dd/mm/yyyy

Năm 2018, xuất khẩu gỗ phấn đấu cán đích 9 tỉ USD

Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt trên 8 tỉ USD và có mặt tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam đang phấn đấu đạt mốc 9 tỉ USD trong năm 2018.


XK lâm sản của Việt Nam có cơ hội đạt 9 tỉ USD trong năm 2018

Tuy nhiên, ngành lâm nghiệp cũng đang rốt ráo triển khai việc kiểm soát để truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp trong bối cảnh các thị trường XK đang ngày càng siết chặt về vấn đề này.

Đích xuất khẩu 9 tỉ USD khả thi

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, đến hết năm 2017, lâm sản Việt Nam đã được tiêu thụ tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với kim ngạch XK đạt hơn 8,03 tỉ USD năm 2017, Việt Nam là quốc gia đứng đầu ASEAN, đứng thứ 2 châu Á (sau Trung Quốc) và thứ 5 thế giới về kim ngạch XK lâm sản (sau Ý, Đức, Ba Lan, Trung Quốc).

Theo Hiệp hội Gỗ Việt Nam, hiện cả nước có tới trên 4.500 DN chế biến gỗ (trong đó tư nhân chiếm 95%), tuy nhiên số DN nhỏ và vừa, DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 93%, số DN vừa chỉ chiếm 5,5% và DN lớn chỉ có 1,5%. Năng lực cạnh tranh của các DN gỗ Việt Nam nhìn chung còn rất thấp, tính hợp tác và liên kết chuỗi từ khâu chế biến gỗ rất yếu.

Trong 2 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch XK lâm sản của nước ta ước đạt 1,43 tỉ USD, trong đó gỗ và SPG đạt 1,35 tỉ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục duy trì là những nước NK gỗ và SPG lớn nhất của Việt Nam (chiếm tới 77,8% trong tháng 1/2018).

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn nhận định: So với mục tiêu tăng thêm 1 tỉ USD về kim ngạch XK của cả năm 2018, chỉ trong 2 tháng đầu năm, XK gỗ và SPG đã hoàn thành được gần 1/3 mục tiêu. Với tình hình khả quan này, mục tiêu đạt 9 tỉ USD kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ, tăng thêm 1 tỉ USD so với năm 2017 là hoàn toàn khả thi.

Mặc dù đứng thứ 5 thế giới về XK gỗ và SPG, tuy nhiên, tỉ trọng kim ngạch XK của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 4 - 5% thị trường thế giới. Các DN chế biến gỗ đại đa số vẫn đang là các DN nhỏ.

Việc XK chủ yếu vẫn XK theo giá FOB (giao hàng trên tàu) mà chưa trực tiếp XK theo giá CIF (có bảo hiểm và cước phí) để tránh rủi ro. Theo đánh giá, hạn chế này trong XK đã khiến DN chế biến gỗ của Việt Nam giảm lợi nhuận khoảng 10% so với XK theo giá CIF.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho rằng, một trong những mục tiêu quan trọng của ngành lâm nghiệp theo đề án tái cơ cấu ngành, đó là phải từng bước giảm dần tỉ trọng XK gỗ dăm kém giá trị, tăng dần sản phẩm gỗ chế biến sâu giá trị cao. Vì vậy thời gian tới, ngành lâm nghiệp cần phải tiếp tục rà soát sâu để có những con số cụ thể hơn về tình hình biến động cơ cấu về sản lượng cũng như kim ngạch XK của từng nhóm mặt hàng gỗ và SPG, đặc biệt là mặt hàng gỗ dăm (năm 2017, sản lượng XK gỗ dăm vẫn tăng khoảng 7%, kim ngạch XK tăng trên 2%).

Để kịp thời “hà hơi tiếp sức” cho các DN gỗ Việt Nam trong mục tiêu nhắm đích 9 tỉ USD kim ngạch XK trong năm 2018, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ quan trọng cho công tác xúc tiến thương mại XK lâm sản.

Cụ thể, sẽ hỗ trợ Hiệp hội Gỗ Việt Nam tổ chức Triển lãm VIFA EXPO từ ngày 8 - 10/3 tại TP.HCM và Triển lãm VIFA HOME trong tháng 8. Thời gian tới, Bộ NN-PTNT giao Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với các hiệp hội gỗ trong nước sẽ tổ chức Hội nghị thúc đẩy XK lâm sản nhắm đích 9 tỉ USD nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN về nguyên liệu, thị trường và thủ tục hành chính; tăng cường nguồn kinh phí hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN gỗ trong nước tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn và sự kiện xúc tiến thương mại lớn trong ngành gỗ của quốc tế...

Vấn đề kiểm soát nguồn gốc gỗ và nguy cơ thẻ vàng

Cùng với đà tăng trưởng mạnh của chế biến và XK, tình hình thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến của DN trong nước đang ngày càng tăng mạnh. Trong khi đó, năng suất gỗ rừng trồng hiện nay vẫn đang ở mức thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu chế biến.


Tình hình thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến của DN trong nước đang ngày càng tăng mạnh

Theo ông Lê Văn Bách, Vụ trưởng Vụ Quản lí Sản xuất Lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp), năm 2017, cả nước đã khai thác khoảng 260 nghìn ha rừng trồng tập trung với tổng sản lượng khoảng 18 triệu m3 gỗ, bình quân sản lượng 1ha rừng trồng chỉ đạt khoảng 70 m3/ha/chu kỳ, đây là mức rất thấp so với bình quân của một số cây lâm nghiệp chính. Năm 2017, Việt Nam cũng đã phải NK khoảng 7 triệu m3 gỗ quy tròn để phục vụ chế biến và XK, nhu cầu này dự báo sẽ tăng lên khoảng 9 - 10 triệu m3 trong năm 2018.

Việc NK nguồn gỗ nguyên liệu (gỗ tròn và gỗ xẻ) cũng đang có nhiều nguy cơ khó kiểm soát được nguồn gốc gỗ NK, điều này sẽ hết sức nguy hiểm trong bối cảnh các thị trường NK gỗ và SPG của Việt Nam đang ngày càng tăng cường việc kiểm soát vấn đề truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Theo bà Nguyễn Tường Vân, Phó vụ trưởng Vụ KH-CN và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp), không chỉ có EU (hiện đang trong quá trình đàm phán ký hiệp định VPA với Việt Nam), nhiều thị trường XK gỗ tiềm năng của Việt Nam như Canada, Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ... cũng đã và đang đẩy mạnh việc kiểm soát đối với nguồn gốc gỗ khai thác hợp pháp. Vì vậy, việc tăng cường kiểm soát nguồn gốc gỗ NK về Việt Nam cần phải đặc biệt quan tâm trong thời gian tới.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Hà Công Tuấn chỉ đạo trong thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp cùng với các đơn vị liên quan như Cục BVTV cần phải quyết liệt giám sát, kiểm tra đối với các lô gỗ nguyên liệu NK về nước để phục vụ chế biến và XK, nhất quyết không để xẩy ra tình trạng các thị trường NK gỗ và SPG của Việt Nam “rút thẻ vàng” tương tự sự cố EU rút thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam.

Về phản ánh của một số DN chế biến, XK gỗ và SPG liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong thủ tục kiểm dịch thực vật (KDTV) đối với gỗ và SPG trong quá trình XNK, đại diện Cục BVTV cho biết: Theo Luật Bảo vệ và KDTV cùng các văn bản hướng dẫn thi hành, hiện nay, việc KDTV đối với gỗ và SPG xuất khẩu chỉ phải thực hiện trong trường hợp có yêu cầu của nước XK.
Đối với gỗ và SPG nhập khẩu, hiện chỉ có gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ pa-let và mùn dừa bắt buộc phải KDTV (gồm cả giấy KDTV của nước XK và của Cục BVTV). Trong đó, gỗ tròn và gỗ xẻ là sản phẩm gỗ nguyên liệu, các nước trên thế giới đều bắt buộc KDTV tương tự Việt Nam. Đối với gỗ pa-let và xơ dừa, đây là hai loại sản phẩm chứa rất nhiều nguy cơ về dịch hại nguy hiểm.
Lê Bền