Mỹ và trận chiến "ngớ ngẩn" với Khmer Đỏ tháng 5/1975

MA Thứ ba, ngày 17/01/2023 20:30 PM (GMT+7)
Danh tính hàng chục lính Mỹ tử trận trong cuộc đụng độ với lực lượng Khmer Đỏ ở Campuchia là những cái tên cuối cùng được điền vào Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam.
Bình luận 0

Tháng 5/1975, Tổng thống Mỹ Gerald Ford đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ là cuộc khủng hoảng Mayaguez, trận chiến chính thức cuối cùng của Mỹ trong chiến tranh Đông Dương. Danh tính hàng chục lính Mỹ tử trận trong cuộc đụng độ với lực lượng Khmer Đỏ ở Campuchia là những cái tên cuối cùng được điền vào Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam.

Mỹ và trận chiến "ngớ ngẩn" với Khmer Đỏ tháng 5/1975 - Ảnh 1.

Cuộc khủng hoảng và chiến dịch giải cứu thất bại, được biết đến với tên gọi Sự kiện Mayaguez, từng được cựu Phó tổng thống Mỹ Dick Cheney, người có thời gian phục vụ trong chính quyền Ford, mô tả là một “dòng chú thích cuối trang” của lịch sử. Tuy nhiên, đó là dòng chú thích đẫm máu khép lại một thập niên phiêu lưu quân sự của Mỹ tại Đông Dương.

Trong móng vuốt Khmer Đỏ

Sự kiện Mayaguez nổ ra vào ngày 12/5/1975 khi tàu hàng Mỹ SS Mayaguez băng qua vùng biển gần lãnh hải Campuchia trên đường đi từ Hồng Kông đến Thái Lan. Khoảng hơn 14 giờ (giờ địa phương), một xuồng cao tốc của Khmer Đỏ bất ngờ tiếp cận mạn phải con tàu, các tay súng khai hỏa và ra lệnh cho tàu thả neo. Thuyền trưởng Charles Miller tuân thủ và tắt động cơ nhưng trước đó ông đã kịp đánh tín hiệu cấp cứu qua sóng vô tuyến. Trong vài phút, các du kích Khmer Đỏ tràn lên tàu và khống chế toàn bộ thủy thủ đoàn 40 người. Những người này ra lệnh cho con tàu đi đến đảo Koh Tang, cách bờ biển phía nam Campuchia khoảng 43 km.

Tổng thống Ford được các cố vấn an ninh thông báo về vụ bắt giữ tàu Mayaguez vào buổi sáng (giờ Mỹ). Một cuộc họp khẩn của Hội đồng an ninh quốc gia được triệu tập để thảo luận tình hình. Trong khi đó, Tư lệnh Thái Bình Dương, đô đốc Noel Gayler nhận lệnh điều máy bay trinh sát tìm kiếm vị trí tàu Mayaguez.

Theo biên bản các cuộc họp được giải mật sau này (Foreign Relations of the United States, 1969 – 1976, Volume X, Vietnam, January 1973 – July 1975 – Quan hệ ngoại giao của Mỹ 1969 – 1970, tập 10, Việt Nam, tháng 1/1973 – 7/1975), Tổng thống Ford cùng các cố vấn chủ chốt xem vụ bắt giữ tàu Mayaguez là một thách thức nhưng đồng thời là cơ hội cuối cùng để vớt vát uy tín sau “cuộc rút lui nhục nhã” ở Sài Gòn. Một phản ứng kiên quyết và táo bạo của Nhà Trắng sẽ thay đổi quan điểm rằng Mỹ đang trở thành một siêu cường suy tàn. Cả Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân David Jones và Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger xem hành động của Campuchia là sự thách thức trực tiếp đối với sức mạnh Mỹ và nguyên tắc tự do hàng hải. Ford cùng các cố vấn nhanh chóng vạch ra mục tiêu quan trọng nhất là chứng tỏ với thế giới rằng Mỹ vẫn là một siêu cường sẵn sàng và đủ khả năng bảo vệ lợi ích ở hải ngoại. Theo đó, một lực lượng hùng hậu sẽ được triển khai giải cứu con tàu cùng thủy thủ đoàn để biểu dương sức mạnh của Mỹ.

Chiến dịch thất bại

Chưa đầy 24 giờ sau vụ bắt giữ, một đội tác chiến gồm 600 lính thủy đánh bộ tập trung tại Thái Lan cùng 19 trực thăng HH-53 và CH-53. Hai tàu khu trục và tàu sân bay USS Coral Sea được lệnh tăng tốc đến vùng biển ngoài khơi Campuchia trong khi máy bay đổ về khu vực để theo dõi tình hình. Theo kế hoạch, một toán nhỏ được giao nhiệm vụ chiếm lại tàu Mayaguez còn nhóm lớn hơn sẽ đột kích vào đảo Koh Tang để giải cứu các thủy thủ.

Trước khi chiến dịch khai mào vào rạng sáng 15/5, một chiếc trực thăng Mỹ đã rơi do trục trặc động cơ khi chuyển quân từ căn cứ không quân Nakhon Phanom đến sân bay U-Tapao ở Thái Lan, khiến 23 binh sĩ và thành viên tổ lái thiệt mạng. Vụ tai nạn báo hiệu điềm xấu cho những gì sắp xảy ra song Tổng thống Ford vẫn ra lệnh tiến hành chiến dịch. Toán binh sĩ trên tàu khu trục USS Harold E.Holt cập mạn rồi đột kích lên tàu Mayaguez. Cùng lúc, 500 lính thủy đánh bộ đổ bộ lên Koh Tang và máy bay cất cánh từ tàu sân bay USS Coral Sea oanh tạc các hải cảng ở tỉnh Sihanoukville và những mục tiêu khác trong nội địa Campuchia. Tàu Mayaguez dễ dàng bị lực lượng Mỹ khống chế khi chỉ có vài lính gác Campuchia trên tàu nhưng toán lính thủy đánh bộ đột kích đảo Koh Tang lại vấp phải sự kháng cự dữ dội của gần 200 lính Khmer Đỏ vũ trang tận răng, gần gấp 10 lần lực lượng mà Mỹ ước lượng trước đó. Trong lúc giao chiến, 15 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và hơn 50 người bị thương, 3 trực thăng bị bắn cháy và 4 chiếc khác bị hư hại nhưng vẫn chưa thấy bóng dáng bất kỳ thủy thủ nào của tàu Mayaguez.

Thực tế, gần như ngay khi chiến dịch giải cứu được phát động, Khmer Đỏ đã thông báo trên đài phát thanh về việc phóng thích vô điều kiện tàu Mayaguez cùng toàn bộ thủy thủ đoàn. Điều bất ngờ hơn nữa là họ đã bí mật được chuyển vào trong nội địa chứ không hề có mặt ở Koh Tang. Vào giữa buổi sáng các thủy thủ được tàu khu trục Henry B.Wilson đón từ một chiếc tàu cá Thái Lan. Sau khi thông tin được báo cáo về Nhà Trắng, Tổng thống Ford đã lên truyền hình thông báo về việc thu hồi tàu Mayaguez và giải cứu thủy thủ đoàn nhưng lại lờ đi thực tế rằng họ được phóng thích chứ không phải được cứu. Các chỉ huy Mỹ được lệnh rút những binh sĩ vẫn còn giao chiến tại Koh Tang. Cuộc triệt thoái lại mở ra một thảm kịch khác nữa khi có 3 lính thủy đánh bộ vô tình bị bỏ lại hòn đảo và số phận của họ vẫn còn là điều bí ẩn cho đến tận ngày nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem