Mỹ và cuộc chiến kéo dài với gián điệp Trung Quốc

Thứ sáu, ngày 04/10/2019 12:33 PM (GMT+7)
Chính phủ Mỹ thời gian qua liên tục nhấn mạnh mối đe dọa an ninh từ tình báo Trung Quốc và truy tố nhiều điệp viên của Bắc Kinh.
Bình luận 0

1/4 năm nay, Từ Ngạn Quân đang ung dung rảo bước trên những con đường sầm uất tại quận Sainte Catherine của Brussels. Ông đến đây đúng kỳ nghỉ lễ cuối tuần Phục sinh tại châu Âu. Trước đó, vị khách du lịch Trung Quốc đáp máy bay tại Amsterdam, Hà Lan, rồi lái ôtô đến thủ đô nước Bỉ.

Tuy nhiên, trong danh sách theo dõi của Mỹ, Từ Ngạn Quân không phải là du khách bình thường. Ông bị cáo buộc đến Bỉ để gặp một nhân viên người Mỹ của tập đoàn GE Aviation chuyên thiết kế động cơ máy bay. Công ty này đã tốn hàng chục năm và hàng triệu USD để phát triển vật liệu composite giúp chế tạo cánh quạt và thùng máy động cơ máy bay nhẹ, chắc chắn và có giá cả cạnh tranh hơn.

Theo cơ quan công tố Mỹ, Từ Ngạn Quân làm việc cho Bộ An ninh Quốc gia (MSS) của Trung Quốc. Cuộc gặp tại Brussels thật ra là thương vụ trao đổi các bí mật kinh doanh đang giúp GE Aviation nắm vị thế dẫn đầu thị trường công nghệ hàng không.

Điệp viên Trung Quốc không biết từ lâu mình đã lọt vào tầm ngắm của giới chức Mỹ.

01: Từ chiến dịch tình báo bại lộ.

Thay vì gặp đối tác ở Brussels để hoàn tất thương vụ mua bí mật công nghệ, Từ Ngạn Quân được chào đón bởi cảnh sát Bỉ. Ông bị bắt giữ theo lệnh truy nã quốc tế của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).

Kế hoạch đánh cắp thông tin mật của GE Aviation được xúc tiến vào tháng 3/2017. Nhân viên người Mỹ, sau trở thành nguồn tin của Từ Ngạn Quân, nhận được một email lạ từ Đại học Hàng không và Thiên văn Nam Kinh (NUAA), tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Thư mời người kỹ sư Mỹ tham gia chương trình "trao đổi" tại Trung Quốc, bao thầu toàn bộ chi phí đi lại và ăn ở.

Gần hai tháng sau, người kỹ sư được đề nghị cung cấp báo cáo kỹ thuật chuyên sâu về vật liệu mới của GE Aviation trong ngành chế tạo động cơ máy bay. Người này đến Trung Quốc trong vòng một tuần và có bài phát biểu tại một hội thảo vào ngày 2/6/2017. Đó cũng là thời điểm Từ Ngạn Quân bắt đầu tiếp cận mục tiêu của mình.

Theo hồ sơ của Bộ Tư pháp Mỹ, ông Từ là phó giám đốc văn phòng của MSS tại tỉnh Giang Tô. Tuy nhiên, khi gặp kỹ sư của GE Aviation, điệp viên này tự giới thiệu là Khuất Huy, làm việc cho một tổ chức thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ. "Nhà hảo tâm" người Trung Quốc cho biết ông là người chi trả toàn bộ chi phí đi lại và ăn ở của kỹ sư Mỹ, kèm với khoản thù lao cho bài phát biểu lên đến 3.500 USD.

Hai người tiếp tục giữ liên lạc và trao đổi tài liệu. Ý định của Từ Ngạn Quân theo thời gian được thể hiện rõ là muốn tiếp cận những thông tin nhạy cảm trong nội bộ tập đoàn công nghệ hàng không Mỹ.

img

Đến tháng 2, người kỹ sư gửi cho đối tác Trung Quốc tài liệu với trang đầu là logo của tập đoàn và lời cảnh báo đấy là tài liệu mật. Từ vẫn chưa cảm thấy hài lòng và yêu cầu gửi thêm. Khi người nhân viên bày tỏ lo ngại tiết lộ bí mật kinh doanh của tập đoàn, điệp viên MSS lập tức đề nghị hai người gặp trực tiếp, đồng thời yêu cầu đối tác sao chép đề mục các tài liệu từ hệ thống máy tính cơ quan.

Đến lúc này, những hành động đáng ngờ của tay kỹ sư đã được GE Aviation phát hiện. Ông sau đó chấp nhận phối hợp điều tra cùng tập đoàn và cơ quan chức năng. Đây là bước ngoặt nằm ngoài dự tính của Từ Ngạn Quân. Điệp viên này tiếp tục yêu cầu đối tác cung cấp một ổ cứng chứa dữ liệu mật và lên lịch hẹn ở châu Âu.

"Đây sẽ không phải là lần làm ăn cuối cùng giữa chúng ta đâu", Từ viết trong một email gửi đối tác người Mỹ, không mảy may biết rằng gần hai tháng sau mình sẽ sa lưới của FBI.

Cơ quan công tố Mỹ cho biết Từ Ngạn Quân bắt đầu thiết lập quan hệ với hàng loạt viện nghiên cứu và trường đại học Trung Quốc từ năm 2013. Thông qua mạng lưới này, Từ xác định và lôi kéo những kỹ sư có khả năng tiếp cận các công nghệ bí mật tại Mỹ mà Trung Quốc đang cần phát triển. Văn phòng của MSS ở Giang Tô sau đó chuyển tài liệu đến chính phủ, cung cấp cho giới học giả và các công ty nội địa. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phủ nhận mọi cáo buộc, chỉ trích vụ án là "hoàn toàn bịa đặt".

NUAA - đơn vị mời kỹ sư người Mỹ sang "trao đổi học thuật" - là trường đại học có liên kết với Bộ Công nghệ Thông tin và Công nghiệp Trung Quốc. Đây là một trong những trường đại học công nghệ hàng đầu của Trung Quốc và hợp tác với hàng loạt nhà sản xuất bộ phận máy bay.

Trong thông cáo chính thức, NUAA xác nhận Từ Ngạn Quân là học viên thạc sĩ của trường, nhưng phủ nhận mọi cáo buộc hoạt động gián điệp từ cơ quan công tố Mỹ. "Trường chúng tôi là đơn vị cung cấp và sử dụng hợp pháp các tài sản trí tuệ. Chúng tôi luôn tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Chúng tôi không bao giờ ủng hộ các hành vi đánh cắp bản quyền", NUAA khẳng định.

Trái với các khẳng định của phía Trung Quốc, cơ quan công tố Mỹ cho biết phó giám đốc văn phòng MSS tại Giang Tô đã thảo luận về kế hoạch đánh cắp công nghệ tiếp nhiên liệu trên không từ tháng 4/2014. Ông còn gửi nhiều tài liệu cho cộng sự có quan hệ với một công ty chuyên sản xuất phụ tùng động cơ máy bay trong nước. Từ còn lôi kéo một kỹ sư khác tại Mỹ gửi cho mình các tài liệu về máy bay không người lái, sau đó chuyển tiếp đến NUAA.

Gián điệp Trung Quốc bị tạm giam 6 tháng tại Bỉ trước khi được dẫn độ về Mỹ. Phiên tòa xét xử Từ Ngạn Quân dự kiến diễn ra vào 2019 với các cáo buộc âm mưu thực hiện hoạt động gián điệp kinh tế và đánh cắp bí mật thương mại.

Lần đầu tiên cơ quan chức năng Mỹ tiến hành dẫn độ và khởi tố một viên chức tình báo của Trung Quốc với tội danh gián điệp kinh tế. Tuy nhiên, đây chỉ là bước leo thang cuộc chiến phản gián của Washington trước mạng lưới tình báo khổng lồ mà Bắc Kinh phát triển nhiều năm qua.

02: Cuộc chiến tình báo mới.

"Không ai bất ngờ nếu Trung Quốc cài gián điệp tại Mỹ và ngược lại. Trung Quốc có thể nói đang giữ vị thế cường quốc thứ hai thế giới. Việc hai nước nhìn nhau bằng con mắt hoài nghi và tìm kiếm thông tin về đối thủ là điều khó tránh khỏi", Michael Auslin, chuyên gia tại Viện Hoover, Đại học Stanford, nhận định.

"Mỹ cũng có nhiều đồng minh quốc phòng tại châu Á, trong đó nhiều nước cũng có vấn đề riêng với Trung Quốc. Mỹ đồng thời duy trì hiện diện quân sự dày đặc tại Thái Bình Dương. Nếu Mỹ không tiến hành do thám ngược lại, đó mới là câu chuyện gây sốc", ông phân tích.

Tuy nhiên, Mỹ phẫn nộ không chỉ vì đối thủ tìm cách khai thác bí mật quân sự vì những mục đích an ninh. Chiến dịch Bắc Kinh phát động mang tính "xâm lấn" cao hơn những phi vụ gián điệp thời Chiến tranh Lạnh, nhắm cả vào các doanh nghiệp và công dân Mỹ.

Từ những năm 1990, chính phủ Mỹ từng cáo buộc gián điệp Trung Quốc đánh cắp thiết kế vũ khí hạt nhân, công nghệ máy tính và tên lửa. Những thông tin này cho phép Bắc Kinh hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân với tốc độ chóng mặt.

Báo cáo mới đây của Lầu Năm Góc kết luận Trung Quốc có khả năng xâm nhập gần như mọi chương trình sản xuất quốc phòng đang hoạt động, đe dọa làm suy yếu vị thế vượt trội về chất lượng vũ khí của quân đội Mỹ trước các đối thủ, theo Washington Post.

"Hàng triệu người Mỹ thậm chí được cơ quan chức năng cảnh báo thông tin của họ, được lưu trữ trong các server chính phủ, nhiều khả năng đã bị tin tặc Trung Quốc tiếp cận", Auslin viết trên trang Spectator của Anh.

img

"Từ năm 2011-2018, hơn 90% các vụ án gián điệp kinh tế được bộ xử lý đều được thực hiện bởi Trung Quốc hoặc làm lợi cho một bên có liên quan đến Trung Quốc. Hơn 2/3 số vụ án đánh cắp bí mật thương mại đều có dấu vết của Trung Quốc", báo cáo của Bộ Tư pháp Mỹ gửi Ủy ban Tình báo Thượng viện ngày 12/12 nhấn mạnh.

Bản báo cáo cũng thừa nhận cơ quan điều tra không thể tìm ra mối liên hệ trực tiếp với chính phủ Trung Quốc trong mọi vụ án đánh cắp bí mật thương mại. Tuy nhiên, những vụ án này gần như luôn mang lại lợi ích cho chính sách kinh tế mà Bắc Kinh công bố theo đuổi. Thực trạng luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn lỏng lẻo, thái độ bất hợp tác trong quá trình điều tra và vai trò áp đảo của các tập đoàn nhà nước được cho là những nhân tố khiến Mỹ cáo buộc chính phủ Trung Quốc liên quan đến các âm mưu gián điệp kinh tế.

"Ví dụ điển hình là đợt tuyên án công ty Trung Quốc Sinovel Wind Group đánh cắp công nghệ tua-bin điện gió từ một công ty Mỹ, khiến phía nguyên đơn thiệt hại gần 1 tỷ USD và 700 việc làm", báo cáo nêu rõ.

"Một ví dụ khác gần đây hơn là vụ việc nhà khoa học Trung Quốc đánh cắp các mẫu gạo biến đổi gen với ứng dụng y sinh học, làm lợi trực tiếp cho một viện giống cây trồng của Trung Quốc - cũng chính là nơi nhận các hạt giống này", Bộ Tư pháp Mỹ cho biết.

Vụ bắt giữ Từ Ngạn Quân tại Brussels được phía Mỹ đánh giá là ví dụ cụ thể nhất cho thấy kế hoạch của Trung Quốc: chỉ đạo các quan chức tình báo phối hợp sát sao cùng những công ty nội địa đánh cắp bí mật kỹ thuật từ phương Tây, sau đó tận dụng để phát triển kinh tế quốc gia.

"Xét trên góc độ mối đe dọa an ninh và lợi ích của nước Mỹ, vị trí số một hiện thuộc về Trung Quốc", Bill Evanina, cựu quan chức FBI và hiện là giám đốc Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia (NCSC), nhận định.

03: Trung Quốc tuyển mộ gián điệp như thế nào ? 

Vụ GE Aviation không phải là nghi án gián điệp duy nhất có dấu vết của Trung Quốc trong ngành công nghiệp hàng không của Mỹ. Trong một nghi án được phát hiện vài tuần sau khi Từ bị bắt giữ, Mỹ tiếp tục truy tố một nhóm sĩ quan tình báo và tin tặc khác tại Trung Quốc. Các đối tượng đều bị cáo buộc liên quan đến văn phòng Giang Tô của MSS.

Trong vụ án này, điệp viên của MSS tiếp cận một kỹ sư người Trung Quốc làm việc cho công ty hàng không Pháp, có trụ sở tại Tô Châu. Người nhân viên sau đó kết nối USB chứa mã độc vào hệ thống máy tính của công ty, mở đường cho tin tặc Trung Quốc xâm nhập và đánh cắp thông tin nhạy cảm. Các điệp viên Trung Quốc còn có một nhân viên tin học trong nội bộ công ty, giúp họ xóa dấu vết sau khi chiến dịch hack bị cơ quan chức năng phát hiện.

Điểm chung của các nghi án gián điệp hay tấn công mạng nói trên chính là yếu tố con người. Những cá nhân bên trong các công ty được nhắm đến, dù vô tình hay cố ý, chính là con đường để điệp viên Trung Quốc thu thập bí mật thương mại. Câu hỏi ở đây là: làm cách nào các điệp viên Trung Quốc xác định những người có khả năng trở thành đầu mối tình báo?

img

Lời giải cho bài toán này phần nào được thể hiện qua vụ án của một du học sinh Trung Quốc tên Quý Siêu Quần. Người này đến Mỹ vào tháng 8/2013 để theo học thạc sĩ ngành kỹ sư điện tại Viện Công nghệ Chicago, bang Illinois. Năm 2016, anh bất ngờ đăng ký nhập ngũ lực lượng quân dự bị của Mỹ. Tuy nhiên, FBI cho biết Quý đã được tình báo Trung Quốc tiếp cận trong một hội chợ việc làm tại nước nhà.

Theo cáo trạng gửi tòa án Ohio, người du học sinh chính là đầu mối cung cấp cho điệp viên Trung Quốc lý lịch và mô tả hành vi của ít nhất tám kỹ sư người Mỹ có quê quán tại Trung Quốc hoặc Đài Loan. Bảy trong số này đều đang hoặc đã làm việc cho một số nhà thầu quốc phòng Mỹ và có chế độ tiếp cận thông tin mật.

Theo Wired, những người như Quý Siêu Quần được giới tình báo gọi là "người chỉ điểm". Những nhân tố này có nhiệm vụ phát hiện các mục tiêu tiềm năng, sau đó chuyển về cho sĩ quan tình báo khác đánh giá và tiếp cận.

"Người chỉ điểm" thường được cài vào các viện cố vấn chính sách, đại học hoặc tập đoàn. Họ không trực tiếp tham gia vào quá trình tuyển mộ điệp viên, và duy trì khoảng cách giữa cơ quan gián điệp "nhà" và các đối tượng khoảng hai đến ba nhân vật trung gian. Điều này cho phép "người chỉ điểm" duy trì bí mật danh tính nếu kế hoạch tuyển dụng bị bại lộ.

Theo Bill Evanina, tình báo Trung Quốc sử dụng cực kỳ hiệu quả các trang mạng xã hội như Linkedin để lập danh sách mục tiêu tiềm năng, rồi chuyển cho "người chỉ điểm" thu thập thêm thông tin.

"Nhìn từ góc độ tình báo, việc sử dụng các công cụ này vừa có rủi ro thấp, lại có kết quả cao. Nếu bạn gửi đi 30.000-40.000 email, rồi nhận được từ 20-40 người phản hồi có nắm giữ công nghệ và sẵn sàng đến Trung Quốc trình bày, bạn đã có một chiến dịch truy tìm rất thành công", ông đánh giá.

Sau khi hoàn thành công đoạn xác định mục tiêu, các gián điệp Trung Quốc bắt tay vào việc đánh giá đối tượng tiềm năng, phát triển các mối quan hệ, chính thức tuyển mộ rồi đề nghị tiết lộ bí mật công nghệ.

Theo giới chuyên gia phản gián, cơ quan tình báo Trung Quốc sẽ tập trung tìm kiếm bốn điểm yếu khiến đối tượng có thể biến thành "tay trong", bao gồm: tiền, lý tưởng, cưỡng ép hoặc cái tôi lớn. Họ có thể trở thành gián điệp vì lòng tham, vì lý tưởng phục vụ quốc gia, từng dính vào bê bối hay còn người thân có thể được dùng làm con bài mặc cả, hay đơn giản bản thân muốn sống cuộc đời hai mặt của một điệp viên.

Trong khi những nhà khoa học gốc Hoa có thể chấp nhận làm gián điệp vì những động cơ như lý tưởng hoặc bị cơ quan tình báo "bắt thóp" và cưỡng ép, đa phần "tay trong" phương Tây chọn bán bí mật công nghệ để kiếm tiền.

Tháng 6, FBI cho bắt giữ Ron Rockwell Hansen, một cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Quân đội (DIA). Người này chuẩn bị bay từ Utah sang Trung Quốc để trao đổi nhiều thông tin quốc phòng nhạy cảm. Phía công tố cho biết Hansen được tình báo Trung Quốc tiếp cận khi đang gặp khó khăn về tài chính, với khoản nợ lên đến 150.000 USD nhưng lương hưu chỉ có 1.900 USD/tháng.

Từ năm 2013-2018, Hansen đến Trung Quốc hơn 40 lần và thường trở về nhà với hàng chục nghìn USD tiền mặt. Trong một chuyến công tác năm 2015, các đối tác Trung Quốc đề nghị trả cho Hansen mức lương 300.000 USD/năm để ông "hỗ trợ tư vấn". Tổng số tiền cựu nhân viên DIA nhận được từ các điệp viên Trung Quốc lên đến 800.000 USD.

Trong vụ khác, Glenn Duffie Shriver, du học sinh Mỹ tại Trung Quốc, được tình báo nước này tiếp cận và "nuôi nguồn tin" trong nhiều năm. Quá trình tạo liên kết khởi đầu bằng những khoản giúp đỡ nhỏ từ các nhà hảo tâm, những khoản tiền công hào phóng bất thường. Qua thời gian, Shriver được các điệp viên Trung Quốc động viên thi vào Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) hoặc Bộ Ngoại giao Mỹ.

Năm 2007, Shriver đăng ký vào Cơ quan Mật thám Quốc gia thuộc CIA, chuyên trách các hoạt động bí mật ở nước ngoài. Anh nhận được khoản thù lao gần 40.000 USD từ MSS để tham gia kỳ thi. Năm 2010, sau gần ba năm theo dõi, FBI quyết định bắt giữ Shriver.

img

04: Phương Tây phản công.

Chính phủ của Tổng thống Donald Trump trong hai năm qua tỏ rõ quyết tâm đáp trả các chiến dịch tình báo của Trung Quốc. Chiến lược trước mắt của Mỹ là truy tố một loạt các nhân viên tình báo của Bắc Kinh, đơn cử là vụ án của Từ Ngạn Quân.

Ngày 21/12, Bộ Tư pháp Mỹ còn truy tố hai nhân sự khác của MSS là Chu Hoa và Trương Sĩ Long. Hai người này được mô tả là những tin tặc đóng vai trò quan trọng trong nhóm APT10 - chuyên tổ chức các hoạt động tấn công mạng nhắm vào chính phủ và công ty nhiều nước trên thế giới trong hơn một thập niên qua.

Bản cáo trạng ngày 20/12 cho biết, về mặt chính danh, hai tin tặc làm việc cho Tập đoàn Khoa học và Phát triển Công nghệ Hoa Doanh Hải Thái. Danh bạ đăng ký doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy công ty này hoạt động trong lĩnh vực phát triển các trang web thương mại điện tử và mạng lưới máy tính, theo Guardian.

Những nỗ lực truy tố này khó đạt được kết quả tối thượng là bắt giữ nghi phạm, do đa số đều hoạt động tại Trung Quốc. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ thông qua những nỗ lực này có thể công bố cho dư luận trong nước và quốc tế về những hoạt động tình báo của Trung Quốc, gây sức ép lên giới lãnh đạo tại Bắc Kinh, theo BBC.

Tuy nhiên, những vụ án tình báo được phát hiện thời gian qua cho thấy mạng lưới tình báo Trung Quốc đủ tinh vi để làm đau đầu các cơ quan phản gián Mỹ và phương Tây. Phần lớn mối đe dọa tình báo lại không xuất phát từ các điệp viên mà là đối tượng dân sự.

"Họ (Trung Quốc) sử dụng các nhà khoa học, kỹ sư và doanh nhân. Họ có thể đến đây, xâm nhập vào nhiều tổ chức, thông thạo văn hóa, rồi tiến thân và làm việc trong những dự án quan trọng. Khi đó, họ sẽ ở vào vị thế có thể tiếp cận các thông tin bí mật rồi gửi về nước", Bill Evania cảnh báo. "Tôi cam đoan với các bạn rằng sẽ còn nhiều điệp viên Trung Quốc đến đây và vẫn còn rất nhiều người chưa bị bắt".

Mỹ giờ đây đang kêu gọi các đồng minh tăng cường hợp tác trong cuộc chiến tình báo, với mục tiêu rộng hơn là bảo vệ thế mạnh thương mại và công nghệ của phương Tây.

Cơ quan an ninh Đức năm 2017 cũng cảnh báo hơn 10.000 công dân bị tiếp cận trên mạng xã hội bởi các tài khoản giả danh. Những nhân vật này tự nhận là chuyên gia tuyển dụng, học giả, nhà tư vấn chính sách hoặc tập đoàn tại Trung Quốc nhưng thật ra đều làm việc cho cơ quan tình báo.

Australia trong thời gian qua là đối tác dẫn đầu trong những tranh luận về sức ảnh hưởng và nguy cơ tình báo từ Trung Quốc, cả trên chính trường lẫn các diễn đàn học thuật.

Tháng 6 vừa qua, nước này thông qua một đạo luật phản gián mới, quy định truy tố "mọi hành động ngầm, lừa đảo và mang tính đe dọa, âm mưu can thiệp và tiến trình dân chủ của đất nước hoặc cung cấp tình báo cho chính phủ nước ngoài".

Chính phủ Anh cũng bày tỏ các quan ngại về sức ảnh hưởng ngày càng lớn từ Bắc Kinh. "Quyền lực, tiền và chính trị đang chuyển dịch về phương Đông. Đó là thực tế mà chúng ta cần thích nghi", Alex Youger, lãnh đạo cơ quan tình báo Anh MI6, nhấn mạnh hồi tháng 11.

img

PV (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem