Mỹ, Nhật Bản tăng mua, tại sao xuất khẩu một sản phẩm chủ lực của Việt Nam vẫn đột ngột giảm 36%?

P.V Thứ sáu, ngày 03/09/2021 18:30 PM (GMT+7)
Dù nhu cầu từ Mỹ, Nhật Bản và nhiều thị trường tăng cao nhưng trong tháng 8/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn sụt giảm đến 36%.
Bình luận 0

Mỹ, Nhật Bản tăng tốc mua thủy sản của Việt Nam

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), 8 tháng năm 2021, xuất khẩu thủy sản đạt trên 5,6 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2020; Mỹ, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. 

Điều đáng ghi nhận là, 7 tháng năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường lớn đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ và châu Âu tăng mạnh do các doanh nghiệp tận dụng tốt nhu cầu tăng mạnh trên thị trường, trong khi các nước xuất khẩu khác chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19. 

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 cho Mỹ, đạt 130.500 tấn, trị giá 751,4 triệu USD, tăng 35,7% về lượng và tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2020.

 Thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ tăng từ 7,1% trong 6 tháng đầu năm 2020, lên 8,3% trong 6 tháng đầu năm 2021.

7 tháng năm 2021, Mỹ chi tới 1,14 tỷ USD mua thủy sản của Việt Nam, tăng tới 36% so với cùng kỳ năm 2020; trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản đạt 802 triệu USD, tăng 1,7%.

Mỹ, Nhật Bản mua nhiều, xuất khẩu một sản phẩm chủ lực của Việt Nam vẫn đột ngột giảm 36% - Ảnh 1.

Nhu cầu từ Mỹ, Nhật Bản vẫn rất lớn, cần giải pháp tổng lực duy trì chuỗi sản xuất

Tuy nhiên, bước sang tháng 8, xuất khẩu thủy sản sụt giảm mạnh. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 8/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 263,8 triệu USD, giảm 41% so với nửa cuối tháng 7/2021 và giảm 30,1% so với cùng kỳ năm 2020. 

Tính chung trong tháng 8, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt khoảng 520 triệu USD, giảm 36% và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực. Đặc biệt xuất khẩu thủy sản tháng 8 giảm mạnh ở các mặt hàng hải sản (cá ngừ); cá tra và tôm giảm đến 29,7% so với tháng trước.

Sở dĩ có sự sụt giảm mạnh là do tác động của dịch Covid-19, tại các tỉnh ĐBSCL đã có 120/449 nhà máy chế biến dừng hoạt động; các nhà máy đang sản xuất thì công suất chỉ khoảng 30-40%; tuy nhiên chi phí sản xuất của nhà máy tăng, chậm và bị phạt đơn hàng là rất lớn.

Do khó kêu gọi thương lái, nhà máy thu mua thủy sản, thiếu lái xe, phương tiện vận chuyển thu mua tôm nguyên liệu... làm giá mua giảm mạnh, nhất là tôm nguyên liệu. 

"Nếu tình trạng này không được cải thiện, đứt gãy chuỗi sản xuất nuôi trồng thủy sản là rất lớn và nguy cơ thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu trong các tháng cuối năm là rất lớn" - báo cáo của Tổng cục Thủy sản nêu rõ.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn đang căng thẳng ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương) nên bức tranh sản xuất và xuất khẩu thủy sản tháng 9 vẫn ảm đạm.

VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 sẽ tiếp tục giảm ít nhất 20% đạt khoảng 660 triệu USD.

 Với kịch bản từ sau tháng 9, hầu hết công nhân chế biến thủy sản được tiêm vaccine, các công ty không phải sản xuất 3 tại chỗ, xuất khẩu 3 tháng cuối năm sẽ hồi phục nhẹ và có thể đạt được xuất khẩu khoảng 8,5-8,6 tỷ USD. 

Trong đó, xuất khẩu tôm dự báo đạt khoảng 3,9 - 4 tỷ USD, cá tra khoảng 1,5 tỷ USD, xuất khẩu hải sản khoảng 3,1 tỷ USD.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem