Mỹ-Trung thương chiến hết thời sự

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ sáu, ngày 26/06/2020 15:19 PM (GMT+7)
Cách đây hai năm, vào ngày 15/6/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc xung khắc thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc với quyết định áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với 50 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Bình luận 0


Mỹ-Trung thương chiến hết thời sự - Ảnh 1.

Thương chiến Mỹ-Trung hết tính thời sự vì dịch Covid-19.

Ngày này trở thành một dấu mốc đặc biệt trong mối quan hệ song phương này. Qua nhiều bước đi tiếp theo trong khoảng thời gian một năm từ dấu mốc ấy, ông Trump đã quyết định áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với toàn bộ giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Sau 13 vòng đàm phán thương mại, Mỹ và Trung Quốc đạt được thoả thuận sơ bộ tạm thời mà họ gọi là Thoả thuận thương mại giai đoạn 1.

 Nội dung cốt lõi của thoả thuận này là Mỹ không áp thuế quan bảo hộ thương mại thêm đối với hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đổi lại, phía Trung Quốc cam kết nhập khẩu thêm 200 tỷ USD hàng hoá của Mỹ trong thời gian 2 năm, trong đó có 50 tỷ USD về dầu lửa và khí đốt, hàng hoá công nghiệp 80 tỷ USD và 32 tỷ USD nông phẩm. Hai bên chưa kịp thực hiện thoả thuận này chứ chưa nói đến tiến hành đàm phán về thoả thuận tiếp theo thì đã xảy ra hàng loạt chuyện mới trong quan hệ song phương khiến cho cuộc xung khắc thương mại mất dần tính thời sự nổi bật trong quan hệ song phương.

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra bùng phát ở Trung Quốc rồi lây lan sang Mỹ. Nguồn gốc dịch bệnh này, cách thức Trung Quốc thông tin về dịch bệnh và ứng phó dịch bệnh, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là những vấn đề khiến cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ nhanh chóng bị xấu đi rõ rệt. Tiếp đến là Đài Loan, Hồng Công, Tân Cương và hành động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Mối quan hệ song phương này trở nên tồi tệ như chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua. Rồi ông Trump doạ cắt đứt mọi quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại với Trung Quốc, tức là không xung khắc thương mại thuần tuý nữa mà tách biệt hai nền kinh tế này ra khỏi nhau.

Cuộc thương chiến hết tính thời sự bởi có những chuyện khác được dành cho tính thời sự. Dịch bệnh đã tác động rất tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế của cả Mỹ lẫn Trung Quốc, đẩy cả hai nền kinh tế này vào tình trạng sa sút tăng trưởng (ở Trung Quốc) và suy thoái trầm trọng (ở Mỹ). Xuất nhập khẩu đều giảm khiến cho cả các biện pháp áp thuế quan bảo hộ thương mại lẫn cam kết tăng nhập khẩu đều không thể thực thi và phát huy được tác dụng trên thực tế.

Khi phát động cuộc xung khắc thương mại với Trung Quốc, ông Trump nhằm hai mục đích  là triệt hạ thâm hụt của Mỹ trong trao đổi thương mại với Trung Quốc và dùng cuộc xung khắc thương mại để đẩy mạnh cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trên mọi phương diện. Xung khắc thương mại được ông Trump chủ ý sử dụng làm phương tiện và phương cách giúp Mỹ có được chủ động và thế áp đảo trong cuộc chơi cạnh tranh chiến lược này. Tác động chính trị đối nội của việc này được ông Trump đặc biệt coi trọng vì ông Trump nhìn nhận nó là biểu hiện rõ nét và đầy sức thuyết phục của khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" và bản lĩnh lãnh đạo của chính mình.

Những diễn biến trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian qua cho thấy đã có sự thay đổi về mục tiêu ưu tiên trong chính sách của ông Trump đối với Trung Quốc, cụ thể là người này coi trọng việc xử lý các vụ việc cụ thể hiện tại trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hơn là tập trung cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Nguyên do là ông Trump nhằm chủ yếu vào cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ, trước mắt chỉ cần xa đến vậy chứ không xa hơn. Ông Trump chủ trương chơi cái gọi là Con bài Trung Quốc mà hiệu ứng ông Trump muốn có được từ đó là quan điểm thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc vì lợi ích của nước Mỹ. Cho nên ông Trump xung khắc với Trung Quốc trên mọi chiến tuyến phía Mỹ có thể xung khắc được với phía Trung Quốc. Đẩy mạnh xung khắc thương mại không thôi vừa không khả thi lại không thể đủ mức đối với ông Trump vào lúc này.

Từ đó có thể thấy ít nhất thì cũng cho tới ngày có cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc còn tồi tệ hơn nữa nhưng xung khắc thương mại song phương lại không gia tăng. Ông Trump doạ ngừng hoàn toàn quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư của Mỹ với Trung Quốc (tức là tách biệt hai nền kinh tế ra khỏi nhau) để đề cao hình ảnh cá nhân ở Mỹ thế thôi chứ làm thật thì sẽ lợi bất cập hại đối với Mỹ. Mỹ và Trung Quốc đã lệ thuộc lẫn nhau đến mức không còn có thể tách biệt được hai nền kinh tế này ra khỏi nhau. Tuy nhiên, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc nói chung và trên phương diện hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư nói riêng sẽ thay đổi rất cơ bản và sâu sắc trong thời gian tới mà một trong những nguyên nhân rất quyết định là tác động của dịch bệnh khiến phía Mỹ đằng nào cũng phải tìm cách giảm bớt mức độ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, vào chuỗi tạo giá trị và chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem