Năm 2020, ngành ngân hàng đối mặt với những thách thức gì?
Trong năm 2020, theo ông, đâu là những thách thức mà ngành ngân hàng phải đối mặt?
Thách thức của ngành ngân hàng vẫn là những điểm từ trước đến giờ ngành ngân hàng chưa hoàn thiện được. Đầu tiên là vấn đề xử lý nợ xấu, mặc dù Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã mở ra hướng xử lý nhưng thực tế vẫn còn chậm. Nguyên nhân bởi pháp luật Việt Nam có nhiều quy định liên quan đến chuyển nhượng, buôn bán, thanh lý bất động sản… chưa thông thoáng, thủ tục còn rườm rà, phức tạp, thậm chí là chồng chéo nên chưa tạo thuận lợi để các ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo, khiến nợ xấu còn tồn tại. Sang năm 2020, thị trường bất động sản có thể có những suy giảm, sẽ không tạo thuận lợi cho giải quyết tài sản thế chấp, nên vấn đề này sẽ khó mà được giải quyết nhanh, cần tiếp tục thận trọng xử lý.
Thách thức tiếp theo là trong năm 2020, Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 41) và Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát hoạt động của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có tác động trực tiếp đến hoạt động ngân hàng, bởi hai thông tư này liên quan đến vấn đề quản lý rủi ro và quản trị rủi ro của các ngân hàng. Năm 2019, đã có 17 ngân hàng thương mại được chấp thuận thực hiện theo Thông tư 41, được công nhận sớm hoàn thiện theo tiêu chuẩn Basel II, nghĩa là còn một nửa các ngân hàng sẽ phải sẵn sàng áp dụng trong năm 2020. Trong khi đó, Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quy định về tỷ lệ an toàn vốn, giảm xuống 8% từ tỷ lệ hiện nay là 9%.
Điều này sẽ khiến các ngân hàng chưa được công nhận phải tính toán lại cơ cấu nguồn vốn, tăng mẫu số tỷ lệ an toàn vốn. Ngân hàng nào không có đầy đủ vốn chủ sở hữu sẽ không đạt được tỷ lệ an toàn vốn 8% theo quy định, có thể bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Nên đây là thách thức cho một số ngân hàng để tăng vốn chủ sở hữu nhằm đáp ứng quy định. Đặc biệt, hiện nay, việc gọi vốn không phải dễ, việc gọi vốn trong nước giờ gặp khó hơn bởi cổ phiếu ngành ngân hàng không còn hấp dẫn như trước. Vì các nhà đầu tư nước ngoài lại thường quan tâm nhiều hơn đến các ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước, khiến các ngân hàng nhỏ và tầm trung thiếu vốn trầm trọng.
Cùng với 2 vấn đề nêu trên, trong năm 2020, các ngân hàng còn gặp phải thách thức về các vấn đề liên quan đến nghiệp vụ, nhất là bảo mật khi trong năm 2019, nhiều vụ tài khoản, thông tin của khách hàng bị đánh cắp vẫn xảy ra. Năm 2020, tình hình tin tặc có thể còn lộng hành hơn nên rủi ro liên quan đến công nghệ thông tin càng cao, cùng với đó là những sai phạm về đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên ngân hàng cũng là điểm nóng, vấn đề tồn tại cần xử lý. Ngoài ra, những ngân hàng mà NHNN mua lại giá “0 đồng” cùng đặt ra thách thức trong quản lý hệ thống, NHNN nên nghĩ đến việc sáp nhập các ngân hàng lại hoặc bán đi. Bởi nếu NHNN cứ “ôm” các ngân hàng yếu kém với hoạt động lừng khừng như này thì không mang lại hiệu quả, có thể ảnh hưởng đến toàn hệ thống.
Như vậy, thách thức trong năm 2020 là rất lớn, nhưng không thể phủ nhận đà tăng trưởng mạnh của hệ thống ngân hàng trong năm 2019. Ông có dự báo như thế nào về sự phát triển của các ngân hàng trong năm tới?
Năm 2019, ngành ngân hàng đạt được nhiều điểm sáng không chỉ trong việc điều hành chính sách tiền tệ ổn định, lãi suất có nhiều cơ hội giảm, mà các ngân hàng thương mại cũng đã tiếp tục cơ cấu lại hệ thống, đưa hoạt đông ngân hàng lành mạnh hơn, minh bạch hơn. Thách thức nợ xấu vẫn rất lớn nhưng nhiều ngân hàng nợ xấu đã giảm và đã có định hướng giải quyết vấn đề này rõ ràng hơn, cũng như nhiều ngân hàng đã quyết tâm cao hơn khi đưa ra biện pháp mạnh tay xử lý tình trạng này.
Bên cạnh đó, các ngân hàng trong năm 2019 đều có lãi lớn, nên sang năm 2020, tôi tiếp tục đưa ra những dự báo lạc quan về triển vọng lợi nhuận ngân hàng. Vấn đề tăng vốn dù không nhiều nhưng cũng có nhiều triển vọng, nhất là khi một số ngân hàng đã tìm được dòng vốn ngoại để bổ sung vốn. Do đó, đến 2020, có thể một số ngân hàng sẽ đi đến giai đoạn sáp nhập với nhau. Những điều này cho thấy, ngành ngân hàng sẽ có những sự phát triển nhưng vẫn phải thận trọng trước những vấn đề còn tồn tại, nhất là khi thách thức từ bối cảnh kinh tế năm tới sẽ còn nhiều biến động, có thể ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng.
Năm 2020, nhiều ngân hàng thương mại cho biết sẽ tập trung vào cạnh tranh mảng dịch vụ, thanh toán, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với những thách thức ra sao, thưa ông?
Hiện nay, thị trường các công ty công nghệ tài chính (fintech) tại Việt Nam rất sôi động với nhiều sản phẩm, công cụ tài chính, thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua ví điện tử, mã QR code, thẻ không chạm… Năm 2020, thị trường này sẽ càng sôi động hơn do sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội. Do đó, các ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc mà phải có những thay đổi để bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt này.
Nhiều ngân hàng hiện cũng đã phát triển riêng cho mình mảng thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển công nghệ bằng việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip. Tuy nhiên, các ngân hàng không chỉ chịu cạnh tranh trong lĩnh vực thanh toán mà còn cả lĩnh vực huy động vốn, cho vay khi các công ty tài chính, công ty fintech, công ty cho vay ngang hàng (P2P)… ngày càng mở rộng. Vì thế, khi không thể đứng ngoài cuộc chơi, khi không thể loại trừ được các đối thủ mạnh, các ngân hàng cần hợp tác với các công ty fintech để đưa ra các gói dịch vụ phù hợp. Các ngân hàng cần có sự thích nghi, tự thay đổi dịch vụ, đầu tư cho công nghệ thông tin hiện đại cũng như chiến lược hợp tác hợp lý thì mới có thể đương đầu với các thử thách trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Xin cảm ơn ông!
Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước: Đổi mới theo xu thế mới
Hệ thống ngân hàng Việt Nam cần đổi mới hoạt động theo xu thế mới; chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh của các ngân hàng thương mại theo hướng từ “độc canh tín dụng” sang mô hình đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phi tín dụng; thoái vốn đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực phi tài chính, nhiều rủi ro; hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán nội bộ…
Ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB): Thanh toán là lĩnh vực trọng tâm
Trọng tâm của tất cả ngân hàng trong năm 2020 sẽ là những vấn đề liên quan đến phát triển thanh toán và dịch vụ, đặc biệt là mặt dịch vụ. Các ngân hàng đang phải cạnh tranh khốc liệt trong cuộc chiến thu hút khách hàng, cuộc chiến giảm phí hay liên quan đến tiện ích, nên năm tới cuộc chiến này sẽ càng quyết liệt hơn. Ngân hàng nào có sự tiên phong đưa ra tiện ích mà khách hàng ưa chuộng thì sẽ nâng cao tính cạnh tranh hơn. Nguyên nhân bởi các lĩnh vực khác đã khá ổn định, như cho vay, thu hút huy động… thì các ngân hàng đã có chiến lược riêng để cạnh tranh, trong khi các dịch vụ về thẻ, ví điện tử còn rất mới. Với ACB, ngân hàng đã có chiến lược cho năm 2020 năm trong chiến lược phát triển ngân hàng giai đoạn 2019-2024. Theo đó, ACB cũng xác định thanh toán là lĩnh vực trọng tâm của để ngân hàng tiếp tục vươn lên phát triển.
Minh Chi (ghi)