều phối) và Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội lắp đặt, bổ sung thêm các thiết bị để cơ sở này được công nhận đủ điều kiện chiếu xạ, đóng gói vải thiều xuất khẩu vào Mỹ. 

Dự kiến cuối tuần tới, bộ thiết bị điều khiển dây chuyền chiếu xạ theo yêu cầu của Mỹ sẽ được chuyển về Việt Nam. Khi có thiết bị, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội sẽ lắp đặt ngay.

Cục BVTV đã mời và Mỹ đã sẵn sàng cử chuyên gia sang Việt Nam đánh giá tổng thể về mặt kỹ thuật, hoàn tất các thủ tục công nhận đối với cơ sở chiếu xạ này. 

Khi đó, vải thiều từ Bắc Giang, Hải Dương được chuyển về Hà Nội để chiếu xạ, không cần phải đưa vào TP.HCM như những năm trước đây.

180.000 tấn vải chờ ngày lên đường

Thêm thuận lợi để đưa vải thiều sang Mỹ, Úc... - Ảnh 3.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, sản lượng vải thiều toàn tỉnh năm 2023 dự kiến đạt trên 180.000 tấn. Ảnh: Ngọc Hải

Năm 2023, thị trường được đánh giá đang dần ổn định trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát, Trung Quốc mở lại biên giới từ ngày 8/1. Để tiêu thụ vải thiều, tỉnh Bắc Giang đã sớm xây dựng kế hoạch, phương án tiêu thụ.

Lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn cho biết, năm nay huyện phấn đấu tiêu thụ 78.300 tấn vải tươi (chiếm gần 80% sản lượng), trong đó xuất khẩu 43.300 tấn, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. 

Đến nay, UBND huyện đã thành lập 2 đoàn công tác, phối hợp cùng Sở Công Thương khảo sát, tìm hiểu thị trường tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc); các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn cũng như các chợ đầu mối phía Nam.

Thông tin tại hội nghị về tình hình sản xuất và kế hoạch tiêu thụ, xúc tiến, xuất khẩu vải thiều năm 2023 do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức mới đây, năm 2023, tổng diện tích vải thiều của tỉnh là 29.700ha (tăng 1.400ha so với năm 2022). 

Tỷ lệ vải ra hoa đạt tương đương năm 2022, vải sớm ra hoa, đậu quả đạt trên 90%; vải chính vụ ra hoa, đậu quả đạt trên 85%. Sản lượng vải thiều toàn tỉnh dự kiến đạt trên 180.000 tấn.

Nhằm duy trì chất lượng và tiêu chuẩn vải thiều đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, năm nay, Sở NNPTNT Bắc Giang đã đẩy mạnh chỉ đạo các vùng trồng vải duy trì các mã số vùng trồng đối với các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Thái Lan; đồng thời phối hợp với các địa phương rà soát 300 cơ sở đóng gói trên toàn tỉnh.

Cùng với đó, Sở NNPTNT Bắc Giang đã hỗ trợ 5 doanh nghiệp, HTX thực hiện đăng ký xuất khẩu các mặt hàng chế biến có nguồn gốc thực vật sang thị trường Trung Quốc, trong đó Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Lục Ngạn đã được Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu, hồ sơ của 4 đơn vị khác đang chờ Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

Với thị trường Mỹ, ngày 17/3 vừa qua, Sở NNPTNT đã có buổi làm việc với cơ quan APHIS, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Cục BVTV để đánh giá, xem xét điều kiện chiếu xạ tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem