Mỹ-Trung nhìn từ chiến thuật "Ngoại giao Chiến lang" của Bắc Kinh và "Cuộc thập tự chinh" của Donald Trump

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ sáu, ngày 21/08/2020 14:39 PM (GMT+7)
Trung Quốc tăng cường thực thi cái gọi là "Ngoại giao Chiến lang" với nhiều đối tác khác nhưng lại không với Mỹ.
Bình luận 0
Mỹ-Trung nhìn từ chiến thuật "Ngoại giao Chiến lang" của Bắc Kinh và "Cuộc thập tự chinh" của Donald Trump - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Từ đầu năm 2020 này đến nay, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên xấu đi như thể bước vào một lối rẽ khác và mức độ tồi tệ đi ấy gia tăng theo thời gian, đạt hết đỉnh điểm này đến đỉnh điểm khác. Kể từ khi Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với nhau năm 1979 đến nay, chưa thấy có khi nào mối quan hệ song phương này sa sút nghiêm trọng đến như vậy trong khoảng thời gian ngắn đến như vậy.

Hình ảnh chủ đạo của mối quan hệ song phương này biểu hiện ra bên ngoài là Mỹ gây chuyện và tấn công Trung Quốc trên mọi phương diện trong khi Trung Quốc chỉ đỡ đòn và trả đũa. Trung Quốc tăng cường thực thi cái gọi là "Ngoại giao Chiến lang" với nhiều đối tác khác nhưng lại không với Mỹ.

Cuộc thập tự chinh của tổng thống Mỹ Donald Trump và cộng sự nhằm vào Trung Quốc có nguyên do ở cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ, nhưng chắc chắn không chỉ có vì thế bởi trong thực chất, phía Mỹ đã có những điều chỉnh chiến lược và chính sách rất cơ bản và rất rõ nét, theo bài bản chứ không rời rạc đối với Trung Quốc.

Ở thời nào và ở đâu cũng vậy xưa nay trên thế giới, đối ngoại luôn được sử dụng phục vụ cho cả nhu cầu đối nội. Mục tiêu được ông Trump coi trọng hàng đầu và ưu tiên hàng đầu hiện tại là tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 3/11 tới ở Mỹ. So với cách đây 4 năm vào cùng thời điểm hai tháng rưỡi trước ngày bầu cử, tình thế của ông Trump hiện tại khó khăn hơn rất nhiều và việc bảo vệ vị thế cầm quyền còn không dễ thành công bằng việc giành về vị thế cầm quyền. 

Có hai nguyên do chính là ông Trump không được đa số cử tri ở Mỹ xác nhận là cầm quyền thành công và phe Đảng Dân chủ tỏ ra đã rất thấm thía những bài học thất bại của bà Hillary Clinton năm 2016. Qua đại hội đảng vừa rồi của phe Đảng Dân chủ Mỹ tổ chức trực tuyến để chính thức đề cử cựu phó tổng thống Joe Biden và nữ thượng nghị sỹ da đen Kamala Harris làm ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống có thể thấy được rất rõ điều ấy. 

Càng khó thành công với việc xoay chuyển tình trạng kinh tế suy thoái nghiêm trọng và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao chưa từng thấy kể từ rất nhiều thập kỷ trở lại đây, với việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra cũng như xoa dịu được phản ứng bất bình của người Mỹ tham gia tạo nên làn sóng mạnh mẽ phản đối phân biệt mầu da và bạo lực của cảnh sát người da trắng đối với người da màu ở Mỹ, ông Trump càng cần hiệu ứng của việc dùng đối nội phục vụ đối ngoại.

Ông Trump đã đạt được thoả thuận với Taliban ở Afghanistan nhưng Mỹ vẫn chưa thể nhanh chóng rút hết quân đội ra khỏi Afghanistan. Ông Trump thành công với việc trung gian để Israel và UAE thoả thuận thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với nhau, nhưng chuyện này không thật sự thiết thực đến cơm áo gạo tiền hàng ngày của người Mỹ. Ông Trump vẫn chưa thành công với việc giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran và Triều Tiên theo ý riêng, cũng không khuất phục được Cuba và Venezuela. 

Cho nên chỉ có làm găng với Trung Quốc là đắc dụng nhất đối với ông Trump bởi qua đó có thể khai thác và tận lợi được tối đa khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" trong đối ngoại. Vì thế, càng gần đến thời điểm cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, ông Trump càng để cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trượt dốc không phanh.

Nhưng đồng thời cũng lại có thể thấy những điều chỉnh chiến lược và chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc mà ông Trump đã thực hiện trong thời gian vừa qua có phạm vi và tầm tác động vượt xa thời điểm cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ. Mối quan hệ song phương này đã bắt đầu thay đổi thực chất và cơ bản chứ không chỉ cho nhất thời. 

Xung khắc thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc hay Mỹ cáo buộc Trung Quốc liên quan đến dịch bệnh và Tổ chức Y tế thế giới chỉ là chuyện phụ. Mỹ thay đổi chính sách đối với Hồng Công và khu vực Biển Đông, Mỹ tăng cường quan hệ chính thức với Đài Loan, Mỹ nỗ lực tập hợp lực lượng trên thế giới cùng đối phó Trung Quốc và Mỹ triệt hạ các doanh nghiệp Trung Quốc trên thị trường Mỹ mới là những cú đòn nặng nề nhất với hệ luỵ mang tính chiến lược hiện tại cũng như về lâu dài tai hại nhất đối với Trung Quốc. 

Rõ ràng là Mỹ đang chuyển từ giai đoạn vừa hợp tác vừa đối phó sang giai đoạn đối phó nhiều hơn hợp tác với Trung Quốc. Rõ ràng phía Mỹ đã đi đến nhận thức là Trung Quốc hiện đã trở nên mối nguy hiểm quá lớn và thách thức quá ghê gớm đối với lợi ích của Mỹ đến mức nếu không đối phó Trung Quốc thì sẽ quá muộn và rồi đây không còn có thể đối phó Trung Quốc được hữu hiệu nữa. 

Rõ ràng là phía Mỹ đã hạ quyết tâm không để cho Trung Quốc thực hiện thành công những mục tiêu phát triển cao xa đã đề ra, nói theo cách khác, Mỹ quyết không để Trung Quốc hiện thực hoá được cái gọi là "Giấc mơ Trung Hoa". Rồi đây, dù ông Trump tiếp tục cầm quyền ở Mỹ hay bị thay thế bằng cặp Biden/Harris thì chiều hướng diễn biễn này vẫn sẽ còn tiếp tục trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem