Mỹ tăng gần gấp đôi doanh số bán vũ khí cho các thành viên NATO trong năm 2022

Lê Phương (RT) Thứ bảy, ngày 31/12/2022 14:02 PM (GMT+7)
Trong năm 2022, Washington đã phê duyệt các thỏa thuận vũ khí trị giá 28 tỷ USD, trong đó Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic là những khách hàng lớn nhất.
Bình luận 0
Mỹ tăng gần gấp đôi doanh số bán vũ khí cho các thành viên NATO trong năm 2022 - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Doanh số bán vũ khí của Mỹ cho các quốc gia NATO tăng gần gấp đôi cả về số lượng và giá trị vào năm 2022, theo tạp chí Foreign Policy. Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine làm cạn kiệt kho dự trữ quân sự của châu Âu, các nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Mỹ đã chứng kiến giá cổ phiếu tăng vọt.

Chính phủ Mỹ đã phê duyệt 14 thương vụ bán vũ khí lớn cho các thành viên NATO vào năm 2021, với tổng trị giá khoảng 15,5 tỷ USD, tạp chí cho biết, trích dẫn một phân tích về số liệu của Lầu Năm Góc. Đến cuối năm 2022, Washington đã phê duyệt 24 giao dịch bán trị giá khoảng 28 tỷ USD.

Hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine đã khiến các thành viên châu Âu của NATO tích cực tăng cường chi tiêu quân sự, đồng thời bổ sung phương tiện, vũ khí và đạn dược viện trợ cho quân đội Ukraine.

Latvia, Litva và Estonia đều đã đặt hàng Hệ thống tên lửa phóng nhiều lần (MLRS) HIMARS. Đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho phép bán 116 xe tăng M1A1 Abrams cho Ba Lan, sau khi Warsaw gửi xe tăng T-72 thời Liên Xô và xe tăng PT-91 sản xuất trong nước cho lực lượng Kiev.

Do phải liên tục trang bị vũ khí cho Ukraine, các kho dự trữ vũ khí của châu Âu và Mỹ đang dần cạn kiệt, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông và sự thừa nhận của các quan chức hàng đầu. Ngoài số vũ khí bán cho các đồng minh, Mỹ cũng đã phân bổ hơn 110 tỷ USD viện trợ quân sự và kinh tế cho Kiev kể từ tháng 2, với số vũ khí trị giá khoảng 21 tỷ USD được chuyển đến Ukraine tính đến ngày 21/12.

Bốn nhà thầu quốc phòng lớn nhất của Mỹ đều kết thúc năm 2022 với giá trị cổ phiếu ở mức gần hoặc cao nhất mọi thời đại. Giá cổ phiếu của Lockheed Martin hiện tăng 37% so với thời điểm này năm ngoái. Cổ phiếu của Boeing, vốn đã lao dốc kể từ khi các chuyến bay bị đình chỉ trên toàn thế giới do đại dịch Covid-19, đã tăng sau cuộc xung đột Ukraine và hiện đã gần bằng mức 1 năm trước.

Giá cổ phiếu của Raytheon đã tăng 17% trong năm nay, trong khi General Dynamics đã tăng giá trị lên 18%.

Sự thành công của các công ty này gắn liền với nhu cầu về vũ khí ở Ukraine đến nỗi Northrop Grumman, Raytheon, Pratt & Whitney và Lockheed Martin đều đã tài trợ cho một buổi tiếp tại đại sứ quán Ukraine ở Washington, DC vào đầu tháng này. Cuộc gặp gỡ này đã gây ra tranh cãi sau khi họ quảng bá vũ khí của mình qua logo trên thiệp mời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem