Mỹ, Trung Quốc, EU tăng mua thuỷ sản từ Việt Nam, 1 loài cá còn không có đối thủ, giá bán tăng vọt

Thiên Ngân Thứ năm, ngày 28/04/2022 11:00 AM (GMT+7)
Tháng 3/2022, cả thế giới nóng lên vì chiến sự Nga – Ukraina. Thương mại thủy sản toàn cầu cũng bị ảnh hưởng khi giá xăng dầu tăng, cước vận tải biển, chi phí logistic đội lên mỗi ngày. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng qua vẫn ghi nhận trên 1 tỷ USD, cao kỷ lục.
Bình luận 0

Xuất khẩu thuỷ sản tăng mạnh ở các thị trường lớn

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý đầu tiên của năm 2022, xuất khẩu (XK) thủy sản của cả nước đã mang về trên 2,5 tỷ USD, tăng gần 46% so với quý I/2021. 

Trong đó, tôm chiếm 38% với gần 955 triệu US, cá tra chiếm 26% với 654 triệu USD, cá ngừ 259 triệu USD, chiếm trên 10%. Các loại nhuyễn thể, bao gồm mực bạch tuộc và nhuyễn thể có vỏ chiếm 7,5% với 189 triệu USD. Các loại cá biển khác chiếm 17% với 421 triệu USD.

Trong tháng 3, XK thủy sản sang Nga giảm sâu 86%, nhưng bù lại XK sang các thị trường khác đều tăng trưởng đột phá từ 30 - 88%. 

Đặc biệt, giá trung bình XK thủy sản sang các thị trường hầu hết đều tăng và đây là yếu tố chính giúp cho kim ngạch XK thủy sản trong 3 tháng đầu năm nay đạt mức cao nhất của quý I các năm. Trong đó, giá cá tra XK sang các thị trường chính tăng từ 40 – 70%, giá XK các sản phẩm khác cũng tăng đáng kể.

Xuất khẩu thủy sản lần đầu vượt 1 tỷ USD trong 1 tháng: Lập kỳ tích trong muôn vàn khó khăn - Ảnh 1.

Đóng gói ngao nguyên con đông lạnh để xuất khẩu tại Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam. Ảnh: C.T

Việt Nam có 5 thị trường XK thủy sản lớn nhất tại EU bao gồm Hà Lan, Đức, Bỉ, Italy và Pháp (tổng cộng chiếm 72%). Đáng lưu ý, trong năm qua, XK nhuyễn thể có vỏ sang thị trường EU tăng mạnh 37%, đạt 87 triệu USD, trong đó nghêu đã trở thành loài thủy sản có giá trị XK lớn thứ 4 sang thị trường EU.

Dù bị ảnh hưởng bởi chính sách chống dịch "zero Covid" của Trung Quốc, XK thủy sản Việt Nam sang thị trường này vẫn hồi phục mạnh nhất trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm với mức tăng trưởng gần 90% so với cùng kỳ năm 2021.

Việt Nam XK thủy sản sang Trung Quốc qua gần 30 cảng tại nước này, với khối lượng gần 200.000 tấn trong 3 tháng đầu năm nay. Cá tra chiếm trên 50% kim ngạch XK thủy sản sang Trung Quốc-Hongkong, và tăng gấp hơn 2,5 lần so với quý I năm ngoái. 

Giá trung bình XK cá tra sang Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm nay đạt trên 2,5 USD/kg, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái; tương tự mặt hàng tôm cũng tăng gần 70%, giá tôm XK trung bình đạt 8,64 USD/kg, tăng 36%.

Cũng theo VASEP, thị trường Mỹ vẫn giữ ngôi vị thứ nhất trong XK thủy sản của nước ta, chiếm 23% tổng kim ngạch. 

Đáng mừng hơn nữa là XK tất cả các sản phẩm chủ lực sang Mỹ trong quý I đều tăng từ 45 - 125% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK cá tra tăng mạnh nhất với 124%, giá đạt 4,62USD/kg, tăng mạnh gần 70% so với cùng kỳ 2021năm ngoái.

Tận dụng tốt cơ hội, đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản có trách nhiệm 

Tình hình xuất khẩu thuận lợi đã kéo theo giá cá tra nguyên liệu trong nước tăng mạnh, hiện đạt 30.000-32.000 đồng/kg. 

Theo ông Nguyễn Thành Sơn (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, Tiền Giang), với giá cá tra như trên, người nuôi lãi khoảng 7.000 đồng/kg. Tuy giá cá tra có lúc giảm sâu, song gia đình ông vẫn cố gắng đeo đuổi nghề nuôi cá tra xuất khẩu. 

Hiện ông có 2 ao nuôi, tổng diện tích khoảng 2.000m2. Sản lượng cá xuất ao của gia đình ông Sơn đợt này đạt khoảng 200 tấn.

Tại Hội nghị giao thương trực tuyến thủy sản Việt Nam-EU 2022 vừa được Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp các Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước EU tổ chức, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, trong nhiều năm qua, EU luôn được biết đến là một trong những thị trường XK thủy sản hàng đầu của Việt Nam.

Sau chiến dịch tiêm phòng Covid-19 và gói kích thích kinh tế từ đầu năm 2021, nhu cầu thủy sản tại thị trường EU đã hồi phục rõ rệt. Cùng với lợi thế thuế quan từ Hiệp định EVFTA (có khoảng 220 số dòng thuế các sản phẩm thủy sản có thuế suất cơ sở từ 0-22%), nên Việt Nam có cơ hội lớn để thúc đẩy XK các sản phẩm thủy sản sang thị trường này.

Mỹ, Trung Quốc, EU tăng mua thuỷ sản từ Việt Nam, 1 loài cá còn không có đối thủ, giá bán tăng vọt - Ảnh 4.

Tình hình xuất khẩu thuận lợi đã kéo theo giá cá tra nguyên liệu trong nước tăng mạnh. Ảnh: I.T

Trong 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang EU đạt 28 triệu USD, tăng gần 76%; tôm đạt 159 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, XK đơn lẻ sang 3 thị trường chính là Hà Lan, Đức, Bỉ tăng lần lượt là 77%, 59% và 82%.

Nhu cầu nhập khẩu tôm vào EU thường tăng vào mùa hè và mùa thu, vì vậy các nhà nhập khẩu tại thị trường này đã chuẩn bị kỹ các đơn hàng từ thời điểm đầu năm.

Chia sẻ về nhu cầu thị trường, bà Lê Hoàng Thuý - Tham tán thương mại tại Thụy Điển kiêm nhiệm Phần Lan, Iceland và Latvia cho hay, mặc dù Bắc Âu có mức tiêu thụ tính bình quân trên đầu người cao, nhưng Việt Nam XK sang thị trường này không đáng kể. Tuy nhiên, nếu không tính nhập khẩu nội khối thì Việt Nam XK sang EU chỉ sau Trung Quốc.

Hiện tại, Việt Nam không có đối thủ XK cá tra sang Bắc Âu nhưng kim ngạch vẫn thấp, do đây là thị trường nhỏ, địa lý xa xôi. 

Bởi vậy, đa phần đều nhập khẩu từ Việt Nam thông qua các thị trường khác như Hà Lan, Đức, Bỉ, Pháp. Đối với mặt hàng tôm, đây là thuỷ sản chủ lực của Việt Nam sang Bắc Âu và lớn thứ 2 sang EU.

Bà Thúy cho biết thêm, tính bền vững của thủy sản cũng là một xu hướng đang phát triển ở châu Âu và đang dần được đưa vào các hệ thống quản lý trong tương lai. Điều này có nghĩa là theo thời gian, EU sẽ thắt chặt hơn việc sử dụng các tiêu chuẩn thực hành sản xuất có trách nhiệm với xã hội và môi trường đối với thủy sản nhập khẩu vào EU.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem