Năm 2019 khép lại: Vẫn còn câu hỏi bỏ ngỏ quanh các đại án

Vương Hà Thứ bảy, ngày 28/12/2019 10:00 AM (GMT+7)
Khoảng hơn mươi năm trở về trước, đặc biệt là những năm cuối của thế kỷ XX, hầu hết các vụ đại án chỉ có các chủ doanh nghiệp hầu tòa. Nay thì ngược lại, xuất hiện nhiều hơn các lãnh đạo bộ ngành, đứng đầu tỉnh, thành phố cùng ra tòa với các chủ doanh nghiệp. Sự khác biệt đó cho chúng ta thấy điều gì?
Bình luận 0

Điều dễ thấy nhất, đó là thắng lợi bước đầu của công cuộc chống tham nhũng, mọi đối tượng đều được đối xử công bằng trước pháp luật và đặc biệt là không có vùng cấm.

Năm 2017 - 2018 dư luận ngỡ ngàng khi một số quan chức  cấp cao vướng vào vòng lao lý, trong đó gây xôn xao, bàn tán nhiều nhất là các quan chức lãnh đạo ở TP.HCM, Đà Nẵng, đặc biệt là nguyên Ủy viên Bộ Chính trị như ông Đinh La Thăng. Đến năm 2019, dư luận vẫn không khỏi bất ngờ khi một số vị đứng đầu địa phương bị xóa tư cách, cách chức “cả chùm” hai khóa liên tục như Khánh Hòa (Chủ tịch, nguyên Chủ tịch tỉnh Lê Đức Vinh, Nguyễn Chiến Thắng), thậm chí khởi tố cả hai Chủ tịch TP hai khóa liên tục ở Đà Nẵng (Trần Văn Minh, Phan Hữu Chiến) và hai cựu Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn.

Các vụ án này có đặc điểm chung là họ đã bị các doanh nhân đưa vào “tròng” hoặc họ chủ động “chui vào rọ”. Trong đó, hai vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) và  Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”)  là những ví dụ điển hình. Hai đối tượng này nhờ khoác áo công an và quân đội, được một số lãnh đạo của họ (những vị đã bị khởi tố hoặc bị cách chức, kỷ luật) không chỉ làm ngơ, mà còn thảo những công văn trái nguyên tắc, sai thẩm quyền gửi chính quyền địa phương để đàn em của mình được chỉ định mua những công sở có giá trị đắc địa với giá cực rẻ, thậm chí có có thể “tay không bắt giặc” (như Út “trọc” được chỉ định dự án BOT giao thông dù không có tiền và không có cả nhân lực).

Ngoài cái uy từ những văn bản mượn danh của Bộ Công an, cũng cần phải nói thẳng rằng, khi duyệt việc mua bán theo đề nghị của các cơ quan trên, một số vị lãnh đạo ở Đà Nẵng, TP.HCM cũng “mượn gió bẻ măng”. Bởi họ nghĩ rằng, “ăn” ở các dự án này sẽ an toàn bởi có những cái “cái ô” là các văn bản kiểu như vậy. Nhưng họ đâu có ngờ, ngay cả các ông tướng, cả những ông thứ trưởng các Bộ này cũng trở thành “củi gộc” cho vào “lò” của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương do Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, được toàn dân ủng hộ mạnh mẽ.

img

Bị cáo Nguyễn Bắc Son và các bị cáo khác tại phiên tòa xét xử vụ Mobifone - AVG. Ảnh: TTXVN.

Còn với vụ AVG đang được xét xử,  dư luận thấy rõ hơn mức độ tha hóa, biến chất và rất điển hình cho sự câu kết giữa các nhóm lợi ích chặt chẽ tới mức dễ dàng đục khoét ngân khố Nhà nước một cách kinh hoàng và tinh vi như thế nào.

Mặt khác, hầu hết các đại án đều liên quan đến việc mua bán đất đai, đó là đặc điểm chung, rất chung mà các cơ quan quản lý nhà nước không thể bỏ qua. Với nhiều mỹ từ núp dưới tên dự án này nọ, các nhóm lợi ích “tung hứng” bán và mua đất nông nghiệp với giá bèo và ngay sau đó bán lại với giá cao ngất ngưởng. Các công sở được bán với giá rẻ cũng bất ngờ không kém bằng thủ đoạn, bằng câu chữ, các loại văn bản loằng ngoằng của những quan chức biến chất. Mặc dù chỉ thoáng qua ai cũng thấy “có mùi”, nhưng những vị lãnh đạo biến chất bất chấp pháp luật để chỉ định đối tác được mua. Thậm chí, với tư cách là Phó thủ tướng, ông Vũ Văn Ninh đã ký các văn bản đồng ý cho giảm và thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn, bán phần vốn nhà nước hiện có tại Công ty cổ phần cảng Quảng Ninh, dù rằng đó là những cảng có tầm chiến lược kinh tế lẫn quốc phòng. Đặc biệt, việc bán cảng đó trái với kết luận của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ về cổ phần hóa.

Mặt khác, hầu hết các đại án những năm qua, các bị cáo là quan chức hầu như chỉ bị khởi tố về tội hiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng… mà không thấy sự hiện diện tội danh đưa và nhận hối lộ. Dù rằng, về mặt nhận thức, ai cũng biết chuyện “lại quả” không những là đương nhiên, mà nó là đã là “luật”. Nhưng, luật là luật, khi không đủ chứng cứ thì các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đành thua, không thể truy cứu tội đưa và nhận hối lộ với các bị cáo.

Điều đó khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Chỉ từ lời khai của đối tượng Phạm Nhật Vũ (vụ AVG), các đối tượng nhận hối lộ đều không thể chối tội, trong khi nhiều vụ án khác, thậm chí còn có nhiều lời khai trùng khớp về hành vi đưa hối lộ, có thời gian địa điểm rõ ràng, nhưng không thể buộc được đối tượng nhận hối lộ phải thú tội? Phải chăng vụ án này các điều tra viên giỏi hơn hay còn lý do gì mà dư luận chưa giải mã nổi?

Nhưng dư luận cũng rất quan ngại, vì sao các sai phạm bị phát hiện rất muộn màng? Trừ vụ án AVG, còn lại hầu hết các đại án đã diễn ra từ chục năm trước, nhiều đối tượng liên quan đến vụ án vẫn lên chức vù vù, như vụ án xảy ra ở Dự án Thủ Thiêm, ở Đà Nẵng, đặc biệt như vụ án của ông Đinh La Thăng.

Vừa qua Ban Bí thư và Bộ Công an cách chức, xóa tư cách một loạt vị  đứng đầu cơ quan tiến hành tố tụng ở Đồng Nai (cách chức trưởng Ban nội chính Tỉnh ủy Hồ Văn Năm; cách chức Giám đốc Công an tỉnh Huỳnh Tiến Mạnh; xóa tư cách Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Văn Khánh). Dù vụ việc chỉ ở một tỉnh, nhưng cho thấy sự can thiệp rất thô bạo của những cơ quan này vào một số vụ án từ rất lâu. Phải chăng, vụ việc ở Đồng Nai giải đáp phần nào câu hỏi nêu trên?

Đó cũng là điều mà dư luận thắc mắc và rất mong có câu trả lời từ các cơ quan quản lý nhà nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem