Mỹ quay lại CPTPP: Sám hối hay chiêu trò chính trị?

Lư Phổ Ân Thứ ba, ngày 17/04/2018 10:53 AM (GMT+7)
Khi quyết định quay trở lại Hiệp định CPTPP (tiền thân là Hiệp định TPP), liệu Tổng thống Donald Trump có thực sự cần đến mậu dịch tự do hay chỉ là một chiêu trò nhằm giảm áp lực từ đòn áp thuế trả đũa của Trung Quốc?
Bình luận 0

Quyết định bất ngờ

img

Khoảnh khắc Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi TPP. Ảnh: Bloomberg.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây lại gây bất ngờ với tuyên bố xem xét khả năng tiến hành đàm phán về thoả thuận mậu dịch tự do mới với các nước đã từng ký kết với Mỹ thoả thuận về Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – nay là Quan hệ đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo đó, ông Trump cho biết đã giao cho Đặc phái viên về thương mại của Mỹ Robert Lighthizer và cố vấn kinh tế Lary Kudlow xem xét liệu nước Mỹ có thể đạt được thoả thuận "tốt hơn" hay không. Trên danh nghĩa, có thể hiểu ông Trump có ý định đưa nước Mỹ trở lại khu vực mậu dịch tự do bao gồm nhiều nước ở khu vực Thái Bình Dương. Thế nhưng, về thực chất, ông Trumo không ngỏ ý “quay trở lại TPP” vì hiện nay TPP đã không còn tồn tại mà đã được thay thế bằng thỏa thuận CPTPP. Khi Mỹ vắng mặt, 11 nước thành viên còn lại đã cùng ngồi lại với nhau để đảm phán trong nhiều tháng trời trước khi đặt bút ký hôm 8.3.2018 tại Santiago (Chile).

Dù ông Trump không nói cụ thể hơn, vẫn có thể thấy nước Mỹ đang có nhiều lựa chọn: tham gia trực tiếp CPTPP, đàm phán lại cùng 11 thành viên CPTPP để cho ra một thỏa thuận mới hoặc là tồn tại độc lập với CPTPP. Vốn là một doanh nhân sùng bài chủ nghĩa bảo hộ, lý do gì đã khiến vị chủ nhân Nhà Trắng thừa nhận CPTPP và chủ nghĩa mậu dịch tự do?

Nhận thức mới hay chiêu trò chính trị?

img

Đòn trả đũa thuế của Trung Quốc đã bắt đầu khiến ông Trump cảm thấy "rát mặt"?. Ảnh: Daily Post.

Vừa rồi, Tổng thống đã Trump áp dụng mức thuế quan cao đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu nhằm bảo hộ cho những ngành công nghiệp liên quan ở nước Mỹ. Không quá ngạc nhiên, Trung Quốc đã đánh thuế đáp trả và EU cũng đe dọa hành động tương tự.

Tuy nhiên, điều cần chú ý ở đây là cách mà Bắc Kinh và Brussels “trả đòn” Washington: đánh thuế nhằm vào những mặt hàng xuất khẩu không hẳn trọng yếu đối với nước Mỹ, nhưng lại rất trọng yếu đối với sự ủng hộ chính trị của dân chúng Mỹ đối với ông Trump và Đảng Cộng hoà. Cụ thể, Trung Quốc nhằm vào những mặt hàng xuất khẩu xuất xứ từ những vùng miền ở Mỹ mà đa số cử tri đã ủng hộ ông Trump và luôn ủng hộ Đảng Cộng hoà. Khi bị thiệt hại trực tiếp, những người dân ở các vùng miền này sẽ gây áp lực trở lại đối với ông Trump và Đảng Cộng hoà vì không thể làm gì trực tiếp được Trung Quốc.

Có thể thấy, Trung Quốc và EU đã biến xung khắc giữa họ với ông Trump thành xung đột giữa ông Trump và Đảng Cộng hoà với chính những người ủng hộ ở Mỹ. Trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa là nước Mỹ sẽ có cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ, nếu tính toán bất cẩn, Tổng thống Trump và Đảng Cộng hoà sẽ không giữ được lợi thế kiểm soát cả lưỡng viện lập pháp như hiện tại.

Do đó, có thể ông Trump đã biểu lộ ý định đưa nước Mỹ trở lại thoả thuận đa phương về mậu dịch tự do để làm nhụt ý chí đối phó của Trung Quốc, đồng thời ngăn chặn việc Bắc Kinh tập hợp được các nước trong khu vực Thái Bình Dương về cùng phe đối phó chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của mình.

Ngoài ra, cũng rất có thể nhà lãnh đạo này nhận ra rằng nước Mỹ dù có “cá mập” đến đâu cũng không thể bơi ngược dòng mãi được. Trong bối cảnh hiện tại, Washington hiểu rõ rằng nếu muốn đối đầu kinh tế lâu dài với Bắc Kinh, thúc đẩy thương mại với các đối tác khác để bù đắp thiệt hại là chuyện cần làm. Trước mắt, nước Mỹ chỉ có hai lựa chọn: tăng tốc đàm phán lại về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico hoặc quay lại với CPTPP/đạt được thỏa thuận mới với 11 thành viên CPTPP để thay thế thỏa thuận hiện tại.

Khi mà chưa biết rõ câu trả lời cho câu hỏi “nhận thức mới hay chiêu trò chính trị?” và biết rõ Tổng thống Trump là người hay nhanh chóng thay đổi quan điểm chính sách, 11 nước thành viên CPTPP cần thận trọng để không bị lợi dụng, đồng thời phải vừa kiện định tiếp bước tiến trình CPTPP, vừa thiện chí và cởi mở với lời ngỏ ý của ông Trump.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem