Mỹ - Nga săn hàng, Nhật Bản tăng mua, mới 4 tháng loài thủy sản này của Việt Nam đã thu tỷ USD

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 13/05/2021 19:00 PM (GMT+7)
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu tôm trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng cả về lượng và giá trị do Mỹ - Nga tăng mua, trong khi xuất khẩu tôm sang Nhật Bản cũng trên đà phục hồi.
Bình luận 0

Mỹ - Nga tăng mua, thị trường Nhật Bản phục hồi, xuất khẩu tôm tăng mạnh

Xuất khẩu tôm của Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng sau khi có dấu hiệu chững lại vào năm 2020.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm đạt 106.300 tấn, trị giá 944,38 triệu USD, tăng 8,03% về lượng và tăng 9,74% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Mỹ, Nga, EU, Úc, Anh, Hồng Kông, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, quý I/2021, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ đột nhiên tăng mạnh khi nhu cầu của thị trường này liên tục tăng. 

Theo thống kê của Cơ quan quản lý Khí tượng và thủy văn Hoa Kỳ (NOAA), nhập khẩu tôm của Mỹ  trong tháng 3/2021 tăng tháng thứ 4 liên tiếp, đạt 62.870 tấn, trị giá 525,6 triệu USD, tăng 22% về lượng và tăng 19% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Dự báo, trong thời gian tới, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2020 do nhu cầu của thị trường này vẫn ở mức cao.

 Nhật Bản là thị trường xuất khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam trong quý I/2021, đạt 13.910 tấn, trị giá 124,5 triệu USD, giảm 2,8% về lượng và giảm 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Tuy nhiên, xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản có dấu hiệu phục hồi khi xuất khẩu tháng 3/2021 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020.

Nhu cầu nhập khẩu tôm của Nhật Bản cũng có dấu hiệu phục hồi trong tháng 3/2021 khi tăng 2,8% về lượng so với tháng 3/2020.

Cục Xuất nhập khẩu cũng lưu ý, khi xuất khẩu tôm vào thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp cần chú ý ghi nhãn bằng tiếng Nhật Bản và tuân thủ theo các luật, quy định gồm: Luật Tiêu chuẩn hóa và Ghi nhãn; Luật An toàn vệ sinh thực phẩm; Luật Đo lường; Luật Bảo vệ sức khỏe; Luật khuyến khích sử dụng hiệu quả tài nguyên; Luật Chống lại việc đánh giá cao, sai sự thật và mô tả gây hiểu lầm; các luật liên quan đến sở hữu trí tuệ. 

Trong khi đó, xuất khẩu tôm sang thị trường EU quý I/2021 tăng trưởng khả quan cho thấy các doanh nghiệp ngành này đã tận dụng hiệu quả những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Nhờ EVFTA, ngành tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các nước sản xuất khác.

Xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc lại có dấu hiệu giảm khi nhu cầu nhập khẩu của thị trường này giảm. 

Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, quý I/2021 nhập khẩu tôm nước ấm của nước này đạt 135.000 tấn, trị giá 721 triệu USD, giảm 13% về lượng và giảm 23% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Mỹ - Nga săn hàng, Nhật Bản tăng mua, mới 4 tháng loài thủy sản này của Việt Nam đã thu tỷ USD - Ảnh 1.

Do nhu cầu tăng cao từ Mỹ - Nga, xuất khẩu tôm tăng trưởng khả quan cả về lượng và giá trị trong 4 tháng đầu năm 2021. Ảnh: Thanh Cường.

Xuất khẩu tôm sẽ còn tăng trưởng

Do xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh nên trong quý I/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 438.600 tấn, trị giá 1,736 tỷ USD, tăng 8,8% về lượng và tăng 7,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Quý I/2021, xuất khẩu hầu hết các chủng loại thủy sản đều có trị giá tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu cá khô, cá đóng hộp, chả cá, ghẹ các loại… tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

 Tôm các loại là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất về trị giá và lớn thứ 2 về lượng trong quý I/2021.

Cá tra, basa là mặt hàng có lượng xuất khẩu lớn nhất, đạt 176.400 tấn, trị giá 346,7 triệu USD, tăng 6,33% về lượng và tăng 4,01% về trị giá.

Quý I/2021, xuất khẩu cá khô đạt 20.200 tấn, trị giá 64,5 triệu USD, chiếm 3,71% trong tổng trị giá xuất khẩu thủy sản của cả nước, tăng 87,89% về lượng và tăng 48,83% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá khô chủ yếu của Việt Nam, các thị trường lớn tiếp theo gồm Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), dự báo, năm 2021, xuất khẩu thủy sản, trong đó có xuất khẩu tôm sẽ tăng trưởng khả quan khi nhu cầu thị trường phục hồi và sản lượng thủy sản dự báo tăng. 

Theo kế hoạch của Bộ NNPTNT, diện tích nuôi trồng thủy sản của cả nước năm 2021 sẽ ổn định ở mức 1,3 triệu ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt 450.000ha (cá tra 5.700ha), diện tích nuôi mặn, lợ là 850.000ha (nuôi tôm nước lợ 740.000ha, trong đó 630.000ha nuôi tôm sú và 110.000ha nuôi tôm thẻ chân trắng). 

Sản lượng nuôi trồng thủy sản dự kiến đạt 4,75 triệu tấn, tăng 4,2% so với năm 2020, trong đó sản lượng cá tra 1,55 triệu tấn; sản lượng tôm các loại 980.000 tấn… 

Đặc biệt, xuất khẩu thủy sản, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục phục hồi mạnh do nhu cầu nhập khẩu của các thị trường này có xu hướng tăng.

 Xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU cũng sẽ dần cải thiện, thị phần thủy sản của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của EU có thể sẽ phục hồi trong quý II và quý III/2021. 

Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản trong quý II/2021 tiếp tục chịu tác động bất lợi bởi tình trạng thiếu container và giá cước vận tải tăng cao.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem